Thiêng liêng, ấm áp tết quê

01/02/2022 14:52 GMT+7

Sinh ra và lớn lên từ nhỏ ở quê, với anh em chúng tôi ai cũng thương nhớ tết quê , với bao ký ức tuổi thơ không thể nào phai nhạt. Cây đa, bến nước, sân đình của làng quê miền Bắc càng làm trái tim thổn thức hơn mỗi dịp xuân về.

Nhà tôi, các cụ sinh được 8 người con, tất cả đều thoát ly. Người ở nước ngoài, người ở thành phố, thế nhưng từ ngày bố mẹ còn sống, tất cả nhà đã luôn quây quần trong ngày tết.

Con cháu thắp hương tại nhà thờ tổ của dòng họ cụ Chánh Đức đêm 30
ngô tiến điệp

Giờ đây, bố mẹ không còn nữa nhưng 6 người con trai đều thống nhất cùng nhau ăn tết ở quê. Về quê, để bọn trẻ được gặp gỡ nhau, để chúng được biết về phong tục gói bánh chưng, được ngồi quanh bếp lửa bập bùng “canh” bánh chín. Về để xem bác trưởng họ nay thay ông chăm chút ban thờ tổ tiên, tỉ mẩn sắp mâm ngũ quả, về để các cháu biết mặt nhau, gần gũi nhau hơn, và nghe kỷ niệm xưa của ông bà, bố mẹ…

Nhớ lại ngày tôi còn nhỏ, đất nước còn nhiều khó khăn, gia đình luôn trong tình trạng thiếu thốn đủ bề nên rất mong chờ tết đến để được thưởng thức những món ăn ngon, được mặc bộ quần áo mới.

Hồi đó, nhà tôi cùng mấy nhà hàng xóm chung nhau mua một con lợn về làm thịt chia nhau, quê tôi vẫn gọi là “ăn đụng”. Thịt lợn được chia theo tiền đóng góp của từng nhà. Người thì gói giò, người để làm nhân bánh, có nhà cầu kỳ thì làm thêm các loại nem.

Có hai loại giò thường được làm, đó là giò lụa và giò xào. Cầu kỳ nhất vẫn là giò lụa (giò nạc). Muốn giò ngon phải ưu tiên làm sớm, khi thịt còn nóng và giã thật nhanh mới mịn và ngon.

Giã được cối giò rời rã cả cánh tay nên nhiệm vụ này phải giao cho các thanh niên khoẻ mạnh. Bọn trẻ thì ngồi xung quanh chờ người lớn giã xong để được vét cối, để được “mượn” cái chày vẫn dính thịt rồi nhúng vào nồi nước luộc lòng, chia nhau đánh chén. Cái mùi giò thơm phức ấy vẫn luôn theo tôi đến tận bây giờ.

Cháu Ngô Thuỳ An háo hức với mẻ bánh chưng dài vừa "ra lò"
việt anh

Cuộc sống giờ vội vã, hiện đại. Các loại dịch vụ ngày tết nở ra như nấm gặp trời mưa. Nào gói bánh, làm giò, thậm chí người ta còn sắp cả cho mâm cơm cúng giúp cho những ai bận bịu. Nhưng anh em tôi vẫn mong giữ lại phong tục xưa, ngày gần tết, mỗi người một việc cũng thịt lợn, làm giò, gói bánh chưng, bánh tro (bánh gio), làm kẹo lạc, kẹo lam, mứt gừng, mứt bí…

Tuy mọi người có chút vất vả nhưng thật vui. Người lớn được sống lại với kỷ niệm xưa, còn bọn trẻ được khám phá, được trải nghiệm tết quê đậm tình, đậm nghĩa, hiểu biết hơn về nét văn hóa quê hương.

Thích nhất là cảnh được quây quần canh nồi bánh chưng sôi sùng sục bên bếp lửa hồng. Bọn trẻ thức thâu đêm cùng các anh chị tán gẫu, nghe người lớn kể chuyện xưa. Có lẽ chúng không chỉ cảm nhận được cái hơi ấm của bếp lửa than hồng mà còn cảm nhận được hơi ấm của tình thân, của quê hương đang đi sâu vào tâm hồn.

Đại gia đình ăn tết quê, quây quần bên bếp lửa
việt anh

Thiêng liêng nhất là thời khắc giao thừa. Hồi bố mẹ tôi còn sống, vào đêm 30 mươi, các cụ ăn mặc thật chỉnh trang, thắp hương cúng tổ tiên. Tất cả các con, cháu đứng đằng sau thành kính hướng về bàn thờ gia tiên tưởng nhớ người đã khuất và cầu mong một năm mới bình an tới cả đại gia đình.

Sau đó, bố tôi mở chai rượu ngon nhất, gói bánh, gói mứt ngon nhất để cả nhà cùng nâng cốc mừng xuân mới. Và bố tôi cũng là người đại diện mừng tuổi cho từng thành viên trong gia đình. Rồi các con, cháu anh em mừng tuổi ông bà, bố mẹ và mừng tuổi lẫn nhau thật vui.

Giờ đây, bố mẹ đã đi xa, thế nhưng đại gia đình vẫn giữ nguyên phong tục ấy. Đêm giao thừa năm nào cũng vậy, nhìn anh chị cả thắp hương khấn vái tổ tiên, mở rượu, bóc kẹo, mừng tuổi các em và các con cháu mà lòng tôi rưng rưng, nhớ bố mẹ vô cùng.

Ở đâu không biết chứ quê tôi, giao thừa xong, tất cả con cháu trong dòng họ sẽ hội tụ đông đủ tại nhà thờ tổ khang trang, uy nghiêm, đầm ấm. Bác trưởng họ thắp hương, con cháu thành kính nhớ về tiên tổ rồi nâng cốc cùng nhau chúc mừng một năm mới an lành, hạnh phúc.

Các cháu nhỏ dọn dẹp nhà thờ tổ trước ngày 30 tết
ngô tiến điệp

Năm thứ 3 Covid-19, đời sống người dân khó khăn hơn, song có lẽ như thế người ta càng thấy cần phải sống tình cảm, trân quý nhau hơn. Của cải, tiền bạc quan trọng lắm nhưng chết cũng chẳng mang đi được. Quà cáp, biếu xén, bon chen chỉ làm cái tâm thêm khổ. Sống biết đủ, biết yêu thương thì cuộc sống mới thật có ý nghĩa.

Con cháu mang lễ vào nhà thờ tổ trong ngày mùng 1 đầu năm
ngô tiến điệp

Với tôi mỗi độ xuân về, nỗi nhớ tết quê luôn cháy bỏng, diết da trong lòng. “Cây có cội, nước có nguồn”, chỉ có ngày tết, những người con xa quê mới có cơ hội được đoàn tụ gia đình, được tự tay thắp nén hương kính dâng lên tổ tiên, có lẽ là điều thiêng liêng nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.