Những ngày cuối tháng 1, du học sinh Việt Nam trên khắp thế giới đang hồ hởi chuẩn bị đón Tết cổ truyền, và du học sinh tại Nhật Bản cũng nằm trong số đó. Nhật Bản đã bỏ Tết Nguyên Đán hơn 100 năm nên việc tổ chức đón Tết của du học sinh Việt phải tự sắp xếp và tổ chức cho phù hợp với thời gian làm việc và học tập.
Buổi tiệc đặc biệt của năm mới
Tại Đại học Toyama thuộc tỉnh Toyama ở miền Trung Nhật Bản, cộng đồng du học sinh đã có mặt ở đây khoảng 20 năm trước, chủ yếu đến từ các cơ sở nghiên cứu và giảng dạy trong nước như Học viện quân Y, Bệnh viện TWQĐ 108, Viện dược liệu và gần đây là Đại học Bách Khoa và Đại học Quốc gia Hà Nội. Các du học sinh ở đây đã hình thành nên những nếp, truyền thống đậm chất Việt và được duy trì qua các thế hệ nối tiếp nhau.
|
Trước đây, khi cộng đồng du học sinh còn ít, cuộc sống khó khăn nhưng các anh chị vẫn tự tay gói bánh. Khi đó, tìm mua lá dong là rất khó nên phải vào rừng lấy lá tre, xếp khuôn gói.
Những năm gần đây, việc mua bánh chưng hay đồ ăn Việt trở nên dễ dàng bởi nhiều bạn mở cửa hàng kinh doanh online. Tuy vậy, các du học sinh tại Đại học Toyama vẫn tìm mua lá dong hoặc lá chuối để tổ chức gói bánh đón tết. Việc đặt mua bánh khá đơn giản, nhưng các bạn vẫn muốn tổ chức cho mọi người cùng nhau gói bánh để đỡ nhớ không khí Tết, để thêm gắn bó và nhất là để các cháu nhỏ biết về văn hóa Việt. Tự mày mò để gói với nguyên vật liệu hạn chế, bánh có thể không đẹp nhưng ai cũng thấy hồ hởi và phấn khích khi sản phẩm ra lò, đưa ra liên hoan chung với mọi người.
Buổi tiệc năm mới bao giờ cũng đặc biệt hơn những buổi tiệc khác. Trên bàn ăn có bánh chưng tự gói, giò chả, nem rán, canh măng móng giò… Những bạn mới sang vẫn không khỏi ngạc nhiên bởi sự đầy đủ và ấm cúng, không khác gì quê nhà. Tiệc tổ chức kéo dài từ chiều cho tới nửa đêm, những câu chuyện dường như bất tận, những tràng cười giòn tan vang lên không ngớt.
Gặp nhau sau những buổi lên lớp và làm thí nghiệm căng thẳng, các bạn lại có đủ thứ chuyện để hàn huyên cùng nhau, cùng chia sẻ những khó khăn và kinh nghiệm trong cuộc sống.
Từng lớp thế hệ sinh viên cứ đến rồi đi, nhưng cái cốt lõi vẫn phải cố làm sao duy trì tốt nề nếp và văn hóa Việt cho các bạn trẻ, duy trì và phát triển truyền thống hiếu học và tương trợ lẫn nhau. Dịp Tết Nguyên Đán là một cầu nối không thể thiếu để kết nối người mới và người cũ, những Senpai (tiền bối) và Kohai (hậu bối) và để mang hồn Việt luôn đọng lại trong mỗi người Việt nơi đây.
Bánh chưng từ Nhật Bản 'gởi ngược' về Việt Nam
Trước đó, những nồi bánh chưng đã đỏ lửa với một số lượng lớn bánh, nhưng không phải để những người gói bánh ăn Tết mà để “gởi” về cho các em nhỏ miền núi ở Nghệ An và Hà Tĩnh đón Tết.
Đây là hoạt động của Hội đồng hương Nghệ Tĩnh tại Toyama. Thay vì kêu gọi quyên góp từ các hội viên, chủ yếu là thực tập sinh, năm nay Hội trưởng Nguyễn Thanh Tùng cùng Hội phó Nguyễn Đình Hoàng tổ chức gói bánh chưng để bán gây quỹ.
|
Đợt gói bánh vào Tết dương lịch 2020 được hưởng ứng nhiệt liệt, 200 bánh được đặt hết từ trước khi gói. Thông qua những hội viên về nước, số tiền thu được đã được gởi tặng cho 20 trường hợp có hoàn cảnh vô cùng khó khăn tại điểm trường Thông Thụ (Quế Phong, Nghệ An) và 20 trường hợp tại Hương Sơn, Vũ Quang (Hà Tĩnh). Mỗi suất quà gồm gạo và tiền mặt, trị giá 500.000 đồng/suất.
Đợt gói bánh Tết Canh Tý, hội đã được đặt hàng gần 300 bánh. Số tiền gây quỹ chưa nhiều, nhưng các thành viên trong hội ai cũng rất phấn khởi, cảm thấy có động lực vì đã góp một phần nhỏ cho những hoàn cảnh thiếu may mắn, giúp họ có một cái Tết no ấm.
Theo ông Nguyễn Quang Lĩnh - Chủ tịch hội người Việt tại Toyama, hoạt động thiện nguyện của hội được cộng đồng và Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đánh giá rất cao. Gói bánh chưng gây quỹ không những giúp mang hương Tết đến cho cộng đồng người Việt tại Nhật Bản, mà còn mang hơi ấm tình thương đến các hoàn cảnh khó khăn tại quê nhà.
Bình luận (0)