Đỗ Thị Diễm Kiều đang làm những phụ kiện thời trang |
Nguyễn Hằng |
Đây là ý tưởng khởi nghiệp của Đỗ Thị Diễm Kiều (20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Thủ Dầu Một) vừa đoạt giải nhì tại cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo” trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Bình Dương năm 2021.
Diễm Kiều cho biết khoảng hơn 1 tháng nữa (trước dịp Giáng sinh và Tết nguyên đán năm 2022), cô sẽ cho ra đời thương hiệu T-Store. Đây sẽ là nơi chuyên nhận thiết kế các sản phẩm thời trang, tái chế quần áo cũ theo yêu cầu của khách hàng... Ban đầu, thương hiệu này sẽ phục vụ nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là giới trẻ, học sinh, sinh viên ở TP.HCM và Bình Dương.
Không bị trùng lặp mẫu mã với sản phẩm đã có trên thị trường
Diễm Kiều chia sẻ, trong thời đại hiện nay, nhu cầu về tính thẩm mỹ, tính tiện dụng, tính độc đáo của hàng hóa cũng ngày càng tăng cao.
"Nắm bắt xu hướng đó, tôi hy vọng sẽ kinh doanh được những mặt hàng và dịch vụ có thể đem lại cho mọi người cái nhìn mới về sáng tạo nghệ thuật, những đồ vật làm từ những chất liệu vô cùng đơn giản, với giá thành không quá cao, thậm chí là có thể bắt nguồn những đồ vật, quần áo cũ mà vẫn đảm bảo được chất lượng cũng như hình thức thỏa mãn mọi nhu cầu của mọi người. Do đó, tôi quyết định cho ra đời mô hình kinh doanh thiết kế theo sở thích”, Diễm Kiều nói.
Đây là mô hình kết hợp hình thức kinh doanh trực tuyến và tại cửa hàng. “Ưu thế lớn nhất của kinh doanh trực tuyến so với truyền thống là chi phí ban đầu bỏ ra rất thấp, không cần mặt bằng tiêu tốn vài chục triệu, không cần thiết bị hiện đại, tiền quảng cáo bỏ ra cực kỳ thấp và có thể bày hàng tại nhà…”, Diễm Kiều chia sẻ.
Điểm mấu chốt trong mô hình kinh doanh của Diễm Kiều là thiết kế sản phẩm dựa trên ý tưởng thiết kế do chính khách hàng đưa ra.
Chẳng hạn, khách hàng có thể tự thiết kế hoặc nêu ý tưởng để nhân viên thực hiện, làm ra nhiều loại sản phẩm như: phụ kiện thời trang tái chế nâng cấp, trang sức, túi, ví, vòng tay, vòng cổ, dây lưng, kẹp nơ, bờm tóc…
Đỗ Thị Diễm Kiều (20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Thủ Dầu Một) vừa đoạt giải nhì tại cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo” trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Bình Dương năm 2021 |
Nguyễn Hằng |
“Chắc chắn là những loại sản phẩm này sẽ được thiết kế dựa trên phong cách độc đáo và không bị trùng lặp mẫu mã với các sản phẩm đã có trên thị trường, nhằm đáp ứng và làm hài lòng mọi nhu cầu của khách hàng”, Diễm Kiều nói về “ưu thế” của mô hình kinh doanh này.
Góp phần giải quyết việc làm
Diễm Kiều cho biết, khi công ty ra đời và bắt đầu hoạt động, mô hình kinh doanh của cô sẽ mang lại nhiều hiệu quả về kinh tế xã hội, trước tiên là giúp tiết kiệm chi phí cho khách hàng là những bạn trẻ vì giá cả phù hợp.
Bên cạnh đó, mô hình kinh doanh thiết kế thời trang theo nhu cầu khách hàng sẽ góp phần giải quyết việc làm cho một số người trẻ có niềm đam mê sáng tạo, theo Diễm Kiều.
Để mô hình “sống” được và bền vững, cô cho biết sẽ luôn thay đổi và thường xuyên cập nhật được xu hướng của người trẻ và hy vọng có thể phát triển thương hiệu T-Store thành chuỗi các cửa hàng trong tương lai.
Bình luận (0)