Thiếu đất, cát đe dọa tiến độ loạt công trình trọng điểm

04/03/2023 07:19 GMT+7

Dồn dập tăng tốc nhiều dự án hạ tầng với kỳ vọng tạo sức bật cho nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn, song hàng loạt công trình trọng điểm quốc gia vừa khởi động đã vấp phải bài toán khan hiếm vật liệu xây dựng.

"Treo cẩu" chờ… đất

"Từ 10.12.2022 đến nay (khoảng 80 ngày), các nhà thầu không có vật liệu đất để thi công. Máy móc, thiết bị, nhân lực đã huy động phải chờ đợi, gây lãng phí", thông tin được báo cáo trong văn bản đề xuất gia hạn việc khai thác các mỏ đất đắp cho dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết mà Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng Chính phủ khiến dư luận chú ý.

 Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết là công trình thuộc đối tượng được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 60 và Nghị quyết 133 của Chính phủ về cấp phép các mỏ vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường cho nhà thầu. Trong đó, Chính phủ đã cho phép nhà thầu được khai thác cho đến khi đủ khối lượng khoáng sản làm VLXD thông thường cung cấp cho dự án. UBND tỉnh Bình Thuận đã thực hiện cấp phép khai thác 6 mỏ đất cho các nhà thầu thi công với thời hạn khai thác đến ngày 10.12.2022 theo tiến độ ban đầu của các hợp đồng xây lắp đã ký. Tuy nhiên, do các nguyên nhân khách quan như dịch Covid-19 năm 2021, điều kiện thời tiết bất lợi, dẫn đến phải gia hạn thời gian thực hiện các gói thầu đến ngày 30.4.2023 và cần phải gia hạn thời gian khai thác các mỏ đất.

Bộ GTVT đánh giá do các nhà thầu thi công không phải là đơn vị chuyên nghiệp thực hiện công tác khai thác khoáng sản, chưa am hiểu chi tiết về trình tự thủ tục gia hạn và chưa lường trước các yếu tố khách quan, bất thường về thời tiết nên hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép nộp chậm hơn so với thời gian quy định, dẫn đến UBND tỉnh Bình Thuận chưa thực hiện gia hạn. Trong khi đó, thực tế nhu cầu đất đắp còn lại của dự án khoảng 920.000 m3. "Với khối lượng còn lại, nếu từ đầu tháng 3 này có đất đắp và nhà thầu triển khai thi công 3 ca 4 kíp thì dự án mới có thể hoàn thành vào 30.4. Trong khi thủ tục gia hạn mỏ mất thời gian ít nhất khoảng gần 1 tháng", Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy thông tin.

Thiếu đất, cát đe dọa tiến độ loạt công trình trọng điểm  - Ảnh 1.

Nhà thầu đang thi công nền đường dự án thành phần Quy Nhơn - Chí Thạnh thuộc cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua TX.Sông Cầu (Phú Yên)

Đức Huy

Đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết không phải dự án thành phần duy nhất của cao tốc Bắc - Nam đang khốn khổ chờ đất. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cũng vừa phải trực tiếp tới làm việc với UBND tỉnh Phú Yên, yêu cầu tỉnh này lập tức vào cuộc giải quyết nút thắt VLXD đang đe dọa tiến độ 2 dự án thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 gồm Quy Nhơn - Chí Thạnh và Chí Thạnh - Vân Phong. 

Cục Quản lý đầu tư xây dựng thông tin: tổng nhu cầu đá xây dựng của 2 dự án khoảng 2,47 triệu m3; cát cần khoảng 2,1 triệu m3; tổng khối lượng đất đắp khoảng 7 triệu m3. Hiện nay, các đơn vị đã xác định được vị trí các mỏ khoáng sản để khai thác, trữ lượng và chất lượng đảm bảo nhưng công suất khai thác không đáp ứng được nhu cầu theo tiến độ thi công. Các nhà thầu vẫn đang phải triển khai các thủ tục để xin cấp phép khai thác trực tiếp theo cơ chế đặc thù.

Chờ cấp phép mỏ, nhà thầu bị ép giá

Không chỉ ảnh hưởng tiến độ dự án, trong khi chờ cấp phép được giao mỏ, các nhà thầu thi công phải hằng ngày đối mặt với tình trạng "bão giá" VLXD. Đơn cử, để đạt kết quả vượt tiến độ 105% với đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, Tập đoàn Đèo Cả đã phải nghiên cứu thêm rất nhiều biện pháp để giải bài toán khan hiếm VLXD. Doanh nghiệp làm dự án lợi nhuận không cao nên phải dựa vào sản lượng, khấu hao thiết bị, lấy công làm lời nhưng càng làm càng lỗ. 

Một số loại vật liệu khác cũng có những đơn vị đồng hành cam kết bình ổn nhưng chủ đầu tư phải ứng tiền trước, chi phí thi công đội lên tới 30 - 40%. Dù được áp dụng cơ chế đặc thù nhận VLXD trực tiếp từ địa phương nhưng khi triển khai gói thầu XL-01 đoạn Chí Thạnh - Vân Phong tại Phú Yên, Tập đoàn Đèo Cả vẫn tiếp tục khốn khổ vì giá vật liệu theo thông báo giá của tỉnh rất cao so với mặt bằng chung của các địa phương lân cận. "Giá vật liệu mà nhà thầu phải mua thực tế cao chót vót so với giá niêm yết của các mỏ. 

Đơn cử, nhà thầu gói thầu dẫn chứng: nhà thầu khảo sát các mỏ cát dự toán 190.000 đồng/m3 nhưng giá bán thực tế gần 300.000 đồng/m3. Chưa kể, các khu tái định cư trên tuyến chưa triển khai được; khu vực mồ mả cũng chưa được di dời nên chưa tiếp cận để triển khai công trình hầm…", lãnh đạo Đèo Cả dẫn chứng.

Trên đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu cũng thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam, Tập đoàn Cienco 4 đã phải ký hợp đồng tăng giá vật liệu vì khan hiếm. Theo đại diện Cienco 4, một số mỏ các nhà thầu phải tranh nhau mua nguyên vật liệu trong khi lại bị ép tiến độ thi công, các nhà cung cấp vật liệu nhân cơ hội đó cũng không giảm giá. Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến vật liệu tăng giá do lực lượng chức năng siết quy định tải trọng xe.

Khó khăn vẫn nằm ở thủ tục

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Bộ GTVT đánh giá câu chuyện VLXD tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế vô cùng phức tạp. Về nguyên tắc, thiếu VLXD để thi công dự án là trách nhiệm của nhà thầu bởi "anh" đã ký hợp đồng, đã báo giá thì phải đáp ứng chất lượng và tiến độ theo cam kết. Tuy nhiên, VLXD là tài nguyên khoáng sản quốc gia, thực tế triển khai có nhiều khó khăn, chồng chéo, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp nhưng với mục tiêu chung là nhanh chóng hoàn thành dự án, Bộ phải đồng hành cùng nhà thầu.

Theo vị này, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã trao cơ chế đặc thù nhưng không phải cứ cấp mỏ xong là nhà thầu có thể xúc đất lên làm. Yếu tố đầu tiên là trữ lượng phải đảm bảo nhưng việc này rất khó. Khi tổ chức khảo sát, Bộ thống kê mỏ có trữ lượng đất là 3 triệu khối nhưng thực tế chỉ lấy được 1 triệu khối. Chưa kể, cùng mỏ, từng vỉa, từng tầng địa chất khác nhau, không phải đất nào cũng lấy để sử dụng được. Những vấn đề này, phải đến khi nhà thầu đi lấy đất làm mẫu thí nghiệm thì mới xác định được. 

Yếu tố thứ hai liên quan đến cự ly vận chuyển. Khi đi đấu thầu, doanh nghiệp sẽ bỏ giá dựa trên dự toán. Giả dụ tính 25.000 - 30.000 đồng/khối đất nhưng mỏ ban đầu khảo sát không đáp ứng được, phải lấy ở mỏ xa hơn sẽ phát sinh chi phí vận chuyển. "Một mét khối đất có thể chênh lệch vài ba ngàn nhưng hàng triệu mét khối đất, nhân lên sẽ ra hàng trăm tỉ, không nhà thầu nào chịu được. Giai đoạn này cùng lúc triển khai quá nhiều công trình lớn nên nhu cầu vật liệu đất đắp tăng đột biến, càng thêm khó khăn", đại diện Bộ GTVT nhận định.

Đại diện một nhà thầu cho rằng vấn đề lớn nhất hiện nay vẫn là quy trình thủ tục. Trước khi ký hợp đồng, Bộ GTVT đã lập dự toán, lập hồ sơ, làm việc với địa phương để thống nhất các mỏ vật liệu, đã khoanh vùng, khảo sát trữ lượng. Song, đến khi các nhà thầu đi làm thủ tục cấp phép thì quy trình vẫn còn nặng nề. Chính phủ đã cho cơ chế địa phương được quyền giao luôn cho nhà thầu nhưng thủ tục cấp phép khai thác thì vẫn theo quy định cũ nên thời gian chờ được cấp phép kéo dài 4 - 5 tháng là bình thường. Điều này ảnh hưởng rất nhiều tới tiến độ thi công các dự án. 

TP.HCM đang phải cấp bách huy động 8 tỉnh dồn VLXD cho Vành đai 3. Theo báo cáo của Ban Giao thông, tổng nhu cầu VLXD làm Vành đai 3 ước tính gần 15 triệu m3. Trong đó, đất đắp nền và đá xây dựng thì 4 địa phương có tuyến đường đi qua cơ bản đáp ứng đủ. Tuy nhiên, dự án có nguy cơ thiếu 7,2 triệu m3 cát đắp nền và cát xây dựng. Thiếu 50% nhu cầu cát đắp nền, phía chủ đầu tư dự kiến sẽ lấy tại Đồng Tháp (khoảng 20%) và An Giang (khoảng 30%); 30% khối lượng cát xây dựng còn thiếu dự kiến sẽ lấy tại An Giang và Bà Rịa-Vũng Tàu. Tuy nhiên, đã có 2/4 địa phương từ chối cung cấp cát đắp nền cho dự án với lý do ưu tiên phục vụ các dự án trọng điểm tại địa phương. Hai địa phương còn lại cũng khó tránh khỏi phải "lắc đầu" vì cũng phải ưu tiên cung cấp cho các tuyến cao tốc và công trình trọng điểm của tỉnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.