Thiếu đồng bộ, khó phân loại rác

10/08/2024 06:56 GMT+7

Chỉ còn chưa đầy nửa năm, quy định xử phạt nếu không phân loại rác sẽ chính thức có hiệu lực; còn tính từ thời điểm chính thức khởi động chương trình phân loại rác tại TP.HCM, địa phương đi đầu trong vấn đề này, thì đến nay đã gần 2 thập niên nhưng vẫn chưa hiệu quả.

Nguyên nhân là do sự thiếu đồng bộ trong triển khai thực hiện. Bao năm qua, việc phân loại rác tại nguồn cứ lẩn quẩn, nơi người dân phân loại thì bộ phận thu gom lại đổ gộp lẫn lộn. Chỗ khác thu gom phân loại thì người dân chưa quen. Mở rộng từ nhà ra ngõ thì có điểm tập kết chưa bố trí các xe riêng để thu gom, vận chuyển nên người dân làm tốt công tác phân loại tại gia cũng vô ích. Hoặc có điểm đủ 3 xe cho 3 loại rác thì người dân lại vứt bừa bãi...

Ngay thời điểm hiện tại, khi chỉ còn chưa đầy 5 tháng nữa là quy định người dân không phân loại rác thải sinh hoạt sẽ bị phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng có hiệu lực, mọi việc vẫn còn rất bề bộn, lúng túng. Một khảo sát bỏ túi do chúng tôi thực hiện cho thấy còn rất nhiều người chưa phân biệt được thế nào là rác vô cơ, hữu cơ, rác nào tái chế được và không tái chế... Với nền tảng hạ tầng thiếu đồng bộ như vậy, không khó để hiểu vì sao việc phân loại rác tại nguồn ai cũng biết nhưng khâu thực thi thì cứ hết gia hạn lại đứng trước nguy cơ "vỡ trận" và sát giờ G vẫn chưa hiệu quả.

Ở góc độ môi trường, rác thải bao năm nay luôn là nỗi nhức nhối, bức xúc của nhiều địa phương. Chúng ta đã chứng kiến núi rác cả ngàn tấn đổ sập, chảy dài cả ki lô mét, "nuốt chửng" không biết bao nhiêu hoa màu của người dân và "nuốt" luôn cả thương hiệu "thành phố ngàn hoa" của Đà Lạt gần 5 năm trước. Người dân thủ đô Hà Nội cũng bao phen khốn khổ vì các bãi rác bốc mùi còn cả những "khu nhà giàu" tại TP.HCM cứ tới mùa mưa lại phải sống trong cảnh hôi hám, khó chịu từ bãi rác quá tải. Đó là thực trạng không thể tránh khỏi khi mỗi ngày ước tính cả nước thải ra khoảng hơn 60.000 tấn rác nhưng chỉ có khoảng 15% lượng rác thải thu gom được tái chế hoặc tái sử dụng. Số còn lại được mang đi chôn trong các bãi chôn lấp, thải ra nguồn nước hoặc đốt ngoài trời dẫn đến ô nhiễm ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng sống và sức khỏe của chính mỗi chúng ta. Nhìn rộng ra thế giới, những năm gần đây, chúng ta nói nhiều đến kinh tế tuần hoàn, đến biến rác thải thành tài nguyên, sống xanh... Doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa cũng phải đáp ứng quy định giảm carbon ở các nước nhập khẩu... tất cả những việc này đều phụ thuộc rất lớn vào việc phân loại rác tại nguồn.

Mà muốn phân loại rác thành công thì quan trọng nhất là phải đầu tư hạ tầng từ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý. Bên cạnh đó là tuyên truyền để người dân hiểu, tham gia; nhân rộng những mô hình hay, ý tưởng tốt và tạo cơ chế hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp chung tay xử lý, tái chế rác thải. Còn cứ à uôm, không quyết liệt, động đến khâu nào cũng kêu khó, rồi gia hạn và không ý thức được sự cấp bách của việc này thì ngay cả khi quy định xử phạt có hiệu lực thì cũng rất khó để chương trình phân loại rác tại nguồn thành công.

Quyết liệt và đồng bộ, đó là yếu tố tiên quyết để biến phân loại rác tại nguồn trở thành thói quen, thành lối sống xanh. Để vừa tận dụng tái chế tối đa nguồn tài nguyên rác thải vừa giảm lượng rác phải xử lý ở mức tối thiểu, bảo vệ cuộc sống, sức khỏe của chính mỗi chúng ta.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.