Thiếu hụt vắc xin Covid-19 trầm trọng, châu Á chật vật vì biến thể Delta

12/07/2021 22:05 GMT+7

Khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương , biến thể Delta là nguyên nhân gây ra các đợt bùng phát dịch mới tại những nơi trước đó ghi nhận rất ít ca nhiễm bệnh.

Trong vài ngày gần đây, Indonesia ghi nhận số ca Covid-19 mới mỗi ngày cao gần gấp đôi số ca của Mỹ. Trong khi đó số ca Covid-19 bình quân đầu người của Malaysia cao gần bằng Brazil và Iran.
Làn sóng Covid-19 mới nhất khiến Nhật Bản và Hàn Quốc phải áp dụng biện pháp hạn chế di chuyển, có hiệu lực từ ngày 12.7.
Châu Á-Thái Bình Dương cũng là nơi có tốc độ tiêm chủng ngừa Covid-19 được đánh giá là quá chậm.
Indonesia, quốc gia có dân số đông thứ 4 thế giới, là một ví dụ điển hình. Mới chỉ có khoảng 13% trong tổng số 270 triệu người ở Indonesia được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin Covid-19.
Biến thể Delta hoành hành tại đây, đẩy hệ thống y tế bên bờ vực sụp đổ và nhiều bệnh nhân phải tự săn lùng nguồn oxy y tế.

Người dân Indonesia đứng đợi tiếp oxy y tế bên ngoài một nhà máy ở thủ đô Jakarta.

Reuters

Số ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày ở Indonesia tiếp tục tăng. Trong ngày 11.7, con số này là hơn 33.000 ca. Chính phủ Indonesia cho biết sẽ tiêm liều thứ 3 là vắc xin Moderna cho các nhân viên y tế từ tuần này.
Tại các quốc gia Đông Nam Á khác, tỉ lệ dân số được tiêm 1 liều vắc xin Covid-19 cũng chỉ ở mức rất thấp.
Ca Covid-19 tăng mạnh ở Myanmar, các trường học tại đây phải đóng cửa cho đến ngày 23.7.
Nhiều thành phố Malaysia áp lệnh đóng cửa nghiêm ngặt khi số ca nhiễm Covid-19 trên đầu người ở mức cao nhất khu vực.
Một nhà ga ở sân bay quốc tế lớn nhất Thái Lan được chuyển đổi thành bệnh viện dã chiến.
Các quốc gia giàu hơn trong khu vực vẫn dễ bị tổn thương vì không có nhiều chuyển biến trong chiến dịch tiêm vắc xin. Theo New York Times, tỉ lệ tiêm 1 liều vắc xin của Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc là chưa đến ⅓ dân số.
Hàn Quốc dự kiến nâng các lệnh hạn chế lên mức cao nhất ở Seoul trong ngày 12.7. Trường học, quán bar và câu lạc bộ đêm sẽ phải đóng cửa. Còn ở Nhật Bản, lệnh khẩn cấp lần thứ 4 ở Tokyo bắt đầu có hiệu lực trong ngày 12.7.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.