Thiếu kiến thức và sĩ diện: Người Việt quá dễ dãi với giá cả

07/02/2014 08:55 GMT+7

Bạn có ngạc nhiên không, nếu tôi nói rằng giá một ly cà phê ở Sài Gòn, trung bình cũng gần bằng giá một ly cà phê ở Paris?

Siêu thị khẳng định khó tăng giá dịp Tết
Người tiêu dùng Việt Nam nên học cách chi tiêu hợp lý - Ảnh minh họa của Ngọc Thắng

Không ở nước nào, mà người tiêu dùng lại dễ dãi với giá cả như ở Việt Nam. Khái niệm “Acceptable price range” - hạn mức giá có thể chấp nhận được, dường như quá rộng rãi trong xã hội Việt. Người tiêu dùng Việt trả tiền, đôi lúc biết rõ ràng là bất hợp lý, nhưng vẫn tặc lưỡi cho qua. Có người còn chẳng hiểu khái niệm giá cả hợp lý là gì nữa.

Rất nhiều sản phẩm và dịch vụ trên thị trường hiện nay, rất phù hợp với tiêu chí “lợi ích mong đợi từ sản phẩm không tương xứng với cái giá người tiêu dùng phải trả”. Vấn đề là, người tiêu dùng Việt vẫn trả.

Lấy ví dụ, khi giá xăng tăng 1.000 đồng/lít, lập tức nhiều nhà cung cấp thực phẩm tăng trên một khẩu phần từ 5.000-10.000 đồng, trong khi chi phí trung bình chia ra trên quãng đường di chuyển chỉ thêm 100 đồng. Nghĩa là, chi phí đầu vào tăng thêm chỉ 1, nhưng giá bán đầu ra tăng thêm những 1.000.

Kiến thức tiêu dùng của người Việt quá yếu, nên khi các nhà cung cấp (người bán) đưa ra một lý do nào đó để tăng giá, thì lập tức cho qua, và móc hầu bao ra trả. Điều này khiến ngày càng nhiều người bán hàng “hoang tưởng” về mức giá mà họ có thể đưa ra trên thị trường.

Sự dễ dãi của người tiêu dùng Việt, trong một chừng mực nào đó, làm cho chính những nhà cung cấp Việt trở nên lạm dụng việc tăng giá, và qua đó hạn chế tính cạnh tranh đối với các doanh nghiệp nước ngoài.

Thêm vào đó, khi một doanh nghiệp Việt bắt đầu có chút tiếng tăm, thì lập tức nghĩ ngay đến việc tăng giá, chứ không nghĩ đến việc phải tăng thêm lợi ích cho khách hàng. Điều này cũng bắt nguồn từ sự dễ dãi của người tiêu dùng.

Người tiêu dùng dễ dàng chấp nhận mức giá “vì thương hiệu đó nổi tiếng”, mà không cân nhắc chút nào đến lợi ích mà mình nhận được. Sự thiếu hiểu biết khiến cho người tiêu dùng Việt trả giá rất nhiều, mà ví dụ điển hình có thể thấy thường xuyên chính là các loại quần áo hàng hiệu.

Góp phần thêm vào sự dễ dãi với giá cả, đó chính là tính sĩ diện của người tiêu dùng Việt. Khi người Việt than giá cao, chúng ta sợ mọi người chê mình nghèo, keo kiệt, thiếu hào phóng.

Sĩ diện, nên thay vì từ chối, thì tặc lưỡi cho qua. Sĩ diện, nên thay vì tìm hiểu đầy đủ kiến thức về sản phẩm, thì chỉ nghe người bán nói, rồi trả, trả, và trả. Điều đó tạo nên một xã hội tiêu dùng rối loạn về mức giá.

Cho nên, trong khi giá thịt bò, thịt gà, thịt heo của chúng ta ngang với một số nước châu u, thì thu nhập của chúng ta lại thấp hơn họ gần cả ngàn lần. Cho nên, khi mà chiếc điện thoại giá bằng cả 2-3 tháng lương của một nhân viên văn phòng Việt, lại có thể bán chạy ở đất nước chúng ta hơn cả các nước mà cũng chiếc điện thoại này, giá lại chỉ bằng một phần mười lương tháng của họ.

Đã đến lúc người Việt nên học cách chi tiêu hợp lý. Đã đến lúc, mà người Việt nên học cách cân nhắc về giá trị. Hãy biến mình thành người tiêu dùng, chứ không phải “bị tiêu dùng”.

Hoàng Nhật Phong

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, là cố vấn pháp luật của Tập đoàn Việt Mỹ, giảng viên tiếng Anh và kỹ năng mềm cho sinh viên ở các trung tâm, đang sinh sống tại TP.HCM.

>> Người tiêu dùng Việt 'khó tính
>> Tăng giá cước 3G: Bắt tay ép người tiêu dùng
>> Người tiêu dùng thờ ơ với 'tiết kiệm năng lượng
>> Tăng giá, sữa ngoại đang bắt nạt người tiêu dùng
>> Cần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
>> Người tiêu dùng cô đơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.