Thiếu người tiêm vắc xin phòng cúm gia cầm

27/02/2020 08:29 GMT+7

Dịch cúm gia cầm A/H5N6 đã xuất hiện tại 14 xã của 9 huyện tại Thanh Hóa, trong khi chính quyền không thuê được người tiêm phòng vắc xin và phun hóa chất ngừa dịch lây lan.

Theo Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa, cúm gia cầm A/H5N6 xuất hiện tại tỉnh này từ ngày 3.2. Đến ngày 26.2, Thanh Hóa đã có 14 xã ở các huyện: Nông Cống, Quảng Xương, Vĩnh Lộc, Như Xuân, Triệu Sơn, Hậu Lộc, Thiệu Hóa và thị xã Bỉm Sơn, thành phố Thanh Hóa có dịch, tổng cộng gần 60.000 con gia cầm bị tiêu hủy.
Ngày 26.2, ghi nhận tại xã Quảng Hợp (huyện Quảng Xương) cho thấy, địa phương này đã xuất hiện ổ dịch tại gia trại của ông Nguyễn Bá Túy (thôn Hợp Lực), 260 con ngan của ông Túy đã bị tiêu hủy. Tuy nhiên, theo quan sát của PV Thanh Niên, đường vào gia trại của ông Túy có 1 chốt kiểm dịch nhưng không có người trực, barie là 1 cây luồng bắc ngang qua đường nhưng được gác cao, phương tiện và người dân ra vào tự nhiên.
Theo UBND xã Quảng Hợp, xã đang triển khai gấp việc tiêm vắc xin cho hơn 50.000 con gia cầm bị cúm A/H5N6 trên địa bàn và phun hóa chất khử trùng. Ông Trần Văn Chinh, Phó chủ tịch UBND xã, cho hay địa phương này phải đi thuê người tiêm và phun hóa chất phòng dịch, nhưng lại không thuê được.
“Đến hôm nay (26.2 - PV), toàn xã mới tiêm được khoảng 80% trong hơn 50.000 con gia cầm, dự tính khoảng 5 ngày nữa mới tiêm xong. Xã chỉ có 1 cán bộ thú y, chúng tôi phải thuê, tìm mãi mới được 2 người biết tiêm, nhưng họ cũng không làm thường xuyên. Họ cũng sợ dịch lây sang người. UBND xã phải điều động và trả công cho 1 phó chủ tịch hội nông dân và 1 nhân viên bảo vệ của UBND xã đi phun hóa chất”, ông Chinh nói.
Thực tế trên không chỉ diễn ra ở huyện Quảng Xương. Ông Lê Xuân Phùng, Chủ tịch UBND xã Trung Chính (H.Nông Cống), cho biết xã này có 1 hộ dân có gia cầm bị nhiễm bệnh, phải tiêu hủy hơn 3.600 con. Về việc tiêm phòng cho hơn 20.000 con gia cầm của toàn xã, ông Phùng cho hay: “Tuy xã chúng tôi đã tiêm xong vắc xin phòng cúm A/H5N6 cho toàn bộ đàn gia cầm trên địa bàn, nhưng cũng gặp khó khăn vì thiếu nhân lực. Phải đi tìm và thuê thêm 2 người, rồi cùng với cán bộ thú y của xã tiêm liên tục nhiều ngày mới xong”.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng phòng NN-PTNT H.Hà Trung, cho biết đến ngày 26.2, huyện này chưa phát hiện dịch cúm A/H5N6, nhưng tỷ lệ tiêm phòng cho hơn 580.000 con gia cầm mới đạt khoảng 38%, nguyên nhân cũng là do mỗi xã chỉ có 1 cán bộ thú y. Đáng chú ý, không chỉ có các huyện kể trên, tại Thanh Hóa còn có các huyện Hà Trung, Thạch Thành, Yên Định, Thiệu Hóa... có tỷ lệ tiêm phòng cho đàn gia cầm đạt thấp khiến nguy cơ dịch bệnh bùng phát cao.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa, cho biết đến ngày 26.2, toàn tỉnh mới tiêm phòng cúm A/H5N6 cho hơn 7,3 triệu con gia cầm, đạt hơn 63% tổng đàn gia cầm trên địa bàn. “Theo chỉ đạo của tỉnh, việc tiêm phòng phải xong trong tháng 2 nên chúng tôi đang cố gắng phối hợp với các địa phương để đôn đốc. Ngoài khó khăn về nhân lực, nguồn cung vắc xin cũng là vấn đề vì cả nước chỉ có 1 cơ sở cung ứng vắc xin phòng cúm A/H5N6, trong khi nhiều địa phương khác cũng xuất hiện dịch”, ông Hiệp nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.