Thiếu niềm tin vào chất lượng

27/11/2020 04:49 GMT+7

Thạc sĩ không phải là bằng cấp đại trà nên cần đảm bảo chất lượng. Thế nhưng, việc đào tạo bậc học này những năm qua rất đáng báo động. Dự thảo quy chế tuyển sinh đang lấy ý kiến càng khiến dư luận lo âu.

Vài năm trước, lãnh đạo một trường đại học có uy tín ở TP.HCM than không tuyển sinh cao  học được vì nhiều trường đào tạo dễ dãi quá, buông lỏng đầu vào khiến người học không chọn những trường “làm khó” nữa. Nay việc mở rộng đầu vào sẽ diễn ra ở hầu hết các trường khi nhiều chương trình thạc sĩ sẽ không cần thi tuyển.
Dự thảo lần 3 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến có những thay đổi căn bản về hình thức tuyển sinh đầu vào bậc học này. Bên cạnh hình thức thi tuyển, dự thảo cho phép các trường có thể xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi và xét khi tuyển học viên cao học.
Ngày nay chúng ta không còn ngạc nhiên khi có phản ảnh những nơi đào tạo thạc sĩ kém chất lượng, dễ dãi vì nó đã trở nên phổ biến. Đến mức, nhiều trường đào tạo có uy tín cảm thấy “lạc lõng” khi siết chặt đào tạo bậc này.
Dễ dãi đến mức có những chuyện không tưởng mà vẫn xảy ra. Chẳng hạn năm 2019, dư luận xôn xao trước sự việc một trưởng phòng Hành chính - quản trị của Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk mượn bằng tốt nghiệp THPT của chị gái để học xong bằng thạc sĩ. Đây là minh chứng cho tình trạng tuyển sinh và đào tạo thạc sĩ hiện nay đang rất dễ dãi.
Không chỉ đầu vào, quá trình đào tạo thạc sĩ cũng có rất nhiều vấn đề. Vì thế mới dẫn đến tình trạng người trong ngành gọi là “tẩy bằng”. Nghĩa là dù có bằng cử nhân, kỹ sư hệ vừa học vừa làm, từ xa… nhưng chỉ cần vào cao học thì có bằng thạc sĩ chính quy đường hoàng. Các chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ là mảnh đất màu mỡ cho những tiêu cực trong đào tạo bậc học này. Nhiều bài phản ảnh của Thanh Niên trước đây đã nêu lên thực tế không ít môn học theo quy định dạy 2 tuần nhưng giảng viên chỉ rút ngắn còn một ngày cũng xong. Khi làm luận văn tốt nghiệp, rất nhiều đề án của học viên cao học là sao chép lẫn nhau mà hội đồng không hề phát hiện hoặc làm ngơ.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, mặc dù Bộ GD-ĐT có rất nhiều quy định để kiểm soát việc
đào tạo thạc sĩ  nhưng có thể do không làm xuể nên chất lượng ở bậc học này nhìn chung không đảm bảo.
Chính thực tế này khiến số lượng người học thạc sĩ ngày càng nhiều nhưng không tạo được niềm tin cho xã hội.
Vậy nên Dự thảo lần 3 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ có những thay đổi về hình thức tuyển sinh đầu vào theo hướng mở rộng, thoáng hơn rất nhiều so với trước đây thì dư luận càng lo ngại là điều hợp lý. Khi Bộ GD-ĐT chưa có chủ trương “thoáng” mà chất lượng đầu vào và đầu ra đều đáng báo động thì khi mở rộng lại càng khó kiểm soát.
Mặc dù trên lý thuyết chúng ta có thể mở rộng đầu vào, siết chặt đầu ra vẫn đảm bảo chất lượng và cũng thể hiện tính nhân văn trong giáo dục. Thế nhưng thực tế ở VN trong thời gian qua đã chứng minh điều này không dễ gì kiểm soát được. Vì thế, chất lượng đào tạo thạc sĩ vẫn mãi là vấn đề lớn chưa có lời giải.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.