Tham nhũng không có cái nào vặt

25/11/2020 04:42 GMT+7

Đây là lời khẳng định của ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư T.Ư Đảng - Bí thư Thành ủy TP.HCM, khi trả lời kiến nghị của cử tri ngày 23.11 về “ tham nhũng vặt ” ở một bộ phận cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết hồ sơ hành chính. Chính vì “tham nhũng không có cái nào vặt”, ông Nên cho rằng, nó cần được xử lý kịp thời.

Luật pháp không định khung với “tham nhũng vặt”. Nhưng hành vi này được mặc nhiên thừa nhận trong rất nhiều báo cáo chính thức để chỉ việc nhận những khoản tiền, vật chất giá trị nhỏ, khoản hối lộ chưa đến mức truy cứu hình sự của cán bộ, công chức khi giải quyết các thủ tục hành chính cho công dân.
Có lẽ, chính việc chúng ta mặc nhiên coi hành vi ấy là “vặt”, là chuyện bình thường, không quan trọng nên bao năm tháng nay, việc chống tham nhũng vặt chưa bao giờ có chuyển biến.
Tham nhũng vặt diễn ra hằng ngày, mọi nơi, mọi lúc: Xe tải, xe khách quá tải trên quốc lộ được “thông cảm” bằng mãi lộ vài trăm nghìn đồng; Hồ sơ nộp xong bị trả về làm lại, lại nộp, lại làm lại... nhưng nếu kín đáo kẹp vài trăm nghìn, sự thể sẽ khác.
Tham nhũng vặt do đó nuôi dưỡng những cán bộ, công chức hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu người dân. Từ hạch sách hồ sơ cấp phép xây dựng để kiếm vài triệu nhỏ, đến nhận vài trăm triệu để bỏ qua sai phạm khi đi thanh tra xây dựng địa phương hay “vận dụng” cấp phép sai quy hoạch kiếm vài tỉ đồng chỉ là một bước rất nhỏ.
Và rõ ràng, những hành vi hạch sách, nhũng nhiễu của cán bộ công chức trong phục vụ công dân chưa bao giờ là nhỏ, và càng không thể gọi là “vặt”. Vì từng khoản tiền nhỏ “bôi trơn” ấy nó làm mất lòng tin của người dân với những giá trị xã hội, vào chính quyền. Nó không chỉ hủy hoại phẩm chất cán bộ, công chức mà còn làm méo mó hình ảnh của một đất nước đang nỗ lực phát triển và hội nhập.
Nhưng có lẽ ông Nên là quan chức cấp cao đầu tiên thẳng thắn thừa nhận sự nhũng nhiễu của cán bộ công chức khi giải quyết thủ tục với dân không thể coi là chuyện “ăn vặt”. Những “phong bì” giá trị cực nhỏ mà từng cán bộ, công chức nhận từ người dân, doanh nghiệp khi giải quyết thủ tục hành chính sẽ trở thành những tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ. Với tư duy này, hy vọng chúng ta sẽ sớm nhìn thấy sự chuyển biến trong việc ngăn chặn “tham nhũng vặt”.
Về mặt lý thuyết, để giải quyết nạn tham nhũng vặt, phải xóa bỏ được xin - cho, công khai hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình và thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Nhưng quan trọng nhất vẫn là con người, vì suy cho cùng, con người quyết định thủ tục và thái độ hành chính.
So sánh khập khiễng nhưng nước Mỹ với khoảng 331 triệu dân, quản lý khối GDP khổng lồ hơn 21.000 tỉ USD, với 1,8 triệu công chức; hoặc Anh gần 70 triệu dân thì có khoảng 700.000 công chức; sẽ thấy con số 2,8 triệu công chức tính trên 96 triệu dân của ta nặng nề và trì trệ đến mức nào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.