Bỏ qua chuyện đúng - sai; nên - không nên thi công mở rộng đường lăn, bãi đậu sân bay Tân Sơn Nhất vào đúng dịp cao điểm có thể gây ảnh hưởng đến hàng triệu hành khách, một vấn đề quan trọng có thể nhìn thấy trong chuyện này là thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị có liên quan.
Đối tượng đầu tiên là các hãng hàng không. Theo một tính toán, nếu chỉ còn cất/hạ cánh tối đa 25 lần/giờ, trung bình một ngày có khoảng 80 chuyến bay bị cắt giảm. Như vậy trong thời gian thi công, các hãng hàng không sẽ mất khoảng 1.500 tỉ đồng doanh thu. Lãnh đạo một hãng hàng không thì cho rằng nên lùi thời điểm thi công sang tháng 8, mùa thấp điểm hơn để hạn chế ảnh hưởng đến lịch bay của hành khách, doanh thu của ngành hàng không, phí của cảng... Những lo lắng của các lãnh đạo hãng hàng không nói trên, cùng việc họ đã và vẫn đang bán vé trong khoảng thời gian dự tính thi công mở rộng đường lăn, bãi đậu xe tại sân bay Tân Sơn Nhất từ ngày 10.4 đến 25.6 cho thấy, họ hầu như bị động trong kế hoạch này dù là đối tượng bị tác động lớn nhất, trực tiếp nhất.
Thứ hai là du lịch. Hoạt động của ngành này bao năm nay luôn gắn liền phương tiện hàng không, nhưng với việc hàng loạt các công ty du lịch đang điên đầu lo ngại bị ảnh hưởng từ việc cắt giảm chuyến bay ở những tour đã bán thì có lẽ họ cũng không được hỏi, được tham gia ý kiến hay thảo luận gì trước về kế hoạch này.
Trên thực tế, việc thiếu phối hợp giữa các đơn vị liên quan là điểm yếu tồn tại hầu hết mọi lĩnh vực; gây phiền hà, khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp (DN), người dân và kéo lùi sự phát triển kinh tế - xã hội. Đến bây giờ, dù đã có khắc phục nhưng việc ngành điện, viễn thông, giao thông... mạnh ai nấy đào đường vẫn luôn được nhắc đến như một điển hình cho sự thiếu phối hợp, gây tốn kém chi phí, tăng kẹt xe và xấu mỹ quan đô thị. Hay ngay trong tâm điểm của công cuộc cải cách thủ tục hành chính hiện nay, không ít DN xuất nhập khẩu vẫn bức xúc về việc thiếu sự đồng bộ giữa hải quan - thuế - ngân hàng khiến việc thông quan hàng hóa bị chậm trễ. Trong trường hợp cụ thể nói trên, nếu các đơn vị có liên quan cùng ngồi bàn thảo, tính toán kỹ lưỡng từ trước thì các hãng hàng không, các công ty du lịch đã không thoải mái bán vé, bán tour, gây ảnh hưởng đến hàng triệu khách hàng. Hoặc có thể thống nhất thực hiện việc thi công mở rộng đường lăn và bãi đậu xe vào thời điểm ít bị ảnh hưởng tiêu cực nhất có thể.
Nhìn xa hơn một chút, việc thiếu phối hợp giữa các ngành nghề liên quan còn làm giảm sức cạnh tranh của các DN trong nước. Chúng ta vẫn thường đặt câu hỏi, tại sao cả tour du lịch xuất ngoại qua Thái Lan kéo dài hằng tuần giá rẻ hơn tour du lịch trong nước trong cùng quãng thời gian. Bởi bên cạnh sự hỗ trợ của chính phủ nước này, một lý do quan trọng là sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành hàng không, du lịch, thương mại, vận chuyển... Mỗi ngành bớt một chút giá, tăng một chút dịch vụ, kết hợp lại một giá tour hấp dẫn, thu hút hàng chục triệu du khách quốc tế, giúp ngành công nghiệp không khói đóng góp tới gần 20% trong GDP của nước này.
Nói vậy để thấy, sự phối hợp chặt chẽ giữa các DN, giữa các ngành nghề liên quan... không chỉ hạn chế tối đa các tác động tiêu cực, thiệt hại khi có sự cố mà còn tạo ra một giá trị khổng lồ cả về lượng và chất trong hoạt động kinh tế, xã hội của bất kỳ quốc gia nào.
Việc thi công vào thời điểm nào hay thực hiện như thế nào để hạn chế tối đa thiệt hại chắc chắn các bên sẽ tính toán lại hợp lý hơn. Nhưng giá như có sự phối hợp ngay từ đầu thì đã chẳng xảy ra những lùm xùm không đáng có. Chúng ta đã hội nhập, không thể cứ "mạnh ai nấy làm" mãi thế được.
Bình luận (0)