Thiếu sòng phẳng

Nguyên Hằng
Nguyên Hằng
28/03/2018 05:11 GMT+7

Cả hai vụ tiền gửi của khách ở Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) bị "bốc hơi", khách hàng đều nhận được câu trả lời hết sức vô lý của ngân hàng này là "chờ phán quyết của tòa".

Vô lý là bởi, chuyện khởi kiện, chuyện ra tòa, việc chờ xét xử... là chuyện của Eximbank với nhân viên thụt két, lừa đảo, vi phạm... của mình, không liên quan đến người gửi tiền. Thế nhưng trước sau ngân hàng (NH) này đều yêu cầu khách chờ phán quyết của tòa. Ô hay, khách đến gửi tiền cho Eximbank, đâu phải gửi cho cá nhân bà Lam, ông Hưng nào đó? Việc các cá nhân này lợi dụng lỗ hổng trong quản trị, trong quy trình để lừa đảo Eximbank lấy tiền, rồi NH này kiện nhân viên của mình ra tòa là chuyện nội bộ của Eximbank, hà cớ gì bắt khách hàng chờ đợi? Còn nếu gửi tiền vào NH nào mà phải chịu rủi ro từ các nhân viên trong hệ thống NH đó thử hỏi ai dám gửi? Kiểu trốn tránh trách nhiệm, thiếu sòng phẳng với khách hàng như cách hành xử nói trên của Eximbank khiến nhiều người hoang mang. Đến đây gửi tiền, may mắn gặp người tốt thì an toàn; gặp người xấu, người tham lam thì nguy cơ tiền “bốc hơi” là rất lớn. Mà đã bị "bốc hơi" thì dù đang giữ sổ tiết kiệm, dù tiền gửi vào đích danh Eximbank... thì cũng phải đợi. Đợi NH khởi kiện nhân viên thụt két của mình, đợi truy nã nhân viên đó, đợi tòa xử qua nhiều phiên...; nói chung đợi chưa biết đến bao giờ. Vụ 6 khách hàng mất 50 tỉ đồng, đợi đã 2 năm; vụ khách hàng Chu Thị Bình mất 245 tỉ đồng, đợi cũng 1 năm và tới giờ NH này vẫn tiếp tục yêu cầu khách "đợi phán quyết của tòa".
Hãy đặt một bài toán ngược lại để thấy sự vô lý này. Đó là trường hợp cá nhân, doanh nghiệp vay tiền NH để đầu tư, kinh doanh. Đến hạn trả, khách hàng báo số tiền đó đã bị mất trộm. Nếu kẻ trộm được xác định danh tính nhưng trốn mất, hãy đợi khách hàng báo công an, kiện kẻ trộm đó ra tòa, chờ phán quyết của tòa rồi sẽ thanh toán cả gốc - lãi cho NH. Nếu kẻ trộm không xác định danh tính, hãy đợi khách hàng truy tìm tung tích tên trộm, đưa ra tòa rồi tính, liệu NH có chịu? Tất nhiên là không rồi, làm gì có chuyện vô lý, ngang ngược thế. Vay tiền mà tới hạn không trả được thì ngay lập tức các nghiệp vụ NH sẽ được áp dụng và rất nhanh chóng, tài sản thế chấp được kê biên, phát mãi.
Đã khá nhiều vụ tiền trong tài khoản của khách tự dưng bị “bốc hơi”. Trước khi "hạ hồi phân giải" đúng - sai, nhiều NH đã ứng tiền cho khách. Nhưng cách hành xử của Eximbank thì ngược lại.
NHNN đã chính thức lên tiếng yêu cầu Eximbank bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền. Đó là điều cần thiết bởi hệ thống NH vẫn đang là nguồn cung vốn chủ yếu cho nền kinh tế. Các NH thương mại cũng đang nỗ lực để nâng cao chất lượng, dịch vụ của mình. Vì vậy, không thể để cách hành xử của một NH làm ảnh hưởng tới uy tín của toàn ngành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.