Thiếu thạc sĩ, tiến sĩ trong ngành logistics và chuỗi cung ứng

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
28/10/2022 13:01 GMT+7

Có tốc độ phát triển mạnh mẽ nhưng ngành logistics và chuỗi cung ứng đang thiếu trầm trọng nhân lực trình độ cao để vừa có thể đào tạo ra người lao động đáp ứng nhu cầu thực tế, vừa làm việc tại doanh nghiệp .

Sáng nay 28.10, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức hội thảo quốc tế Đổi mới sáng tạo kỹ thuật số – chuỗi cung ứng 2022” với sự tham gia của nhiều trường ĐH, viện nghiên cứu trên thế giới như ĐH Rotterdam (Hà Lan), ĐH Luật và Khoa học Chính trị Tây Bắc (Trung Quốc - Northwest University), Học viện Multimix (Nigeria), Trường ĐH Khoa học và Quản lý Ấn Độ, Viện Giao thông vận tải Hàn Quốc, Viện Giáo dục liên lục địa (Ghana)…

Ngoài ra, hội thảo còn có các giảng viên, các nhà nghiên cứu ở các trường, viện, và trung tâm nghiên cứu trong nước, các doanh nghiệp về logistics và chuỗi cung ứng trong và ngoài nước.

Các chuyên gia tại hội thảo

duy anh

Tại đây, các chuyên gia đã cùng nêu ra tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với chuỗi cung ứng và những khủng hoảng mà đại dịch Covid-19 đã gây ra. Từ đó, bàn đến các giải pháp quản lý để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó, việc đổi mới sáng tạo kỹ thuật số như tận dụng IOT và 5G, sử dụng Block chain, trí tuệ nhân tạo... được nhấn mạnh.

Vấn đề đặt ra là để đổi mới sáng tạo kỹ thuật số, thì vai trò của các trường ĐH vô cùng quan trọng. Bà Nguyễn Mai Lan, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng các trường ĐH có đào tạo ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng phải chủ động, đón đầu những xu thế mới, trong đó có chuyển đổi số... để từ đó đưa ra những định hướng phù hợp với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Ngành logistics nói chung và chuỗi cung ứng nói riêng đang thiếu rất nhiều lao động, nhất là nhân lực trình độ cao

v.n

Theo tiến sĩ Thái Hồng Thụy Khánh, Trưởng khoa Tài chính kế toán Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Việt Nam có rất nhiều cảng biển lớn ở Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Khánh Hòa, TP.HCM, trong đó cảng biển TP.HCM xếp vị trí thứ 26 trên thế giới và nằm trong top 6 cảng biển sầm uất nhất Đông Nam Á.

“Tuy nhiên, ngành dịch vụ hậu cần và chuỗi cung ứng ở Việt Nam vẫn còn là một ngành mới phát triển so với thế giới. Chúng ta thiếu rất nhiều nhân lực, trình độ cao như thạc sĩ, tiến sĩ lại càng thiếu", tiến sĩ Thụy Khánh nhìn nhận.

Tiến sĩ Khánh cho rằng trong bối cảnh hiện nay, để phát triển và gia nhập quốc tế, người lao động trong ngành quản lý chuỗi cung ứng không chỉ phải giỏi chuyên môn, kỹ năng mà phải có khả năng ứng dụng kỹ thuật số trong quá trình làm việc, có kiến thức về công nghệ như blockchain, trí tuệ nhân tạo… để nâng cao hiệu quả công việc, giải quyết các vướng mắc, tạo ra đột phá đáp ứng nền kinh tế số.

Từ đó, tiến sĩ Khánh đề xuất các trường ĐH phải nhanh chóng đào tạo được lực lượng lao động trong ngành quản lý chuỗi cung ứng, trong đó có các trình độ cao như thạc sĩ, tiến sĩ để những người này tiếp tục đào tạo ra nguồn nhân lực mới cung cấp cho các doanh nghiệp, cảng…

Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam dự báo trong các năm tới, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng cần thêm khoảng hơn 20.000 lao động. Trong khi đó người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ tại mỗi trường ĐH có đào tạo lĩnh vực này chỉ đếm trên đầu ngón tay, khó có thể đáp ứng cho việc đào tạo ra nguồn lao động trên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.