Thiếu trầm trọng giáo viên dạy môn mới: Trường đại học có kịp đào tạo ?

Hà Ánh
Hà Ánh
12/04/2022 10:00 GMT+7

Năm học 2022 - 2023, môn tiếng Anh và tin học trở thành môn học bắt buộc với học sinh lớp 3, nghệ thuật trở thành môn học tự chọn ở lớp 10. Tuy nhiên, nhiều nơi đang thiếu trầm trọng giáo viên dạy học các môn mới.

Trước tình hình thiếu giáo viên các môn cho chương trình giáo dục phổ thông mới, thì việc đào tạo giáo viên (GV) các môn này ở trường đại học (ĐH) ra sao để đáp ứng?

Khi nào có giáo viên môn mới ra trường ?

Song song với việc bồi dưỡng lực lượng GV hiện có, các trường ĐH đào tạo sư phạm cũng tăng tốc mở mới hoặc chuyển đổi ngành học để đáp ứng đội ngũ cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, từ năm 2019 trường đã bắt đầu tuyển sinh ngành sư phạm khoa học tự nhiên và năm 2021 có thêm ngành sư phạm lịch sử - địa lý. Năm 2022, trường bắt đầu tuyển sinh thêm 2 ngành mới là sư phạm công nghệ đào tạo GV dạy môn học này bậc THCS và THPT, môn giáo dục công dân cho bậc THCS. Như vậy, sớm nhất trong năm 2023 trường ĐH này mới có sinh viên tốt nghiệp ngành học đầu tiên phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thí sinh dự thi năng khiếu vào một số ngành sư phạm tại Trường ĐH Sài Gòn các năm trước

Đào Ngọc Thạch

Ngoài những ngành đã tuyển sinh, các trường ĐH dự kiến tiếp tục tuyển sinh thêm các ngành mới hoặc chuyển hướng sang ngành đang thiếu GV chương trình mới. Chẳng hạn, tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thạc sĩ Lê Phan Quốc cho biết: “Trong số các môn học chương trình giáo dục phổ thông mới, hiện trường còn thiếu ngành đào tạo sư phạm âm nhạc và sư phạm mỹ thuật đào tạo GV nghệ thuật. Trường cũng có chủ trương đào tạo 2 ngành này nhưng việc chuẩn bị đội ngũ gặp nhiều khó khăn, có thể sẽ triển khai trong năm học 2023 - 2024”.

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM còn dự kiến chuyển đổi ngành học hiện có theo hướng phù hợp với môn học mới bậc phổ thông. Ông Quốc cho biết: “Giáo dục chính trị là ngành sư phạm đào tạo GV dạy giáo dục công dân bậc THCS và THPT nhiều năm nay. Nhưng dự kiến sau năm 2022, ngành học này được điều chỉnh tên gọi và nội dung đào tạo theo hướng môn học giáo dục kinh tế và pháp luật bậc phổ thông”.

Trường ĐH Sài Gòn hiện cũng tuyển sinh ngành sư phạm khoa học tự nhiên và sư phạm lịch sử - địa lý (cả 2 ngành đào tạo GV THCS). Tuy nhiên, số lượng người theo học chưa nhiều trong năm đầu tuyển sinh, chẳng hạn năm 2019 dù có chỉ tiêu 30 nhưng ngành sư phạm lịch sử - địa lý chỉ có 9 sinh viên, ngành sư phạm khoa học tự nhiên 26 sinh viên.

Nhiều ngành thiếu giáo viên vẫn khó tuyển sinh

Không chỉ ngành đào tạo GV môn mới, một số ngành sư phạm truyền thống của Trường ĐH Sài Gòn hiện cũng rất khó tuyển sinh như: sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật. Trong đó, theo chia sẻ của PGS-TS Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng trường này trong buổi làm việc với Sở GD-ĐT TP.HCM vừa qua, ngành sư phạm mỹ thuật luôn không tuyển đủ chỉ tiêu dù đây là ngôi trường duy nhất phía nam đào tạo ngành học này ở bậc ĐH. Dù mỗi năm tuyển 30 chỉ tiêu nhưng năm 2019 chỉ có 5 thí sinh trúng tuyển nhập học, năm 2020 có 11 sinh viên.

Theo đại diện Trường ĐH Sài Gòn, trường dự kiến sẽ tuyển sinh trở lại với ngành sư phạm tin học trong thời gian tới nhằm đáp ứng GV đang thiếu trầm trọng môn học này. Ngành học này đã từng được mở tại trường nhưng đã dừng tuyển sinh trước đó do khó tuyển sinh.

Ai có thể học bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở thành giáo viên ?

Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 11/2021 về chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành GV tiểu học. Theo đó, với chuyên ngành phù hợp, người có bằng cử nhân có đủ kiến thức chuyên môn sau khi được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm có thể giảng dạy các môn bậc tiểu học gồm: âm nhạc, mỹ thuật, tin học, công nghệ giáo dục thể chất và ngoại ngữ.

Còn ở Thông tư 12/2021 về chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành GV THCS, THPT của Bộ GD-ĐT, người đủ kiều kiện sau khi được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm có thể giảng dạy 1 môn học ở trường THCS hoặc THPT.

Liên quan đến lực lượng GV tin học, dù nhu cầu tuyển dụng cao nhưng ngay tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng không đủ chỉ tiêu. Năm 2019 chỉ tiêu cần tuyển ngành này là 80 nhưng chỉ có 45 thí sinh trúng tuyển nhập học, số này ở năm 2020 là 120 chỉ tiêu và 72 thí sinh nhập học.

Theo thống kê của Trường ĐH Sư phạm Huế, ngành sư phạm tin học năm 2019 tuyển 50 chỉ tiêu nhưng không có thí sinh nhập học, năm 2020 tuyển 63 chỉ tiêu chỉ có 2 thí sinh nhập học. Một số ngành khác cũng không có thí sinh trúng tuyển trong 2 năm liên tiếp như: sư phạm công nghệ, sư phạm khoa học tự nhiên. Trong khi ngành sư phạm lịch sử - địa lý không có thí sinh trúng tuyển trong năm 2019 dù tuyển 120 chỉ tiêu và chỉ có 9 người theo học trong năm 2020.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Trường ĐH Đà Lạt với ngành sư phạm tin học. Tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo trường này, cho biết trường đào tạo đồng thời ngành công nghệ thông tin và sư phạm tin học. Trong khi ngành công nghệ thông tin rất thu hút thí sinh, năm 2021 tuyển gần 300 sinh viên thì ngành sư phạm tin học không mở được lớp do chỉ vài thí sinh đăng ký. “Trường luôn có thắc mắc không hiểu lý do vì sao, có thể do cơ hội việc làm khác nhau của 2 ngành học”, ông Duy phán đoán.

Liên quan đến việc thiếu giáo viên dạy các môn học của chương trình giáo dục phổ thông mới, theo tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trường ĐH Đà Lạt đang có kế hoạch mở các ngành mới vào năm 2023 như: sư phạm khoa học tự nhiên, sư phạm lịch sử - địa lý…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.