Dạy âm nhạc “chay”
Bà Vũ Mai Lan, chuyên viên âm nhạc, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho hay còn tồn tại một số trường chỉ có 1 giáo viên (GV) dạy 25 - 27 lớp, trong khi đó, ở những trường tại quận trung tâm có đến 4 giáo viên nhạc dạy trong một trường có 40 lớp. Hơn nữa, GV dạy nhạc còn kiêm nhiệm thêm công tác tổng phụ trách, tổ chức phong trào của trường.
Cũng theo bà Mai Lan, hiện còn một số GV âm nhạc lớn tuổi, tâm lý ngại cập nhật, ngại đổi mới do hổng kỹ năng sử dụng thiết bị dạy học, không chơi được nhạc cụ như piano, organ (để đệm những bài hát ngoài chương trình sách giáo khoa và các bài ngoại khóa). Khả năng áp dụng công nghệ thông tin vào dạy học gần như không thể, dẫn đến tình trạng dạy chay vẫn còn ở một số trường, lớp.
Bà Mai Lan còn cho biết nhiều trường sau khi được xây dựng phòng âm nhạc chuyên biệt, trang bị thiết bị dạy học đặc thù của bộ môn như: đàn organ hiện đại, bộ loa amply công suất lớn, âm thanh chuẩn... nhưng chỉ sau một thời gian, đã sử dụng phòng nhạc thành phòng dạy chuyên đề, thao giảng cho các môn học khác. Có những trường do số lượng tuyển sinh tăng, nhà trường tận dụng phòng học âm nhạc thành lớp học đại trà, dẫn đến việc học sinh phải học môn này trong các phòng học chung cho các môn.
Hàng loạt vấn đề
Bà Lê Tống Ngọc Anh, giảng viên mỹ thuật Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nêu thực tế trung bình mỗi trường tiểu học có từ 1 - 2 GV mỹ thuật, thậm chí một số trường tiểu học không có và GV chủ nhiệm sẽ kiêm nhiệm luôn môn này. “Khi chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng, khả năng thiếu trầm trọng nguồn GV có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu dạy học phát triển năng lực và định hướng nghề nghiệp là hoàn toàn có thể”, ông Ngọc Anh nhìn nhận.
Về vấn đề này, bà Mai Lan nêu một loạt vấn đề hoàn toàn mới trong chương trình giáo dục phổ thông đối với môn nghệ thuật âm nhạc. Trong đó, nội dung học nhạc cụ được đưa vào giảng dạy cả 3 cấp học tiểu học, THCS, THPT là hoàn toàn mới đáp ứng nhu cầu của xã hội, tiếp cận phát triển theo xu thế chung của nền giáo dục trên thế giới. Tuy nhiên, theo bà Mai Lan, nhóm tác giả chương trình môn học viết theo hướng mở, tùy từng địa phương có điều kiện về cơ sở vật chất, trình độ GV thì thực hiện. Điều này có thể dẫn đến cán bộ quản lý ngại thực hiện, không triển khai, học sinh không được học nội dung mới này.
Do vậy, bà Mai Lan đề nghị Bộ GD-ĐT cần có tiêu chí rõ về điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện về con người như thế nào thì các trường phải triển khai. Trường hợp các trường đã được nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học rất tốt mà nhà trường vẫn không triển khai, với lý do GV không đủ trình độ, cần có hình thức điều chuyển GV, lựa chọn GV trên địa bàn có trình độ, tâm huyết. Tránh việc lãng phí đầu tư cơ sở vật chất.
Một nội dung mới nữa rất quan trọng theo bà Mai Lan, chương trình giáo dục phổ thông mới lần đầu tiên đưa âm nhạc là môn học tự chọn ở THPT. Trong khi đó hiện nay cấp quản lý đang gặp khó khăn về đội ngũ GV.
“Bộ GD-ĐT nên tuyển dụng đối tượng GV dạy THPT là những sinh viên tốt nghiệp bậc trung cấp, CĐ, ĐH từ các trường đào tạo chuyên nghiệp như CĐ Nghệ thuật Hà Nội, Học viện Âm nhạc quốc gia... Đội ngũ sinh viên này chắc chắn đảm bảo, đáp ứng được việc thực hiện chương trình mới theo lộ trình năm 2022 - 2023 dạy âm nhạc cấp THPT hiệu quả, chất lượng”, bà Mai Lan nêu ý kiến. (còn tiếp)
Học sinh có năng khiếu nghệ thuật không chọn ngành sư phạm
Lãnh đạo phụ trách bậc tiểu học của TP.HCM cho hay GV các môn âm nhạc, mỹ thuật vừa hiếm vừa thiếu.
Ông Nguyễn Huỳnh Long, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT, cho biết trong các hội nghị tổng kết công tác tuyển dụng, lãnh đạo các phòng giáo dục đều nêu khó khăn trong việc tuyển GV bộ môn nghệ thuật, cho dù đã bỏ quy định về hộ khẩu thường trú.
Ông Huỳnh Long chỉ ra nguyên nhân dẫn đến việc thiếu nguồn nhân lực do thu nhập thấp, đồng thời đầu vào ngành sư phạm của bộ môn mỹ thuật và âm nhạc không nhiều. Bởi theo ông Long, nếu có năng khiếu nghệ thuật thì học sinh, sinh viên theo định hướng khác chứ không chọn ngành sư phạm.
Hiện TP.HCM có 2 trường là Trường ĐH Sài Gòn đào tạo ngành sư phạm mỹ thuật, sư phạm âm nhạc và Trường ĐH Mỹ thuật đào tạo ngành sư phạm mỹ thuật với tổng chỉ tiêu tuyển sinh trong cả nước là khoảng 100. Vì vậy, không thể chắc chắn 100 sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ theo ngành sư phạm và ở lại TP.HCM làm việc nên khó tuyển là chuyện đương nhiên.
Bích Thanh
|
Bình luận (0)