Thợ chụp ảnh dạo ế khách mùa Tết

21/02/2015 12:44 GMT+7

(TNO) Tết đến, hàng ngàn người tập trung tại các khu vui chơi giải trí, công viên, trung tâm thương mại lớn ở TP.HCM để chụp hình nhưng thợ chụp ảnh dạo ở những nơi này vẫn… ế khách.

(TNO) Tết đến, hàng ngàn người tập trung tại các khu vui chơi giải trí, công viên, trung tâm thương mại lớn ở TP.HCM để chụp hình nhưng thợ chụp ảnh dạo ở những nơi này vẫn… ế khách.

Smartphone bùng nổ là một trong những lý do khiến thợ chụp ảnh ế khách - Ảnh: Nguyên Nguyễn
Thời vàng son nghề chụp ảnh
Cách nay hơn 20 năm, dễ bắt gặp hình ảnh nhiều thợ chụp hình tập trung tại các khu vui chơi, công viên, điểm du lịch. Ngày ấy, đây là công việc rất thịnh vì mọi người đều muốn ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhưng không có máy móc, công nghệ.
“Hồi đó, chụp một mùa Tết là đủ tiền sắm dàn máy mới. Một nhóm cũng chụp ít nhất 4 - 5 kiểu. Ngày bình thường cũng trên 10 nhóm. Ngày lễ, Tết thì đông vô kể. Có khi, tôi bị khách giận vì rửa hình không kịp để giao”, chú Tâm, thợ chụp hình dạo có thâm niên trên 30 năm, chia sẻ.
Nhiều năm trở lại đây, khi điện thoại di động dần được trang bị các chức năng chụp ảnh hiện đại thì những người chụp hình có thâm niên như chú Tâm mất dần chỗ đứng.
Hiện tại nếu chụp ảnh dạo, mỗi kiểu ảnh trung bình có giá từ 25.000 - 35.000 đồng. Nếu ép khung, in lụa… giá sẽ dao động từ khoảng 55.000 - 70.000 đồng nhưng khách vẫn chê đắt. Một đêm nếu giỏi chào mời, thợ chụp hình chỉ có thể kiếm được khoảng 100.000 - 200.000 đồng.
"Hồi đó chụp một mùa tết là đủ tiền sắm dàn máy mới. Một nhóm cũng chụp ít nhất 4-5 kiểu. Ngày bình thường cũng trên 10 nhóm. Ngày lễ, tết thì đông vô kể. Có khi tôi bị khách giận vì rửa hình không kịp để giao
Chú Tâm, thợ chụp hình dạo
“Giới trẻ thời nay có điều kiện đầu tư máy móc xịn chẳng thua gì mình nên tụi nó đâu cần mình nữa”, anh Trung, một thợ chụp hình dạo trước Nhà thờ Đức Bà (TP.HCM) chia sẻ.
Anh Trung ngậm ngùi cho biết khách dịp Tết này rất đông, mỗi tối ở các khu vui chơi, đường hoa, người đi nườm nượp. Nhưng khổ nỗi, họ đều có máy ảnh hoặc smartphone nên ít người nào có nhu cầu nhờ thợ chụp hình.
Theo anh Trung, khách chụp hình bây giờ thường là dân lao động từ các khu vực khác đổ về tham quan nhưng nhìn chung họ cũng rất đắn đo vì giá cả.
Chia sẻ với Thanh Niên Online, nhiều thợ chụp hình lớn tuổi cho biết mặc dù thu nhập không bao nhiêu nhưng họ vẫn trụ lại với nghề vì lòng yêu nghề. Tuy nhiên, cũng có nhiều thợ chụp hình bỏ nghề vì sức ép cơm áo gạo tiền và những rủi ro không phải ai cũng biết.
Ngày càng ít người nhờ thợ chụp hình - Ảnh: Nguyên Nguyễn
Những tai nạn nhớ đời
Đã mấy chục năm trôi qua nhưng chú Tâm vẫn bàng hoàng khi nhớ lại một sự cố để đời trong lúc hành nghề. Ngày đó, công cụ in ảnh còn thô sơ, một bức hình có khi mất cả một, hai ngày mới giao cho khách và chuyện giao trễ cũng đôi lần xảy ra. Có lần, chú Tâm đã suýt mất mạng vì giao hình trễ cho khách.
Tháng 9.2001, một nhóm thanh niên nhờ chú Tâm chụp hình. “Lúc đó, thấy họ xăm trổ đầy mình nên cũng sợ. Nhưng vì chén cơm manh áo, nghĩ mình chụp hình chứ có làm gì ai nên cũng nhận chụp. Ai ngờ…”, chú Tâm bàng hoàng nhớ lại.
Vì là ngày lễ nên chú giao hình trễ hơn giờ hẹn. Nhóm thanh niên làm dữ rồi chê hình chụp xấu không chịu trả tiền. Lời qua tiếng lại, nhóm thanh niên dọa đánh, dọa chém. Mặc dù đã cố gắng giảng hòa nhưng cuối cùng chú Tâm vẫn bị lãnh một nhát dao vào tay. May nhờ người dân bên đường truy hô, chú mới có thể thoát thân.
Đó chỉ là một trong những trường hợp đặc biệt, bởi còn rất nhiều những rủi ro khác của nghề chụp ảnh dạo như bị khách quỵt tiền, dọa đập máy… Dẫu vậy, họ vẫn quyết tâm bám trụ với nghề vì lòng đam mê và cũng vì miếng cơm manh áo dù khá chật vật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.