Sửa miễn phí ngày đêm
Hội Điện tử - điện lạnh Thái Nguyên đăng thông tin trên các trang mạng xã hội khiến người dân ấm lòng: "Trân trọng thông báo đến bà con có thiết bị điện gia dụng bị ngập nước, khi có điện hãy giữ không cắm điện mà mang tới điểm sửa chữa để chúng tôi giúp đỡ". Điểm sửa chữa ở sân Chi cục Thuế TP.Thái Nguyên. Ngoài ra còn có 3 trạm sửa chữa lưu động đến các nhà văn hóa, phường, xã.
Ông Đinh Kim Phúc, Chủ tịch Hội Điện tử điện lạnh tỉnh Thái Nguyên, Phó chủ tịch Liên chi hội Điện tử điện lạnh VN, cho biết hội lên kế hoạch phối hợp với các đơn vị và phát đi thông báo giúp người dân sửa chữa. Chương trình diễn ra từ ngày 13 - 18.9 và không thu phí. Ngoài ra, chương trình còn tài trợ bà con thay các linh kiện đơn giản. Trường hợp linh kiện đắt tiền sẽ gửi lại để người dân cân nhắc quyết định.
"Tính đến 16.9, chương trình đã giúp được 1.300 người có thiết bị điện bị hư. Trung bình, mỗi gia đình mang đến các loại như: ti vi, tủ lạnh, máy giặt… Với hơn 100 thợ điện gia dụng từ nhiều tỉnh thành, chúng tôi đã sửa chữa được hơn 4.000 thiết bị. Hiện còn tồn lại khoảng 1.000 máy và sẽ giúp bà con sửa cho đến hết ngày 18.9", ông Phúc nói.
Theo ông Phúc, đội ngũ thợ thay các linh kiện đơn giản cho bà con. "Ví dụ như tủ lạnh cơ bị ngâm nước thường hỏng rơ le nên phải thay, chi phí hơn 100.000 đồng. Tủ lạnh điện tử thường bị chập mạch nên vệ sinh kỹ sẽ hoạt động bình thường", ông Phúc nói.
Từ Quảng Bình ra Thái Nguyên, anh Trương Đình Quý, đại diện Hội Điện lạnh Quảng Bình, cho biết 13 thành viên trong nhóm có mặt hôm 15.9. Công việc của nhóm không có giờ giấc cụ thể, chỉ làm việc từ sáng đến tối, nghỉ khoảng 30 phút ăn trưa. Mỗi ngày, anh Quý sửa được trung bình 15 loại máy, nhóm sửa được hơn 100 máy cho bà con. "Công việc của chúng tôi là vệ sinh, kiểm tra tình trạng hư hỏng, thay một số linh kiện nếu cần", anh Quý nói và cho biết đoàn của anh di chuyển bằng xe tải, chở theo đồ nghề và linh kiện thay thế.
Từ TX.Bến Cát (Bình Dương), anh Lê Đăng Tuấn, Giám đốc Công ty dịch vụ điện máy Thái Tuấn, cho biết hưởng ứng lời kêu gọi nên cũng cử 2 người trong công ty ra hỗ trợ.
Hướng về miền Bắc: Viết tiếp hành trình hỗ trợ đồng bào để không ai bị bỏ lại phía sau
Lan tỏa giúp bà con nhiều tỉnh
Đi từ vùng lũ Thái Nguyên, qua Lào Cai đến Yên Bái, anh Hoàng Văn Công, Phó chủ tịch Liên chi hội Điện tử điện lạnh VN, cho biết từ tinh thần và hiệu ứng của chương trình nên hội thống nhất mở rộng sang các tỉnh lân cận như H.Bảo Yên (Lào Cai), nơi Làng Nủ bị sạt lở, làm điểm trung tâm. Các người thợ chia làm 4 nhóm đến 4 điểm, mỗi nhóm 30 thành viên. Đa phần những thợ này đến từ các tỉnh như Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Nam Định, Hưng Yên... Đến ngày 17.9, có 3 nhóm khác đến Yên Bái để phụ giúp cùng nhóm thợ Nghệ An, nâng tổng số thợ tình nguyện đến vùng lũ khoảng 250 người.
Trong 5 ngày rong ruổi sửa chữa điện cho bà con, anh Công luôn cảm kích tấm lòng, sự nhiệt tình của những thợ thành viên. Có một người thợ ở tận miền Nam không ngại đường xa để ra hỗ trợ. "Bạn đó không mua được vé máy bay đến Hà Nội, đành phải dừng chân ở Chu Lai. Sau đó đi xe khách đến Hà Nội, rồi đi tiếp ra đây", anh Công nói.
Ngoài ra, anh còn cảm thấy tình cảm của người dân vùng lũ lúc này vô cùng ấm áp. Bà con không chỉ nhận trợ giúp mà còn hỗ trợ ngược lại cho đoàn tình nguyện như đãi cơm, cho ở miễn phí. "Có bà con đến vừa nói với tôi vừa rơm rớm nước mắt rằng những ngày qua đã ăn cơm không mất tiền, nhận được hàng cứu trợ, giờ đây còn được sửa chữa đồ điện miễn phí nữa", anh Công kể.
Anh Công khuyên bà con trước khi lũ đến phải rút nguồn tất cả thiết bị sử dụng điện. Di dời máy giặt, tủ lạnh, lò vi sóng, ti vi, nồi cơm điện… lên cao, tránh tiếp xúc với nước. Hạn chế sử dụng các thiết bị điện khi người đang ẩm ướt hoặc ngâm mình trong nước lũ. Sau khi lũ rút, không được sử dụng ngay các thiết bị điện bị ngập nước vì rất nguy hiểm do nguy cơ rò rỉ điện, nên để người có chuyên môn kiểm tra, vệ sinh thật kỹ các thiết bị rồi mới được sử dụng.
Bình luận