Thở phào chờ mở 'room' tín dụng: Phê duyệt, giải ngân cần tăng tốc

08/09/2022 06:55 GMT+7

“Room” tín dụng cho các ngân hàng đã được mở nhưng doanh nghiệp cần được giải ngân nhanh dòng vốn để tăng tốc cho mùa vụ cuối năm.

Giao tín dụng về ngân hàng

Hôm qua 7.9, một số ngân hàng (NH) thương mại đã nhận được hạn mức tăng trưởng tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Hạn mức cấp thêm cho mỗi ngân hàng dao động từ 1,2 - 4% tùy thuộc vào các tiêu chí do NHNN đã công bố. Theo đó, hạn mức tín dụng của một số nhà băng được tăng lên như Vietcombank thêm 2,7%; Sacombank thêm 4%; OCB được tăng thêm 3,1%; Eximbank được thêm 1,2%...

Room tín dụng đã mở và doanh nghiệp mong được giải ngân nhanh để tăng tốc

Ngọc Thắng

Theo NHNN, đến ngày 26.8, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành đạt 9,91%, đây là mức tăng cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước. NHNN vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm nay quanh mức 14% và cho hay thời gian tới sẽ tiếp tục điều hành theo các nội dung đã đề ra tại Chỉ thị 01 ban hành đầu năm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN) tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng VN, cho hay thông tin NHNN cấp tín dụng cho các NH là khá phấn khởi. Trong bối cảnh hiện nay, NHNN đứng trước việc vừa ổn định hệ thống, vừa kiểm soát lạm phát nên chịu nhiều áp lực. Việc cấp hạn mức tín dụng cho các NH vào thời điểm này là phù hợp, đáp ứng nhu cầu vay vốn thời điểm cuối năm của DN. Hơn nữa, việc phân bổ hạn mức tín dụng cho từng nhà băng đã có sự đổi mới. NHNN không phân bổ đồng hạn mức tăng trưởng tín dụng như trước đây, mà có những tiêu chí rõ ràng, cái nào ưu tiên và cái nào là điểm trừ.

“Bản thân các NH cũng rà soát lại hoạt động, cho vay những DN kinh doanh hiệu quả, phương án, dự án kinh doanh có tính pháp lý cao. Ở đây cũng không ngoại trừ các DN bất động sản. Những dự án bất động sản có tính pháp lý cao, hiệu quả thì chắc chắn NH sẽ cho vay, chứ không phải khóa chặt tín dụng. Còn DN nào kinh doanh hiệu quả, nằm trong đối tượng được hỗ trợ lãi suất 2% sẽ tiếp cận được vốn ngân hàng”, ông Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ thêm.

Mua nhà, học hành... cần được cho vay

Sau 3 tháng phải nằm im vì cạn vốn, DN chỉ còn hơn 3 tháng để tăng tốc về đích và nguồn vốn rất quan trọng ở giai đoạn này.

Ông Trần Thanh Phong, Giám đốc Công ty Thiên Bút, cho biết mới đây NH đã điều chỉnh lãi suất cho vay lần thứ 2, thêm 0,5%/năm như lần trước đó, lên 6,5%/năm. So với những DN khác thì công ty vẫn đang được tiếp cận nguồn vốn vay rẻ. Thế nhưng, trong bối cảnh giá USD liên tục tăng, cộng thêm chi phí vận chuyển cũng ở mức cao thì công ty cũng nhiều nỗi lo, nhất là không thể giữ giá bán như hiện nay mà có thể phải tăng thêm khoảng 10 - 20%.

Từ tháng 5 đến đầu tháng 9, nhiều NH thắt chặt cho vay khi hết room khiến quá trình thanh lọc DN diễn ra nhanh hơn. Những công ty không có tiềm lực tài chính, không tiếp cận được vốn vay NH hoặc tiếp cận được vốn vay ở mức cao không đủ chi phí… cũng khó trụ được. Dù vậy, những đơn vị còn lại cũng bị ảnh hưởng, khó có thể tăng trưởng thêm thị phần giai đoạn này. Do đó việc NH có thể mở lại room tín dụng sẽ góp phần khiến DN hoạt động trở lại trong giai đoạn cuối năm nay.

Đồng tình, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cũng bày tỏ hoan nghênh việc NHNN đã giao room tín dụng cho các NH thương mại. Tương ứng với phần chỉ tiêu còn lại trong tổng số 14% mà NHNN đưa ra, số vốn còn khoảng 450.000 tỉ đồng được giải ngân sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế hồi phục và tăng trưởng theo kịch bản cao nhất vào cuối năm. Quan trọng nhất là các NH cần đẩy mạnh giải ngân cho các DN trong những ngành nghề ưu tiên, những DN, hộ kinh doanh thuộc các lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất 2% theo quy định của Chính phủ.

Các nước đang sử dụng 3 công cụ chính để kiểm soát chính sách tiền tệ, đó là bơm hút tiền qua thị trường mở (OMO), lãi suất tái cấp vốn - tái chiết khấu và dự trữ bắt buộc. Trong 3 công cụ này, NHNN hiện nay chủ yếu sử dụng thị trường OMO cho việc bơm hút tiền trên thị trường, 2 công cụ còn lại cũng đã khoảng 10 năm nay chưa thấy sử dụng nhiều.

TS Nguyễn Hữu Huân

“Nhưng số đó chỉ chiếm tỷ lệ thấp trong nền kinh tế. Số DN còn lại thì bất kỳ đơn vị nào cũng quan trọng, là một phần của nền kinh tế. Họ cần được tiếp cận vốn NH bình thường khi đã đáp ứng được điều kiện, quy chế nội bộ của NH mà không bị phân biệt đối xử”, ông Châu nhấn mạnh.

Theo ông Châu: “Trong khi luật vẫn cho phép NH đánh giá để cho vay đối với DN không có tài sản thế chấp. Nếu làm được điều này thì các NH mới vượt lên được một tiệm cầm đồ, nơi chỉ nhìn vào tài sản thế chấp. Việc cho vay đối với DN sẽ phụ thuộc vào đánh giá của mỗi NH. Bên cạnh đó, hiện vẫn có nhiều cơ sở tích cực như Moody’s vừa nâng hạn mức tín nhiệm của VN từ Ba3 lên Ba2 là triển vọng ổn định, nên tôi hy vọng NHNN có thể nới room tín dụng thêm 1 - 2% so với con số 14% đưa ra từ đầu năm. Từ nay đến cuối năm VN cần gia tăng kích cầu tiêu dùng như khuyến nghị của Ngân hàng Charter. Trong đó, kích cầu về du lịch, về bất động sản nhà ở… cũng hết sức quan trọng”.

TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng NHNN nới room hỗ trợ DN vào những tháng cuối năm là cần thiết nhưng hạn mức vẫn còn hạn chế, cần nới rộng thêm.

Cấp room tín dụng là biện pháp hành chính đã được nhiều chuyên gia phân tích và có góp ý nên bỏ, vì thể hiện rõ khiếm khuyết là sự “giật cục” trong cung cấp vốn. Tuy nhiên, trong giai đoạn thị trường trong và ngoài nước biến động liên tục như hiện nay có thể chấp nhận được giải pháp điều hành theo room nhưng về lâu dài, NHNN nên bỏ biện pháp quản lý này vì không nước nào sử dụng trong công tác điều hành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.