Thở phào chờ mở 'room' tín dụng

07/09/2022 06:20 GMT+7

Ngân hàng Nhà nước công bố sẽ giao hạn mức tín dụng mới khiến nhà băng lẫn doanh nghiệp thở phào sau thời gian căng thẳng về nguồn vốn vừa qua.

Doanh nghiệp “dễ thở” hơn

Ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty vận tải Lâm Vinh, cho biết những tháng vừa qua doanh nghiệp (DN) dù vẫn vay được vốn từ ngân hàng (NH) vì hồ sơ tín dụng tốt. Dù vậy việc giải ngân tùy vào từng thời điểm và báo trước vài ngày mới có tiền chứ không thể có sau một ngày như trước đây. Nhiều DN bạn bè, đối tác cũng trong tình trạng tương tự do các NH đều cho hay “room” tín dụng không còn nhiều.

Ngân hàng Nhà nước giao room tín dụng sẽ thúc đẩy doanh nghiệp tăng tốc cuối năm

ngọc thắng

Đó là chưa kể nhiều đối tác bị giảm hạn mức cho vay xuống thấp kéo theo công nợ kéo dài. Vì vậy, khi NH Nhà nước (NHNN) công bố giao hạn mức tín dụng thì các DN sẽ dễ thở hơn. Nhất là thời điểm cuối năm, mùa cao điểm của tất cả ngành nghề. Nếu DN không xoay xở được vốn thì sẽ phải thu hẹp hoạt động, sàng lọc khách hàng gắt gao.

Bởi điều đó có nghĩa là NH sẽ cung ứng một nguồn vốn mới cho thị trường, các DN sẽ bớt gặp khó khăn khi cần vốn, tạo sức sống cho nền kinh tế. Thời gian vừa qua, ngay cả những DN thuộc diện được hỗ trợ lãi suất 2% cũng khó tiếp cận với câu chuyện quen thuộc do “hết room” thì nay NH cũng sẽ không có lý do để từ chối các hồ sơ này.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hội DN TP.HCM

Ông Lâm Đại Vinh chia sẻ thêm: Hiện sức mua của thị trường khá thấp, không chỉ người tiêu dùng mà DN đã thắt lưng buộc bụng. Nhưng trong các hoạt động vẫn cần phải có dòng tiền để xoay vòng. Nếu các NH vẫn gặp khó về room như vừa qua thì nhiều DN ngay cả tiền trả lương cho nhân viên cũng thiếu. Việc mở room tín dụng sẽ tạo điều kiện cho nhiều công ty hoạt động bình thường và góp phần đưa kinh tế phục hồi nhanh hơn.

Đồng tình, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hội DN TP.HCM, cũng bày tỏ niềm vui với thông tin mở room tín dụng. Bởi điều đó có nghĩa là NH sẽ cung ứng một nguồn vốn mới cho thị trường, các DN sẽ bớt gặp khó khăn khi cần vốn, tạo sức sống cho nền kinh tế. Thời gian vừa qua, ngay cả những DN thuộc diện được hỗ trợ lãi suất 2% cũng khó tiếp cận với câu chuyện quen thuộc do “hết room” thì nay NH cũng sẽ không có lý do để từ chối các hồ sơ này. Dù vậy, ông vẫn lo lắng rằng có những công ty vừa và nhỏ không đủ điều kiện tiếp cận vốn trong thời gian qua thì cũng không dễ vay vốn dù NH đã có tiền.

Báo cáo mới từ Công ty chứng khoán Rồng Việt cho biết từ năm 2013 đến nay, tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm thường cao hơn so với nửa đầu năm, chỉ trừ năm 2019. Điều này phù hợp với quy luật nhu cầu vốn mạnh hơn trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, năm 2022 có một đặc thù là năm phục hồi sau đại dịch, do đó, nhu cầu vốn đã tăng tốc mạnh trong giai đoạn đầu năm. Xét theo lĩnh vực cho vay, hoạt động thương mại và hoạt động khác đóng góp hơn 70% vào tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế trong 6 tháng năm 2022.

Dựa vào bức tranh tín dụng chung và triển vọng phục hồi của nền kinh tế, nhóm phân tích đánh giá nhu cầu tín dụng trong nền kinh tế vẫn sẽ ở mức cao. Việc siết room tín dụng trong phần lớn thời gian của quý 3/2022 sẽ phần nào ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh và mở rộng của các DN trong thời gian còn lại của năm. Điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế. Báo cáo đưa ra kỳ vọng NHNN có thể điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho phù hợp hơn với nhu cầu thực tế, tăng trưởng tín dụng cả năm ước có thể đạt 16%.

Không siết tín dụng bất động sản

Trước đó, Chỉ thị 13 của Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững ban hành ngày 29.8 cũng yêu cầu "không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý nhà nước" và "không điều hành chính sách “giật cục,” không chuyển trạng thái đột ngột từ “nới lỏng” sang kiểm soát chặt chẽ, hoặc ngược lại". Chỉ thị này đã mang lại luồng sinh khí cho thị trường, nhất là các DN BĐS, đối tượng luôn bị soi đầu tiên trong các chính sách tín dụng.

Điều này cũng được thể hiện trong chủ trương về các tiêu chí để điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các NH thương mại mà NHNN vừa thông báo. Theo đó, tiêu chí có một số thay đổi so với đầu năm. Cụ thể có 5 tiêu chí được thảo luận đề cập đến là: kết quả xếp hạng năm 2021; ưu tiên các NH tham gia xử lý các nhà băng yếu kém; NH tham gia xử lý quỹ tín dụng nhân dân yếu kém; tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng để khuyến khích các NH trong danh sách NHNN sẽ đề nghị giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; giảm trừ đối với các NH có tỷ lệ dư nợ cho vay thị trường 1 so với huy động vốn thị trường 1 cao. Như vậy, trong 5 tiêu chí này, NHNN đã không đề cập cụ thể tiêu chí tín dụng tập trung vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh BĐS, đầu tư trái phiếu DN như các tiêu chí xét duyệt hạn mức tín dụng trước đó. Điều này khiến cả NH lẫn DN bớt lo lắng hơn khi bị kiểm soát quá gắt gao vào hoạt động cho vay đối với từng lĩnh vực. Số liệu NHNN cho biết tính đến giữa tháng 8, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,45 triệu tỉ đồng, tăng 9,62% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,68%). Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho cả năm là 14%, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế còn có thể tăng thêm 4,38%, tương đương quy mô khoảng 457.000 tỉ đồng. Đây là nguồn vốn hỗ trợ tích cực cho hoạt động của DN trong những tháng cuối năm.

Bổ sung tín dụng cho những tháng cuối năm là cần thiết

Theo TS Cấn Văn Lực, Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV, về cơ bản tỷ lệ tín dụng được mở bám sát với tình hình thị trường, lạm phát. DN cũng như NH mong đợi được bổ sung tín dụng cho những tháng cuối năm là cần thiết. Đến thời điểm hiện tại, lạm phát tương đối được kiểm soát, khả năng trong năm 2022 khoảng 4%. Dự báo của ông Cấn Văn Lực về tăng trưởng kinh tế GDP năm 2022 là cao hơn kế hoạch đặt ra đầu năm, trên mức 7%, ở kịch bản tích cực có thể lên 7,3 - 7,6%. Vì thế, việc cấp thêm hạn mức tín dụng để cung ứng nguồn vốn cho nền kinh tế sẽ một phần hỗ trợ cho sự tăng trưởng kinh tế vào những tháng cuối năm tích cực hơn.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhận xét điều hành chính sách tiền tệ nói chung và tín dụng nói riêng của NHNN thời gian gần đây khá linh hoạt, phù hợp với thực tiễn. Mấy tháng gần đây, các chuyên gia, DN đều cho rằng các hoạt động sản xuất đang dần phục hồi sau thời gian dịch Covid-19 nên đề xuất nới room tín dụng. NHNN đã có sự lắng nghe ý kiến từ thị trường, cũng như tiếng nói từ phía DN. Với mức lạm phát đang được kiểm soát tốt ở 4% cho cả năm nay thì việc tăng thêm tín dụng sẽ giúp các NH cho DN vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh là điều cần thiết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.