Thợ sửa quần áo miền Tây mùa tết: Chiều khách hết mức, 'cày' tới tận giao thừa

19/01/2023 15:09 GMT+7

Gần đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, mọi người tất bật mua sắm đồ đạc đón xuân thì những thợ sửa quần áo ở Cần Thơ cũng vào mùa bận rộn nhất năm.

Chạy đua với thời gian

Dưới mái dù che nắng, dàn máy may của bà Đặng Thị Diễm Trang (49 tuổi, ngụ Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) cất tiếng rồ rồ đều tai. Chiếc quạt gió bật số lớn nhất nhưng chỉ phần nào làm dịu cái nắng trưa và hơi nóng từ mặt đường hắt vào. Bà Trang cho biết, bình thường giờ này đã "gác máy" nghỉ trưa. Tuy nhiên, vì thời điểm cận tết, khách hàng có nhu cầu sửa quần áo nhiều gấp đôi nên bà phải tranh thủ giờ trưa để làm việc.

Nhiều tiệm đã quá tải

THANH DUY

Theo bà Trang, gần tết nên đa phần khách hàng mang đến quần áo mới, muốn chỉnh sửa lại kích thước, kiểu dáng cho vừa vặn, đẹp mắt hơn. Mẫu mã trang phục phong phú, đa dạng. So với thường ngày, thời điểm này có nhiều món đồ với chi tiết cầu kỳ, sành điệu hơn, đòi hỏi người thợ cần nhiều thời gian để tạo ra phiên bản mới. Đặc biệt, tết sắp đến nên nhiều khách "chơi sộp", chấp nhận tiền sửa xấp xỉ tiền mua.

Chia sẻ với PV Thanh Niên, bà Trang cho biết trong năm có 2 thời điểm nghề sửa quần áo "được mùa". Một là thời điểm học sinh tựu trường, hai là khoảng thời gian đón tết. Trong đó, tết tạo cho nghề này nguồn thu nhập khấm khá nhất, vì thời gian đắt khách kéo dài gần 1 tháng. Khoảng 15 - 25 tháng chạp được xem là thời điểm ‘đông ken’, thợ phải làm việc rốt ráo để trả đồ kịp thời cho khách. Bởi sau ngày 25, nhiều người sẽ thu xếp về quê chuẩn bị đón năm mới cùng gia đình. Mỗi ngày người thợ đều như chạy đua với thời gian.

Nhiều thợ sửa quần áo phải tăng ca vào những ngày cuối năm

THANH DUY

Suốt 6 năm trong nghề, tiệm sửa quần áo của bà Trang luôn mở đến 30 tết. “Một số người lao động nhận lương tháng cuối năm chậm, đi mua đồ tết trễ. Sát tết quá nên họ không có nhiều sự lựa chọn, mua đồ rồi phải đi sửa lại cho vừa ý. Có năm cận thời khắc giao thừa tôi vẫn còn mày mò bên dàn máy may để đi từng đường kim, mũi chỉ. Tâm trạng nôn nao lắm, nhưng nghĩ khách cũng muốn có một cái tết trọn vẹn, diện mạo như ý nên mình có động lực để làm cho họ”, bà Trang chia sẻ lý do.

Thu nhập hấp dẫn

Thời điểm này, không chỉ những tiệm sửa quần áo có vị trí mặt tiền mới đắt khách mà cái tiệm nhỏ xíu nép trong dãy trọ ở cuối hẻm 4 đường Mậu Thân của bà Nguyễn Thị Thanh (51 tuổi) cũng đang quá tải.

Cận tết, thu nhập của các tiệm sửa quần áo tăng gấp đôi

THANH DUY

Theo bà Thanh, khách tăng nên thu nhập cũng cải thiện đáng kể. Một ngày làm việc chăm chỉ có thể kiếm lãi trên 600.000 đồng. Tuy nhiên, để có được khoảng lợi nhuận đó, bà phải gò lưng bên dàn máy may, cật lực làm việc từ 7 giờ đến 22 giờ. Trong đó, chỉ có giờ giải lao để đưa rước con đi học và nấu cơm 2 buổi cho gia đình.

Tương tự, một tiệm sửa quần áo trên đường 30.4 cũng đầy các loại túi xách, quần áo đang chờ được "làm đẹp". Bà Nguyễn Thị Hóa (55 tuổi, chủ tiệm) nhận xét nghề này có thu nhập hấp dẫn trong tết. Mọi năm, trong tháng chạp bà có thể kiếm được số tiền "khủng” hơn 20 triệu đồng. Song, sức khỏe ít nhiều bị ảnh hưởng. “Do ngồi lâu 1 tư thế nên tôi phải dùng thuốc trị đau nhức loại uống và loại dán thường xuyên. Ngày thường, không kịp trả đồ thì khách cũng thông cảm, vui lòng cho nấn ná thêm 1 - 2 ngày. Còn trong tết thì buồn ngủ cũng không dám nghỉ, phải tìm cách làm mình tỉnh táo làm việc, để giao đồ kịp thời cho khách”, bà Hóa tâm sự.

Nhiều trang phục chơi tết có chi tiết cầu kỳ, sành điệu, đòi hỏi người thợ cần nhiều thời gian để tạo ra một "phiên bản mới"

THANH DUY

Bà Hóa thông tin thêm, khách mua quần áo trong shop thời trang có thể đặt tiêu chí "hài lòng", nhưng khi đã mang đến tiệm sửa sang thì nâng lên yêu cầu phải "đẹp". Vì vậy, nghề sửa quần áo trong tết cũng có những áp lực nhất định. Ngoài kinh nghiệm, kỹ năng thì người thợ cần phải am hiểu, chịu khó học hỏi phần nào kiến thức về xu hướng thời trang, "gu" ăn mặc hiện hành của các bạn trẻ. Khó nhất là khi không được xem mẫu, chỉ sửa theo cảm nhận qua mô tả của khách kiểu "nhìn mặt bắt hình dong". Trong trường hợp không hiểu ý nhau, người thợ có thể mất thời gian sửa đi sửa lại nhiều lần đến khi khách gật đầu mới thôi.

Từ 10 - 15 tháng chạp là thời điểm bận nhất, thợ phải làm việc rốt ráo để trả đồ kịp cho khách

THANH DUY

Chia sẻ với chúng tôi, hầu hết thợ sửa quần áo đều nhận thấy nghề này vất vả và nhọc công, nhưng vì cuộc sống nên phải cố gắng “cày”. Song, cũng nhờ thu nhập khá trong những ngày cuối năm này mà nhiều người có của dành dụm và điều kiện để đón tết bên gia đình ấm cúng, trọn vẹn hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.