Thơ thiếu nhi chống 'bệnh sợ thơ'

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
05/11/2021 06:10 GMT+7

Những bài thơ được đọc đều đặn, với thiếu nhi , là cách để thơ gần gũi và cũng để phòng chống… “bệnh sợ thơ” sau này.

Những chiếc ghế trong căn bếp nhỏ

Họa sĩ Đặng Hồng Quân đã vẽ một căn bếp đúng vào lúc nó ấm cúng nhất để làm bìa cho cuốn thơ thiếu nhi Những chiếc ghế trong căn bếp nhỏ (Công ty sách Nhã Nam và NXB Thế giới). Ở đó có con đang dọn bàn, bố và chú mèo xinh ngồi đọc báo, còn mẹ bê ra tô canh với đôi má ửng hồng. “Trong cả cuốn sách, bức vẽ tôi tâm đắc nhất là bìa, khi cả gia đình quây quần bên bàn ăn. Đó cũng là lúc bố mẹ gác lại bộn bề lo toan để hướng về con cái mình”, ông Quân nói.

Tập thơ Những chiếc ghế trong căn bếp nhỏ

tác giả cung cấp

Ông Quân cũng chia sẻ, cuốn sách có phần tranh và cả phần lời vô cùng rực rỡ. Phần tiếng Việt và tiếng Anh đặt khác màu. Xen kẽ các bài thơ là những trang nghỉ với các nội dung như liệt kê món ăn, sở thích của em, thậm chí là những động tác thể dục đơn giản chống mỏi cổ. “Những chi tiết nhỏ nhưng đội ngũ tác giả và công ty sách rất để ý chăm chút, hy vọng sẽ làm các em nhỏ hứng thú hơn trong lúc đọc sách”, ông Quân nói.

Những chiếc ghế trong căn bếp nhỏ kể những câu chuyện mà phần lớn là trải nghiệm của hai bố con tác giả Nguyễn Phong Việt. Nó cũng là tâm sự của nhà thơ khi dường như những nhà thơ thiếu nhi mỗi lúc càng như hiếm hơn. Mặc dù vậy, nhà thơ Phong Việt chia sẻ: “Đâu đó tôi vẫn muốn một chút màu sắc khác lạ để làm cho những câu chuyện kể trở nên phong phú hơn. Bài thơ Những cây cầu là hình ảnh tôi bắt gặp rất nhiều ở thành phố, nơi vẫn còn rất nhiều người mẹ ở những xóm nghèo đang ngày đêm bươn chải, chăm lo cho gia đình. Thậm chí, trong đó có cả những người mẹ xa xứ để mưu sinh nhằm giúp cho con cái có được tương lai rộng mở hơn nơi quê nhà”.

Về việc các bạn nhỏ bây giờ vẫn còn thích đọc thơ như thế hệ của nhà thơ Phong Việt trước đây không, ông khá lạc quan: “Tôi vẫn nghĩ thơ sẽ dễ được các độc giả nhí yêu thích vì vần điệu và tính nhạc trong đấy. Tuy nhiên ở mỗi thế hệ, độc giả thiếu nhi có những món ăn tinh thần rất khác nhau. Thế nên, quan trọng là ở góc độ những người viết, chúng ta có dọn ra được đúng món ăn ưa thích và phù hợp với các bạn vào lúc này hay chỉ dọn ra hoài những món quen thuộc lâu nay”.

Tập thơ Hỏi lá hỏi hoa của nhà thơ Cao Xuân Sơn

NXB Kim Đồng

Chữa bệnh sợ thơ

Trên thực tế, dù không có nhiều nhà thơ thiếu nhi nổi tiếng như trước đây, thơ thiếu nhi vẫn được in mới, in lại đều đặn. Chẳng hạn, NXB Kim Đồng vẫn có bộ sách Thơ với tuổi thơ, trong đó tuyển chọn những tập thơ hay viết cho thiếu nhi. Chúng ta gặp ở đó những bài thơ sống mãi trong ký ức nhiều thế hệ thiếu nhi như: Ai dậy sớm của nhà thơ Võ Quảng, Bầu trời trong quả trứng của nhà thơ Xuân Quỳnh, Bài ca trái đất của nhà thơ Định Hải, Hỏi lá hỏi hoa của nhà thơ Cao Xuân Sơn, hay Góc sân và khoảng trời của “thần đồng thơ” Trần Đăng Khoa. Công ty Nhã Nam cũng có cuốn Một ngày của bố rất hay của nhà thơ Thụ Nho, hai tập thơ Biển là trẻ con của nhà thơ Huỳnh Mai Liên với minh họa của chính con gái chị… Nhà thơ, nhà giáo dục Nguyễn Thụy Anh cũng có những tập thơ ngọt đến “sâu răng” như Nhim nhỉm nhìm nhim, Mẹ hổ dịu dàng…

TS Nguyễn Thụy Anh, người đã nhiều năm gắn bó với việc đọc sách cùng trẻ, cho biết thơ thiếu nhi, cả tác giả xưa và nay, vẫn được in. Mặc dù vậy, việc làm thế nào để các em đọc thơ mà không… sợ thơ cũng rất quan trọng. “Bệnh sợ thơ là có thật”, TS Thụy Anh nói.

Theo TS Thụy Anh, với lứa tuổi từ lớp 2 trở xuống, việc đọc thơ dễ gần gũi vì tự các em vốn đã có thơ trong người rồi. Nhịp điệu, hình ảnh dễ cảm nhận của thơ khiến các em thấy gần. Tuy nhiên khi đã đi học trên lớp 2, nói đến thơ, các em không mấy thích thú. “Hồi bé các cháu không sợ thơ đâu, còn rất hào hứng. Nhưng khi đã đi học rồi, lớp 1, lớp 2 còn đỡ, lớn thêm một chút các bạn ấy bắt buộc phải học thuộc lòng một bài thơ, đọc một bài thơ, phân tích một bài thơ thì dần dần lại thấy chán”, TS Thụy Anh chia sẻ.

Trải nghiệm của TS Thụy Anh cho thấy khi được khơi gợi qua những câu hỏi, những trò chuyện, các em thiếu nhi sẽ dễ dàng chia sẻ cảm xúc mà mình cảm nhận về bài thơ hơn. Điều đó sẽ khiến các em thấy có tình cảm với bài thơ hơn. Nếu việc học trên lớp quá nhanh và chỉ đặt mục tiêu hiểu bài đi thi thì có thể giá trị của bài thơ sẽ bị đánh mất. Cả nỗi xúc động cũng vậy.

Bà Thụy Anh cho biết nhiều khi các bạn lớp 7, 8 khi được hỏi nhớ bài thơ nào thì thường nhớ thơ trong sách giáo khoa. Nhưng nhớ cũng không có nghĩa là các em thích các bài thơ đó. Bà cho rằng quan trọng nhất là làm thế nào để trẻ em nói được hết lên tình cảm, những gì xung quanh bài thơ gợi đến chứ không phải chỉ bài thơ đó. “Bài thơ là cái cớ để chúng ta nói về cuộc sống với trẻ con, chứ không phải phân tích để thấy nhà thơ này hay, nhà thơ kia giỏi. Đại chúng, lẽ ra sẽ rất thích thơ nếu như thơ không bị đưa vào giảng dạy theo cách đấy. In thơ cho trẻ con thế nào, giới thiệu với các em thế nào cũng là vấn đề”, bà nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.