Đệm đàn cho cô là anh Trần Nhất Hoàng, cựu thành viên của ban nhạc Bức Tường nổi tiếng. Đây là một phần của dự án cộng đồng âm nhạc thiếu nhi bằng tiếng Anh mà cô Nguyệt Ca đang thực hiện.
Nguyệt Ca cho biết cô có một người bạn cùng trong nhóm những người yêu nhạc Trịnh, đó là anh Vũ Thế Chung. Anh Chung từng dịch một số ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sang tiếng Anh. “Cách đây vài năm, anh ấy có đưa cho tôi bản dịch những bài hát thiếu nhi. Sau đó đến năm 2017, có một người bạn là chị Bông Mai, con nhạc sĩ An Thuyên, có một dự án làm mới các ca khúc thiếu nhi. Tôi thấy hay và có kết nối chuyển bản dịch sang đó. Sau đó dự án dừng lại. Chúng tôi vẫn muốn phát triển dự án cộng đồng này nên làm tiếp”, cô nói. Trong dự án này, anh Vũ Thế Chung đóng vai trò người dịch, cô giáo Nguyệt Ca là người hiệu đính và thể hiện bài hát.
Bản thu âm đầu tiên - bài hát Cho con được cô Nguyệt Ca công bố vào tháng 12.2020 trên kênh YouTube của mình. Sau đó, đến Tết Nguyên đán vừa qua, cô ra mắt tiếp bản thu Cánh én tuổi thơ. “Khi đưa 2 bản thu lên mạng và nhiều người rất thích thì hai anh em quyết định biến nó thành một dự án dài hơi hơn, với số lượng bài hát nhiều hơn, tần suất ra mắt đều đặn hơn. Nó sẽ thành một dự án cộng đồng và mọi người có thể chung tay đóng góp vào”, cô Nguyệt Ca nói.
Hiện tại số bài hát chuẩn bị “lên sóng” khoảng 8 bài và dự kiến sẽ được nhóm đưa lên theo từng tháng. Theo đó, cuối tháng 3 nhóm giới thiệu bài Chị ong nâu; vào tháng 5 (tháng có Ngày của mẹ) thì có bài Chỉ có một trên đời; sang tháng 6 (tháng có Ngày môi trường thế giới) giới thiệu bài Trái đất này là của chúng mình; rồi đến trung thu là bài Chiếc đèn ông sao... Anh Vũ Thế Chung bộc bạch: “Mình muốn trẻ em có những bài hát mới bằng tiếng nước ngoài. Bây giờ tiếng Anh cũng phổ biến rồi. Hát những bài hát đó cũng là để học tiếng Anh luôn. Mình cũng đưa bài hát đến với bạn bè nước ngoài để họ biết Việt Nam có những bài hát thiếu nhi rất hay”.
Mới đây, nhóm mời thêm thành viên mới là chị Hồng Đinh. “Chị ấy là giáo viên tiểu học ở Mỹ, hay về Việt Nam làm diễn giả cho các hội thảo về giáo dục, đồng thời là tác giả của 2 cuốn sách viết về dạy và học tiếng Anh theo kiểu Mỹ. Trong dự án này, chị ấy sẽ hiệu đính từ góc độ là người tiếp cận tiếng Anh hiện đại thường xuyên hơn, nhằm đạt tới độ chính xác cao hơn”, cô Nguyệt Ca nói.
Về lâu dài, cô Nguyệt Ca cho rằng: “Khi đem ra cộng đồng, tôi hy vọng nhận được bản dịch của những người khác nữa, các bài hát khác nữa. Nó sẽ giống như một kênh kết nối để đưa những bản dịch tới những người yêu thích âm nhạc. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn lan tỏa đến cộng đồng các gia đình Việt Nam có con ở nước ngoài. Khi chia sẻ ý tưởng này với bạn bè ở nước ngoài, các bạn rất thích và bảo sẽ cho con em hát và thử dịch ra những tiếng khác”.
Bình luận (0)