Tổng thống Mỹ Donald Trump là trung gian, thúc đẩy Israel và UAE đạt thỏa thuận lịch sử hôm 13.8. Trong một tuyên bố chung, Israel, UAE và Mỹ ca ngợi thỏa thuận này là "bước đột phá ngoại giao lịch sử", thúc đẩy hòa bình ở Trung Đông. Như vậy, UAE trở thành quốc gia Ả Rập thứ 3 sau Ai Cập và Jordan có thỏa thuận tương tự với Israel, theo Reuters.
Trong cuộc phỏng vấn với đài NPR (Mỹ) ngày 14.6, Đại sứ Mỹ tại Israel, ông David Friedman nói: "Nếu UAE xích gần hơn, trở thành bằng hữu, đối tác của Israel thì điều này có thể hướng đến trở thành đồng minh của Mỹ trong khu vực. Tôi nghĩ rằng điều này sẽ giúp thay đổi các đánh giá về mối đe dọa an ninh và mang đến nhiều lợi ích cho UAE trong việc mua vũ khí trong tương lai”.
Washington đảm bảo Israel có thể mua nhiều vũ khí tiên tiến của Mỹ hơn so với các nước Ả Rập khác. Chẳng hạn, Mỹ bán chiến đấu cơ tàng hình F-35 cho Israel, nhưng UAE hiện không thể mua được.
Chuyên gia David Makovsky thuộc Viện nghiên cứu chính sách Cận Đông (Mỹ) đánh giá thỏa thuận kể trên là "chiến thắng cho UAE giúp nước này mua những loại vũ khí của Mỹ vốn không thể tiếp cận được trước đây vì Washington áp dụng quy định hạn chế do lo ngại nguy cơ một số công nghệ vũ khí nhất định được dùng để chống lại Israel", theo Reuters.
Hồi tháng 5, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê chuẩn hợp đồng bán 4.569 xe bọc thép quân sự chống mìn (MRAP) đã qua sử dụng cho UAE, với giá 556 triệu USD.
Các nhà lập pháp Mỹ đã cố tìm cách kiềm chế kế hoạch bán vũ khí của chính quyền Trump, nhất là cho Ả Rập Xê Út và UAE nhằm gây áp lực buộc hai quốc gia này phải cải thiện vấn đề đảm bảo nhân quyền và có biện pháp hạn chế thường dân thiệt mạng trong những chiến dịch không kích nhắm vào lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn trong cuộc chiến ở Yemen.
Báo cáo của ủy ban giám sát thuộc quốc hội Mỹ công bố hôm 11.8 kết luận Bộ Ngoại giao Mỹ không đánh giá đầy đủ nguy cơ gây thương vong cho thường dân ở Yemen khi thúc đẩy một đợt bán vũ khí quy mô lớn cho Ả Rập Xê Út và UAE hồi năm 2019.
Bình luận (0)