Thoại Ngọc Hầu qua những phát hiện mới: Dấu ấn Thoại Ngọc Hầu trên đất Bắc

08/07/2023 06:44 GMT+7

Nói đến Thoại Ngọc Hầu, ngoài quê hương An Hải (Đà Nẵng) mà ông đã rời đi từ khi còn nhỏ, chúng ta thường nhớ đến cù lao Dài ở tỉnh Vĩnh Long và núi Sam - Châu Đốc thuộc An Giang. Nơi đây còn nhiều mộ phần và di tích về ông.

Nhưng thời kỳ công cán tại Bắc thành trong những năm 1802-1810, Thoại Ngọc Hầu cũng để lại nhiều dấu ấn. Thôn Mậu Lương đã lưu trữ cho chúng ta một văn bản do Thoại Ngọc Hầu chấp bút, còn chùa am Phổ Quang thì để lại nhiều văn bia giúp soi sáng giai đoạn ông làm quan trên đất Bắc.

Chùa am Phổ Quang và sưu tập văn bia

Chùa am Phổ Quang nằm ở ngõ 29, phố Cửa Bắc, P.Trúc Bạch, Q.Ba Đình, Hà Nội. Năm 1924, Sở Cuồng Lê Dư nói về chùa này như sau: "Chùa vốn nằm trên nền cũ của chùa An Quốc. Năm Gia Long thứ tám (1809), Kỷ Tỵ, Lạng Sơn trấn thủ Thoại Quốc Hầu dựng am Phổ Quang ở đó. Năm Minh Mạng thứ ba, Nhâm Ngọ [1822], Bắc Thành tạo tác cục Cai quan Hân Đức bá bắt đầu mở rộng am cũ Phổ Quang thành chùa". Thông tin của Lê Dư có nhiều chỗ cần phải đính chính. Chẳng hạn, Trấn thủ Lạng Sơn ở đây không phải Thoại Quốc Hầu, mà là Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại.

Thoại Ngọc Hầu qua những phát hiện mới: Dấu ấn Thoại Ngọc Hầu trên đất Bắc  - Ảnh 1.

Bia thần vị Thoại Ngọc Hầu và phu nhân (phải)

Chùa am Phổ Quang còn lưu giữ một số văn bia có liên quan đến Thoại Ngọc Hầu và phu nhân Châu Thị Tế. Trước đây, Nguyễn Hữu Tưởng đã thông báo về hai bia có liên quan đến Thoại Ngọc Hầu - một đề năm Minh Mạng thứ 10 (1829), một đề năm Duy Tân thứ 3 (1908). Qua xác minh, bia đề năm Minh Mạng thứ 10 (1829) là bia

Phổ Quang tự bi. Đây là bia thần vị của Thống chế Thoại Ngọc Hầu và phu nhân Châu Thị Tế, được dựng chỉ mấy tháng sau khi Thoại Ngọc Hầu qua đời. Văn bia đã vỡ một góc dưới bên phải, ước chừng mất khoảng một chữ. Bia đề năm Duy Tân thứ 3 (1908) mang tên Phổ Quang tự trùng tu bi ký. Bia này hiện nay đã vỡ thành ba mảnh, được ráp nối lại bằng xi măng. Văn tự trên bia bị hư hại một phần.

Điều may mắn là các bia tại chùa am Phổ Quang đều được dập thác bản từ đầu thế kỷ XX. Số lượng bia ký tại chùa lúc đó còn khá nhiều, bao gồm: Cựu Phổ Quang am ⬜⬜ bi ký (tên bia mất hai chữ không đọc được) năm Minh Mạng thứ 5 (1824, ký hiệu 16030), Phổ Quang tự bi năm Minh Mạng thứ 10 (1829, ký hiệu 16031), Phổ Quang tự bi năm Minh Mạng thứ 19 (1838, ký hiệu 16032), Phổ Quang tự bi năm Tự Đức thứ 18 (1865, ký hiệu 16037), Phổ Quang tự bi ký năm Tự Đức Mậu Thìn (1868, ký hiệu 16035), Phổ Quang tự bi ký năm Thành Thái thứ 2 (1890, ký hiệu 16036), Phổ Quang tự trùng tu bi ký năm Duy Tân thứ 3 (1909, ký hiệu 16028), bia vô đề năm Duy Tân thứ 9 (1915, ký hiệu 16029), Phối hưởng bi ký năm Bảo Đại thứ 12 (1937, ký hiệu 16034) và một bia vô đề không có niên đại.

Trong số này có ba văn bia chứa nhiều thông tin về Thoại Ngọc Hầu và phu nhân Châu Thị Tế, liên quan đến lịch sử xây dựng chùa am Phổ Quang. Đó là Cựu Phổ Quang am ⬜⬜ bi ký năm Minh Mạng thứ 5 (1824), Phổ Quang tự bi năm Minh Mạng thứ 10 (1829) và Phổ Quang tự trùng tu bi ký năm Duy Tân thứ 3 (1909). Văn bia thứ nhất được dựng ngay khi Thoại Ngọc Hầu và phu nhân Châu Thị Tế vẫn còn tại thế. Văn bia thứ hai là bia thần vị được dựng ngay trong năm Thoại Ngọc Hầu qua đời. Còn văn bia thứ ba tuy muộn hơn, nhưng lại nói khá rõ về thân thế của vị ni sư được phu nhân Châu Thị Tế mời về trụ trì chùa am Phổ Quang.

Thoại Ngọc Hầu qua những phát hiện mới: Dấu ấn Thoại Ngọc Hầu trên đất Bắc  - Ảnh 2.

Thác bản Phổ Quang tự bi cho thấy hiện trạng văn bia trước khi bị hủy hoại

TƯ LIỆU CỦA TRẦN HOÀNG VŨ

Bia thần vị Thoại Ngọc Hầu trên đất Bắc

Phổ Quang tự bi được lập vào ngày tốt tháng mười hai năm Minh Mạng thứ 10 (1829) - sáu tháng sau khi Thoại Ngọc Hầu tạ thế. Đối với tình hình giao thông liên lạc thời đó, một động thái như vậy phải kể là nhanh nhạy. Điều này cho thấy mặc dù đã rời Bắc thành từ năm 1810, Thoại Ngọc Hầu vẫn có những liên lạc nhất định với các nhân vật ngoài Bắc. (Ta biết vào năm 1828, Thoại Ngọc Hầu đã dựng bia Phụng đặc tứ danh Vĩnh Tế sơn bi ký). Tác giả văn bia này là Tam Hà Võ Thị - một nho sinh trúng thức triều Lê; còn người vẽ chữ là Tô Giang Nguyễn Chung Phủ - một viên tử (con cháu quan lại) triều Lê.

Bia này là bia thần vị dành cho Thoại Ngọc Hầu và phu nhân Châu Thị Tế. Văn bia đề:

"Khâm sai Thống chế Án thủ Châu Đốc đồn, lãnh Bảo hộ Cao Miên quốc ấn, kiêm quản Hà Tiên trấn biên vụ, gia nhị cấp, kỷ lục tứ thứ, Thoại Ngọc Hầu thần vị".

"Nguyễn tôn công nguyên phối húy Tế, hiệu Nhàn Tĩnh, Châu phu nhân linh vị".

Trên bia có hai người cúng dường. Một người là Võ Tá Bính, người thân của Tâm Địa giới (cũng như Bồ Tát giới) Diệu Chấn - trụ trì chùa Phổ Quang. Người còn lại là "cựu Cao Bằng trấn thê" Trịnh thị. Không rõ nhân vật Trịnh thị này có liên quan thế nào đến vợ chồng Thoại Ngọc Hầu. Theo văn bia, Võ Tá Bính chính là người đứng ra "phụng tự" (coi việc thờ cúng). (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.