Theo Bệnh viện Bạch Mai, thoát vị bẹn hai bên ở nữ chiếm 2 - 11,5% trường hợp thoát vị được phát hiện và phẫu thuật.
Nguy cơ phát triển thoát vị bẹn của nữ giới là khoảng 3 - 5,8% so với 27 - 42% đối với nam giới. Mặc dù hiếm gặp hơn nhưng tỷ lệ biến chứng của thoát vị bẹn ở phụ nữ lại cao hơn rất nhiều so với nam giới.
Trong đó, tỷ lệ tắc ruột do thoát vị bẹn nghẹt cần mổ cấp cứu xảy ra ở 14,5 - 17% nữ giới có thoát vị bẹn. Tỷ lệ này ở nam giới chỉ là 0,5%.
Thoát vị bẹn nghẹt là các tạng (ruột hoặc mạc treo của ruột) không di chuyển trở lại ổ bụng được, bị nghẹt hoặc bị xoắn, dẫn đến thiếu máu nuôi, nếu không can thiệp phẫu thuật kịp thời, các tạng sẽ bị hoại tử.
Bất thường giới tính
Đáng lưu ý, theo TS - BS Nguyễn Ngọc Hùng và các bác sĩ điều trị của Khoa Phẫu thuật tiêu hóa gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai, khi phát hiện thoát vị bẹn hai bên ở trẻ nữ, thiếu nữ, cần phải nghĩ đến hội chứng không nhạy cảm với androgen (AIS), do đột biến gen AR.
Gen AR có vai trò cung cấp hướng dẫn tạo ra protein thụ thể androgen, khiến tế bào ít phản ứng với nội tiết tố androgen hơn hoặc ngăn tế bào sử dụng các hormone này. Tùy thuộc vào mức độ không nhạy cảm androgen, đặc điểm giới tính của người bệnh có thể khác nhau, từ chủ yếu là nữ đến chủ yếu là nam.
Tuy nhiên, hội chứng không nhạy cảm androgen một phần ít phổ biến mà chủ yếu gặp hội chứng không nhạy cảm androgen toàn phần (CAIS), với tần suất 2 - 5/100.000 nam giới.
Do cơ thể không sử dụng được androgen nên ảnh hưởng đến quá trình phát triển giới tính trước khi sinh và tuổi dậy thì. Dù có kiểu gen nam giới (XY), người bệnh lại có kiểu hình nữ (hoặc cả nam và nữ), nhưng không có tử cung, do đó không có kinh nguyệt và không thể mang thai.
Hoặc bệnh nhân có cơ quan sinh dục nam (tinh hoàn) nhưng tinh hoàn không phát triển, không di chuyển xuống bìu (nên dễ bị thoát vị bẹn hai bên) mà nằm bất thường trong xương chậu hoặc bụng (tinh hoàn ẩn), có khả năng trở thành ung thư nếu không phẫu thuật cắt bỏ.
Khi tiến hành phẫu thuật trong trường hợp bị thoát vị có thể thấy tinh hoàn bên trong khối thoát vị hoặc khối u. Nếu mắc CAIS nhưng không thoát vị, hội chứng này có thể bị bỏ qua cho đến khi xuất hiện dấu hiệu bất thường trong giai đoạn dậy thì (không có kinh nguyệt, không phát triển lông mu và lông dưới cánh tay.
Dấu hiệu bất thường
Trường hợp thoát vị bẹn hai bên nghi ngờ AIS, cần kiểm tra nhiễm sắc thể giới tính, đột biến di truyền; đo nồng độ hormone sinh dục (mắc AIS sẽ có lượng testosterone cao trong máu); chẩn đoán hình ảnh không thấy tử cung và buồng trứng.
Điều trị hội chứng CAIS đòi hỏi phối hợp đa chuyên khoa và phụ thuộc vào quyết định lựa chọn giới tính của bản thân người bệnh và gia đình họ.
Các bác sĩ chia sẻ, thoát vị bẹn hai bên ở phụ nữ là một bệnh lý hiếm gặp, có khả năng liên quan đến bất thường giới tính, đặc biệt là có khả năng gây biến chứng cao. Vì vậy, cần chú ý phát hiện sớm các biểu hiện của thoát vị bẹn (căng tức vùng bẹn một hoặc cả hai bên, sờ thấy khối vùng bẹn tăng lên khi vận động) và những đặc điểm giới tính bất thường để phát hiện bệnh và xử lý kịp thời trước khi có biến chứng.
Người bệnh có nhu cầu khám, tư vấn, phẫu thuật nội soi thoát vị bẹn và các bệnh lý chuyên khoa tiêu hoá - gan mật tụy có thể đăng ký khám tại phòng khám của Khoa Phẫu thuật tiêu hóa gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai: Phòng khám 307, buồng 5, tầng 3 nhà K2, Khoa Khám bệnh; hoặc hotline 0869587701.
Bình luận (0)