Thời đại AI, giáo viên tạo dựng các giá trị nhân văn cho người học

10/02/2023 12:06 GMT+7

Công cụ ChatGPT không thể thay thế giáo viên nhưng thầy cô cần thay đổi trong đời đại của trí tuệ nhân tạo (AI).

Sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI), cụ thể được thể hiện qua ChatGPT là điều mà ai cũng có thể thực chứng. ChatGPT không phải là một chatbot thông thường - đưa ra những hội thoại/thông tin với những câu hỏi tiền định, cố định được thiết lập trước - mà là hệ thống xử lý thông tin phức tạp kèm với khả năng đưa ra những thông tin có tính riêng biệt cho cuộc hội thoại. Nói cách khác, ChatGPT có thể tự đưa ra các diễn ngôn của chính nó, một cách riêng biệt để tạo những buổi hội thoại/thảo luận có chất lượng, có thể sử dụng được, dành cho người tương tác.

Điều này rõ ràng đụng chạm trực tiếp đến lĩnh vực giáo dục, đến chức năng của người dạy. Với sự phát triển khách quan này, giáo viên phải thay đổi và chuyển mình.

Giáo viên cần thay đổi gì trong thời đại của AI? - Ảnh 1.

ChatGPT được dự báo có thể làm thay đổi vai trò của giáo viên

SHUTTERSTOCK


Tư duy phản biện ở cả người dạy và người học

Có nhiều cách để giảng dạy nhưng nhìn chung là 2 hướng chính: Aristotle và Socrates. Hai phương pháp này, đặt tên dựa trên phương pháp luận nhận thức của hai triết gia nổi bật thời kỳ đầu trong việc sử dụng lý tính. Nếu Aristotle trọng việc truy tìm các kiến thức thông qua các quan sát thực nghiệm và trải nghiệm thực hành, từ đó hình thành các kiến thức mang tính ổn định, có tính quy ước, có tính giới hạn về chân lý để truyền dạy cho học trò thì Socrates lại không mặn mà những kiến thức có tính chất "đóng" như vậy. Lối dạy của Socrates lại chú trọng việc sử dụng câu hỏi để đào sâu kiến thức đang có của người học, qua đó là sự tra vấn về các "tiền giả định" (niềm tin) cũng như độ chắc chắn kiến thức của người học.

Giáo dục Việt Nam, nhìn chung suốt hơn 100 năm qua vẫn là theo trường phái Aristotle. 

Với lối dạy học này, rõ ràng gặp vấn đề trong thời AI. Sự tổng hợp khối lượng tri thức của AI là hoàn toàn vượt trội so với một người dạy cụ thể. Tính chất "trung lập/khách quan" của tri thức lại được AI phô diễn vượt trội nhiều so với người dạy. Người học không còn bị vướng bận bởi những yếu tố như "tâm lý" của người thầy, hay "lập trường" của người thầy, mà tự do tìm đến khối tri thức chung được tổng hợp một cách "khách quan" và "minh bạch".

Do vậy, sự thay đổi đầu tiên mà người dạy có thể làm đối với học trò của mình là thay đổi lối tiếp cận từ Aristotle sang Socrates. Nơi người dạy cố gắng đào sâu tri thức của người học (lẫn chính mình) bằng những câu hỏi có tính tra vấn về các cơ sở của lập luận, độ chính xác, khoa học của tri thức. Nói cách khác là một tinh thần "tư duy phản biện" (critical thinking) đúng nghĩa - nơi chân lý không nằm ở người dạy lẫn người học - mà chân lý là mục tiêu của cả người học và người dạy cùng nhau đào sâu, hướng tới. Điều này ngược với lối tư duy phản biện đang được đi dạy hiện nay - nơi phản biện như thế nào thì chân lý vẫn nằm ở người dạy.

Giáo viên định hướng người học biết cách sử dụng tri thức

Để có thể sử dụng những tri thức của nhân loại, thông qua AI, người dạy buộc phải cung cấp phân mảnh còn thiếu mà AI không thể cung cấp đó là "nhân tính" trong việc sử dụng tri thức của từng lĩnh vực. "Nhân tính" này bao gồm: " Khả năng sáng tạo/kiến tạo" - khả năng tạo ra tri thức mới; "Trí tuệ cảm xúc" - khả năng sử dụng cảm xúc trong thẩm mỹ và trong đời sống con người; "Trách nhiệm đạo đức và xã hội" - Khả năng thiết lập các nguyên tắc cho hành vi, hành động và ứng xử xã hội người.

Vì lẽ đó, giáo viên không đơn thuần truyền đạt tri thức mà còn là nơi định hướng, định hình, tạo dựng các giá trị nhân văn cho người học biết cách sử dụng tri thức trong những hoàn cảnh cụ thể để giữ được cái "nhân tính" của mỗi người.

Giáo viên cần thay đổi gì trong thời đại của AI? - Ảnh 2.

Sự tiến bộ của AI có thể thúc đẩy sự thay đổi trong ngành giáo dục

 Nghề giáo sẽ còn trụ vững nếu giáo viên biết thay đổi chức năng của mình

Sự tiến bộ của AI, thông qua ChatGPT chỉ là điểm khởi đầu cho một kỷ nguyên mới. Nếu 4.0 là kỷ nguyên của sự tự động hóa các thao tác con người, thì chúng ta có thể hình dung về một kỷ nguyên 5.0, một kỷ nguyên máy móc thay thế con người trong việc thu nhặt dữ liệu, suy tư với các dữ liệu và tạo ra những tri thức trên nền dữ liệu đó. Nhưng dù có tiến tới kỷ nguyên như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan rằng nghề giáo sẽ còn trụ vững nếu giáo viên biết thay đổi chức năng của mình để trở thành người hỗ trợ, cố vấn và định hướng giá trị nhân văn trong việc sử dụng tri thức thay vì người ban phát tri thức như hiện nay.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.