ChatGPT ra đời, giáo dục buộc phải thay đổi

Hà Ánh
Hà Ánh
07/02/2023 07:27 GMT+7

ChatGPT có thể giải đáp nhanh chóng mọi thắc mắc buộc trường học cần có những thay đổi phù hợp, đặc biệt trong kiểm tra đánh giá để đảm bảo chất lượng người học.

NH HƯỞNG ĐẶC BIỆT ĐẾN GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, nhìn nhận: "Việc dạy học trong thời gian tới sẽ có ảnh hưởng nhất định. ChatGPT là kênh để tổng hợp kiến thức căn bản rất tốt. Sinh viên hoàn toàn có thể dùng nó như một kênh thông tin tham khảo tốt. ChatGPT dựa trên nguồn dữ liệu tri thức lớn của internet. Do đó, đây cũng là thách thức lớn nếu như nguồn dữ liệu không có tính đúng hoặc còn đang tranh cãi, mang tính chất quan điểm", ông Khang nhận định.

Theo ông Khang, người học có thể tham vấn ChatGPT và nâng cao kỹ năng kiểm tra kết quả trả lời từ ChatGPT để đảm bảo kiến thức phản hồi có độ tin cậy cao. Đặc biệt, giáo viên có thể sử dụng ChatGPT để đo lường mức độ khó của câu hỏi đặt ra cho người học.

ChatGPT ra đời, giáo dục buộc phải thay đổi - Ảnh 1.

Thay vì thi trực tuyến, các trường ĐH nên tổ chức hình thức thi trực tiếp như vấn đáp, các bài tập tạo ra những sản phẩm cụ thể để tránh gian lận

THANH ĐÈO

PGS-TS Nguyễn Văn Vũ, Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin kiêm Trưởng bộ môn Công nghệ phần mềm Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng cho rằng mảng giáo dục sẽ bị ảnh hưởng rất lớn bởi công cụ phần mềm ChatGPT. Sự ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực, đặc biệt là bậc tiểu học đến trung học phổ thông.

Từ thực tế những phản ứng trái chiều tại các trường học ở Mỹ với ChatGPT, ông Vũ phân tích: "Thực ra, phản ứng tương tự cũng từng xảy ra trước đây khi có sự xuất hiện của Google - công cụ lưu trữ và tìm kiếm thông tin, dữ liệu nhanh chóng. Khi có Google, việc học và ghi nhớ không còn quan trọng như trước nên có những phản đối trong việc sử dụng công cụ này. ChatGPT rồi sẽ trở thành công cụ chính phục vụ con người trong tương lai được phổ biến và cần thiết như Google. Việc cấm sử dụng là điều không thể và điều chúng ta cần làm chính là thích nghi với sự thay đổi lớn này của công nghệ".

Cũng theo PGS Vũ, công nghệ luôn có 2 mặt và ChatGPT cũng vậy. Ông nói: "Người học có thể sử dụng công cụ này hỗ trợ việc học cho ra kết quả chính xác và nhanh hơn. Nhưng nếu không hiểu vấn đề và sao chép nguyên văn, lệ thuộc hoàn toàn có thể cho ra kết quả sai, sản phẩm lỗi nhiều rất nguy hiểm. Do vậy, muốn có kết quả chính xác đòi hỏi người dùng phải có cách hỏi phù hợp và khả năng đánh giá được mức độ chính xác của câu trả lời".

ChatGPT ra đời, giáo dục buộc phải thay đổi - Ảnh 2.

Khi học sinh được sử dụng công cụ ChatGPT, thầy cô cần phải thay đổi nhiều trong hoạt động dạy học, đặc biệt khâu kiểm tra đánh giá

SHUTTERSTOCK


THAY ĐỔI CÁCH KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ

Theo PGS Nguyễn Văn Vũ, nếu cho phép người học sử dụng thoải mái công cụ này nhưng không thay đổi cách kiểm tra đánh giá, sẽ có những tác động tiêu cực. Chẳng hạn, học sinh làm bài tập ở nhà có thể nhờ phần mềm này để hoàn thành trong vài phút. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản phẩm đào tạo, bởi ở họ không có được kỹ năng trình bày, suy luận, sáng tạo và vận dụng để tạo nên những điều khác biệt.

Vì vậy, PGS-TS Nguyễn Văn Vũ cho rằng các thầy cô cần phải thay đổi nhiều trong hoạt động dạy học, đặc biệt khâu kiểm tra đánh giá. Chẳng hạn, với một bài tập về nhà yêu cầu viết một đoạn mã nguồn, nay sinh viên có thể tách ra nhiều đoạn nhỏ hỏi ChatGPT cho ra kết quả ngay lập tức. Do đó, dạng bài bài này cần ra ở dạng nâng cao hơn, đòi hỏi khả năng hiểu sâu mới giải quyết được vấn đề - điều mà công cụ AI hiện nay chưa làm được.

"Tuy nhiên lo lắng nhất vẫn là bậc học phổ thông với hầu hết bài tập ở dạng kiến thức căn bản, dễ dàng có được kết quả từ phần mềm này. Nếu không điều chỉnh trong dạy học sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc hình thành kiến thức và kỹ năng của học sinh", ông Vũ bày tỏ.

Về giải pháp, ông cho rằng: "Không thể cấm sử dụng sản phẩm trí tuệ nhân tạo này mà thay vào đó cần có sự thay đổi nhanh chóng để thích nghi. Đặc biệt, khâu kiểm tra đánh giá nên được thay đổi theo hướng trực tiếp hơn. Bài tập về nhà cũng ra ở dạng đòi hỏi khả năng suy luận, phân tích, sáng tạo nhiều hơn".

Với bậc ĐH, hình thức thi trực tuyến có thể sử dụng công cụ hỗ trợ không cho phép sinh viên sử dụng màn hình khác trên máy tính, camera theo dõi… Nhưng chuyên gia này khuyến khích các trường ĐH tổ chức hình thức thi trực tiếp như vấn đáp, các bài tập tạo ra những sản phẩm cụ thể. Bài tập dưới hình thức tiểu luận không còn phù hợp nữa và thay vào đó là bài tập giải quyết vấn đề, tình huống cụ thể và cần tính sáng tạo.

ChatGPT ra đời, giáo dục buộc phải thay đổi - Ảnh 3.

Giáo dục sẽ bị ảnh hưởng rất lớn bởi công cụ phần mềm ChatGPT cả tích cực và tiêu cực, đặc biệt là bậc tiểu học đến trung học phổ thông.

ĐÀO NGỌC THẠCH

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng riêng đối với lĩnh vực giáo dục ĐH, các trường phải bắt buộc chuyển đổi và thích ứng theo xu thế phát triển của công nghệ, để vừa phải khai thác thế mạnh của công nghệ, vừa phải đào tạo ra những con người có năng lực thích ứng và làm chủ công nghệ.

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, các thầy cô giáo và người học có thể tận dụng mặt tích cực của sản phẩm AI này trong hoạt động dạy và học của mình như: hỗ trợ soạn bài, tìm dữ liệu nhanh chóng… Nhưng nếu vẫn sử dụng cách thức kiểm tra đánh giá cũ thì lâu dài chất lượng học tập sẽ đi xuống. Người học sẽ lười suy nghĩ, lệ thuộc và công nghệ, không có khả năng hiểu và vận dụng kiến thức vào thực tế. Do đó, theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, việc kiểm tra đánh giá có thể chuyển hướng sang thi vấn đáp, tạo ra các sản phẩm thực tế hoặc có thêm những "bức tường lửa" không cho phép người học sử dụng ChatGPT trong thi cử.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.