Một bài luận bàn về ChatGPT gần đây trên trang tin của Trường ĐH Cornell (Jiao et al, 2023) chỉ ra rằng ChatGPT bản chất là một "language model" đang trong giai đoạn thử nghiệm (mô hình mô phỏng ngôn ngữ và thông tin) có rất nhiều tiềm năng về ứng dụng, đặc biệt trong giao tiếp (communication), tìm kiếm thông tin và biên - phiên dịch. Ứng dụng trong các mảng khác, đặc biệt là giáo dục nói chung và giảng dạy ngoại ngữ nói riêng, còn cần nhiều nghiên cứu và đánh giá hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, các vai trò (roles) của giáo viên (GV) từ lâu đã không còn chỉ là người mô phỏng lại thông tin hay truyền thông tin (language model or knowledge deliver). GV ngày nay đã và đang được học trò trân trọng vì vai trò tạo ra những trải nghiệm học đa dạng và cá nhân (facilitator role). ChatGPT không hề là mối nguy hại mà ngược lại còn tiết kiệm thời gian để cả thầy và trò tìm kiếm thông tin giải đáp về một vấn đề một cách nhanh lẹ, để dành nhiều thời gian hơn chú trọng vào việc học trò có thể làm gì với những thông tin này hoặc để nắm được thông tin này, cách nào là cách học phù hợp nhất với năng lực, sở thích và tính cách của các em.
Ví dụ, tuy câu trả lời của ChatGPT chắc chắn là dành cho đối tượng rất chung chung (hoặc thậm chí là giỏi tiếng Anh để hiểu) và không nên dùng cho các học sinh IELTS ở trình độ mà mình đang tập trung xây nền, nó có thể được xem là một khách mời trong buổi học để "tham khảo". Thầy trò có thể dựa vào đó để khám phá từ vựng mới, cấu trúc hay, cách thức trình bày diễn giải được đưa ra trong câu trả lời và chọn lọc xem có thể dùng để diễn đạt ý tứ nào cá nhân muốn diễn đạt hay không. Ở VN, các lớp học thường đông học sinh, thầy cô cũng có thể gia tăng tương tác theo các bài tập thuyết trình nhóm có kèm các câu hỏi phản biện. Ví dụ, "Nhìn vào câu trả lời của ChatGPT, nếu là người nghe, các em muốn đặt thêm câu hỏi gì? Các em cảm nhận ra sao? Nếu các em trả lời câu hỏi này chứ không phải GPT, các em muốn thay đổi phần nào?".
Như vậy, giá trị cốt lõi không thể thay thế được của mối quan hệ thầy trò chính là người thầy đã, đang và sẽ luôn không thể bị thay thế nếu cả thầy và trò trân quý vai trò bổ trợ trong một lớp học. Thầy cô chính ra là "learning model" - nghĩa là người dẫn đường trợ giúp, đưa ra cách thức và đường hướng phát triển cho từng cá thể học sinh để các em đạt được mục tiêu bài học chung (lesson learning objectives - bài học hôm nay cơ bản là gì) và mục tiêu cá nhân (personal learning objectives - từ bài học này em sẽ làm được gì cho cuộc sống và cuộc đời em). Thầy cô có thể làm rõ vai trò đó và các cách thức để học sinh tương tác với mình và với các bạn học để xây dựng mối liên đới tin cậy từ đầu quá trình học.
Con đường ấy thành bại gian truân đi cùng nhau vẫn dễ dàng hơn là đi một mình và không biết mình đang đi đâu. Quá trình giúp học trò hiểu một vấn đề có thể cần phải tua đi tua lại, nhanh chậm, trúc trắc nhưng đổi lại chính là một trải nghiệm đầy cảm xúc và trân quý từ học trò. Khác với ChatGPT (một mô hình ngôn ngữ sử dụng AI, không có cảm xúc...), quá trình học của học sinh cần sự hướng dẫn của GV để các em tương tác với đối tượng kiến thức, đa dạng trải nghiệm, và biết cách điều tiết cảm xúc để kiến thức trở nên "dễ thở" hơn, ý nghĩa hơn, và liên đới được với chính cuộc đời của các em sau này.
Bạn đọc có thể gửi bài viết, ý kiến về địa chỉ thanhniengiaoduc@thanhnien.vn. Những bài chọn đăng sẽ nhận được nhuận bút theo quy định. Cảm ơn bạn đọc tham gia diễn đàn.
Bình luận (0)