Giữa thời kỳ công nghệ giám sát tiên tiến phát triển vượt bậc với nhiều loại máy bay không người lái và vệ tinh ra đời, tại sao khinh khí cầu vẫn còn được sử dụng cho mục đích do thám?
Đây là câu hỏi được nhiều người đặt ra sau khi các quan chức quốc phòng Mỹ cáo buộc Trung Quốc thả khinh khí cầu giám sát tầm cao trên lục địa Mỹ, dẫn đến việc Ngoại trưởng Antony Blinken quyết định hoãn chuyến công du Trung Quốc, theo tờ The Washington Post.
Tại sao lại sử dụng khinh khí cầu?
Bất chấp các diễn biến hiện căng thẳng hiện nay, sự xuất hiện của khinh khí cầu giám sát lần này thực tế không phải là diễn biến bất thường. Trong tuyên bố ngày 3.5, Lầu Năm Góc cho biết trong vài năm qua, cơ quan này từng phát hiện nhiều vụ tương tự.
Tuy nhiên, chỉ đến 10 năm trở lại đây, sau khi thấy được sự hữu ích của nó, quân đội các nước mới để ý đến khinh khí cầu, giáo sư thỉnh giảng Michael Clarke tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại Đại học King's College London (Anh) nói với The Washington Post.
Khí cầu gián điệp - vì sao vẫn được sử dụng trong thời đại tên lửa?
Ông James Rogers, học giả tại Đại học South Denmark (Đan Mạch) nhận định khinh khí cầu có một số ưu thế nhất định so với việc sử dụng vệ tinh hoặc máy bay không người lái. Theo ông, chúng không chỉ rẻ hơn so với việc phóng vệ tinh vào không gian mà còn thu được hình ảnh chất lượng tốt hơn nhờ vào việc chỉ hoạt động giới hạn trong bầu khí quyển và gần mặt đất.
Ông John Blaxland, giáo sư nghiên cứu tình báo và an ninh quốc tế tại Đại học Quốc gia Úc cũng đồng quan điểm trên. The Guardian dẫn lời ông cho rằng với việc vệ tinh ngày càng bị nhắm đến với sự ra đời của các vũ khí mới, khinh khí cầu đã trở sự lựa chọn được quan tâm hơn để thưc hiện các nhiệm vụ. Chúng không cung cấp mức độ giám sát liên tục giống như vệ tinh, nhưng dễ lấy hình ảnh hơn và chi phí rẻ hơn nhiều.
Theo một số ước tính, một vệ tinh có thể tiêu tốn tới 300 triệu USD trong suốt vòng đời, con số cao hơn rất nhiều so với khinh khí cầu được trang bị công nghệ cao nhất.
Theo ông Malcolm Macdonald, giáo sư và kỹ sư công nghệ vũ trụ từ Đại học Strathclyde (Scotland), khinh khí cầu có lợi thế hơn vệ tinh vì chúng linh hoạt hơn. Cụ thể, chuyển động của một vệ tinh rất dễ đoán, trong khi với khinh khí cầu thì ngược lại. So với hầu hết máy bay, khinh khí cầu có thể bay cao hơn và đôi khi không bị radar phát hiện do bay chậm. Ngoài ra, các công nghệ đi kèm hoặc màu sơn có thể giúp khinh khí cầu dễ dàng "ẩn thân", chuyên gia Clarke nhận định.
Sao Mỹ không lập tức bắn hạ?
Các quan chức Mỹ hôm 2.2 tiết lộ họ đã theo dõi quả khinh khí cầu trong vài ngày, nhưng đợi đến ngày 4.2 mới bắn hạ nó, với lý do lo ngại về khả năng các mảnh vỡ có thể rơi trúng người hoặc tài sản trên mặt đất, theo hãng tin Reuters.
Mỹ bắn rơi khinh khí cầu Trung Quốc, Bắc Kinh phản đối
Theo chuyên gia Macdonald, lo ngại về nguy cơ bị lộ khả năng phòng thủ có thể là nguyên nhân khiến Mỹ chưa vội bắn. "Nếu họ phản ứng sớm hơn thì điều này sẽ cho Trung Quốc biết rằng lực lượng phòng không của Mỹ đã nhìn thấy khí cầu. Nhưng nếu bắn hạ nó, Mỹ có thể để lộ khả năng tấn công mà nước này muốn giữ kín", ông nói.
Ngoài ra, việc bắn hạ vệ tinh của một quốc gia khác sẽ vừa khó khăn, vừa có thể báo trước một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian hoặc tệ hơn nữa, theo The Washington Post.
Ông Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Phương Đông và châu Phi thuộc Đại học London (Anh), lập luận rằng bất kỳ khinh khí cầu do thám nào cũng có thể có "ý nghĩa biểu tượng, cho thấy Trung Quốc hoàn toàn có thể thả một thứ gì đó lên không trung để khảo sát hoạt động của quân đội Mỹ".
Theo ông Tsang, Bắc Kinh đang làm điều đó bởi vì trong nhiều thập niên qua, Mỹ gửi máy bay do thám dọc theo bờ biển Trung Quốc và đôi khi bay qua không phận nước này để do thám mà Bắc Kinh không thể phản ứng. "Và bây giờ họ đã có thể", ông Tsang nói.
Bình luận (0)