17 năm mòn mỏi đòi bồi thường tai nạn giao thông

Khánh Hoan
Khánh Hoan
09/09/2020 09:33 GMT+7

17 năm qua, ông Phan Văn Cương (68 tuổi, ngụ xã Tăng Thành, H.Yên Thành, Nghệ An) liên tục đến cơ quan chức năng đề nghị buộc một nhà xe bồi thường cho vợ và con gái bị tai nạn giao thông nhưng chưa có kết quả.

Tài xế gây tai nạn bị đánh tráo

Trong đơn kêu cứu gửi Báo Thanh Niên, ông Cương cho biết, rạng sáng 30.12.2003, vợ ông là bà Trịnh Thị Lợi và con gái Phan Lan Anh đón xe khách của ông Ngô Sỹ Hoan (ngụ xã H.Diễn Châu, Nghệ An) ra Hà Nội. Khi xe đến xã Quảng Bình (H.Quảng Xương, Thanh Hóa) thì lấn làn, đâm trực diện vào xe tải chạy theo chiều ngược lại.
Vụ tai nạn khiến tài xế và 1 hành khách trên xe khách tử vong tại chỗ, 8 người, trong đó có bà Lợi và chị Anh, bị thương. Bà Lợi và chị Anh được đưa đến bệnh viện cấp cứu, sau đó được gia đình đưa ra Hà Nội cấp cứu tiếp và điều trị.
Tiếp xúc với phóng viên Thanh Niên, ông Cương cho biết, khoảng 20 ngày sau khi xảy ra tai nạn, chủ xe khách cùng 2 người đàn ông đến nhà ông, đưa 5 triệu đồng cùng một tờ giấy viết sẵn ghi nội dung bồi thường vụ tai nạn và không kiện cáo gì nữa để ông ký vào, nhưng ông không nhận tiền và cũng không ký. “Lúc đó, vợ con tôi đang bị thương nặng, chưa biết sống chết thế nào, nên tôi chưa nhận tiền”, ông Cương nói.
3 năm sau, Cơ quan CSĐT Công an Thanh Hóa thông báo trả lời đơn khiếu nại giải quyết vụ tai nạn này của bà Lợi. Theo đó, cơ quan điều tra không khởi tố vụ án, vì tài xế Lê Trung Kiên (ngụ TP.Vinh) đã chết. Nhận thấy vụ tai nạn có nhiều dấu hiệu bất thường, ông Cương đi tìm hiểu và phát hiện sự việc động trời: tài xế Lê Trung Kiên được Công an Thanh Hóa xác định “đã chết” vẫn còn sống và tài xế bị chết là Ngô Thanh Hồng (con trai chủ xe), chưa có giấy phép lái xe.
Ông Cương lập tức làm đơn tố cáo mang ra Thanh Hóa. Ngày 1.6.2007, Cơ quan CSĐT Công an Thanh Hóa khởi tố bị can đối với ông Ngô Sỹ Hoan về tội khai báo gian dối. Kết luận điều tra khẳng định, sau khi tai nạn xảy ra, vì anh Hồng chưa có giấy phép lái xe nhưng vẫn lái xe và bị tử vong trong vụ tai nạn, nên ông Hoan đã gọi điện cho người nhà đi trên xe đề nghị khai báo với công an người lái xe bị tử vong là Lê Trung Kiên (cháu vợ ông Hoan, có giấy phép lái xe) để được cơ quan bảo hiểm bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, kết luận này cũng cho rằng, anh Ngô Thanh Hồng đã tự ý lái xe đi đón khách, ông Hoan không biết nên cơ quan điều tra không khởi tố ông Hoan về hành vi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Ngày 8.11.2007, TAND tỉnh Thanh Hóa xét xử và tuyên phạt ông Hoan 15 tháng tù, cho hưởng án treo, về tội khai báo gian dối, nhưng không xem xét việc bồi thường thiệt hại cho vợ và con ông Cương, như ông Cương đề nghị.

Mòn mỏi đòi bồi thường

Ông Phan Văn Cương cho biết, sau khi tòa tuyên án nhưng không xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho vợ con ông, nên ông tiếp tục đi kêu kiện. “Vợ tôi bị thương nặng, phải nhiều lần ra Hà Nội điều trị gần 1 năm trời ở Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Mắt. Tôi phải vay ngân hàng rồi chạy vạy khắp nơi để có tiền điều trị cho vợ, con. Sau điều trị, vợ tôi 1 mắt bị hỏng hoàn toàn, mắt còn lại chỉ còn 3/10, bị rối loạn thần kinh não. Con gái tôi đang học đại học năm thứ nhất, bị tai nạn giao thông điều trị dài ngày, không được bảo lưu kết quả. Thế nhưng, họ không hề bồi thường đồng nào”, ông Cương bức xúc.
Ông Cương cũng cho biết, toàn bộ hồ sơ bệnh án, phiếu thu tiền ở bệnh viện khi vợ con ông điều trị, ông đều nộp cho cơ quan công an, nên dù đã mua bảo hiểm thân thể, vợ và con ông cũng không được bảo hiểm bồi thường.
Sau nhiều năm đề nghị mở phiên tòa xét xử bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân vụ tai nạn, yêu cầu chủ xe phải có trách nhiệm bồi thường cho gia đình, ông Cương cho biết, năm 2013, Viện KSND tỉnh Thanh Hóa hướng dẫn ông khởi kiện đòi bồi thường ra tòa án huyện.
“Sau khi Viện KSND tỉnh Thanh Hóa hướng dẫn, tôi mang hồ sơ đến tòa án các huyện: Yên Thành, Diễn Châu (Nghệ An) và Quảng Xương (Thanh Hóa) nhưng họ đều trả lời không có hồ sơ vụ tai nạn nên không thụ lý”, ông Cương kể. Ông Cương tiếp tục làm đơn gửi Viện KSND tỉnh Thanh Hóa và được chuyển đơn sang TAND tỉnh Thanh Hóa. Sau nhiều năm chờ đợi nhưng không có kết quả, ông làm đơn kêu cứu gửi Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.
Ngày 14.8 vừa qua, TAND tỉnh Thanh Hóa mới có văn bản trả lời ông Cương và hướng dẫn ông khởi kiện bằng một vụ án dân sự nơi tòa án có thẩm quyền. “Chúng tôi là nạn nhân, suốt 17 năm qua tôi đã gửi không biết bao nhiêu lá đơn, gõ cửa rất nhiều cơ quan, nhưng quyền lợi vẫn không được ai xem xét. Chúng tôi đã quá mệt mỏi!”, ông Cương không giấu được thất vọng.
Ông Phan Đăng Kỳ (ngụ xã Nhân Thành, H.Yên Thành, Nghệ An), một nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn nói trên, cũng cho biết đến nay chưa nhận được đồng nào từ chủ xe gây tai nạn. “Tôi đã nhiều lần ký tên trong đơn kêu cứu của ông Cương gửi các cơ quan chức năng đề nghị mở phiên tòa xét xử để bồi thường cho chúng tôi, nhưng vẫn chưa có kết quả”, ông Kỳ nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.