40 năm chịu thân phận bị can, chỉ được bồi thường 1.386 ngày ở tù ?

07/07/2019 10:17 GMT+7

Việc bồi thường chỉ tính khoảng thời gian 1.386 ngày, là thời gian tạm giam, chứ không tính từ thời điểm bị bắt năm 1979 đến năm 2019 được trao quyết định đình chỉ điều tra vụ việc, với tổng số 14.498 ngày ?

7 nạn nhân trong một gia đình bị bắt oan, bị giam giữ hơn 3 năm 9 tháng, khi được thả không có quyết định đình chỉ điều tra nên tiếp tục mang thân phận bị can 40 năm. Nay oan sai được minh tỏ, các nạn nhân lại tiếp tục hành trình đi đòi bồi thường với những chỉ dấu không hề suôn sẻ.

Xin lỗi, phục hồi danh dự nạn nhân oan sai 40 năm ở Tây Ninh

Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 3.7, Viện KSND tỉnh Tây Ninh làm việc với những nạn nhân mà báo phản ánh trong loạt bài Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất để giải quyết bồi thường oan sai theo yêu cầu của nạn nhân. Đại diện Viện KSND tỉnh Tây Ninh tại buổi làm việc là ông Thân Văn Danh, Trưởng phòng 8, còn các nạn nhân gồm: ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng lớn, đã được giải quyết bồi thường), Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ), Nguyễn Thị Lan, Hồ Long Chánh cùng đại diện ủy quyền. 3 nạn nhân khác là cụ Võ Thị Thương (94 tuổi), Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Thị Ngọc Lan do sức khỏe yếu không tham dự được. Riêng ông Nguyễn Thành Nghị (đã mất) do chưa hoàn thành thủ tục thừa kế nên sẽ làm đơn yêu cầu sau.

Chỉ bồi thường những ngày bị giam giữ ?

Tại buổi làm việc, ông Thân Văn Danh cho rằng số tiền bồi thường mà nạn nhân đưa ra quá cao và khó để trả theo mức đó. Ông Danh dẫn chứng trường hợp nạn nhân Nguyễn Thị Ngọc Lan yêu cầu bồi thường số tiền hơn 11,2 tỉ đồng nhưng theo cách tạm tính mà ông đưa ra, bà Lan chỉ được bồi thường 842 triệu đồng. Các nạn nhân còn lại có cùng thời gian bị bắt giam thì mức bồi thường cũng sẽ xoay quanh số tiền này. Chỉ có trường hợp ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ) thu nhập thực tế có khác thì mức bồi thường có thể hơn 1 tỉ đồng.
“Tôi tạm tính như thế để các gia đình có suy nghĩ, kể cả việc đưa ra yêu cầu. Yêu cầu như thế nào là quyền của mọi người”, ông Danh nói và cho biết thêm để tính ra được số tiền trên ông phải trăn trở, tính toán trên nhiều góc độ với mục đích muốn sớm xử lý xong vụ việc và các nạn nhân sớm được bồi thường.
Đáng lưu ý, ông Danh cho hay việc bồi thường chỉ tính khoảng thời gian 3 năm 9 tháng 14 ngày (1.386 ngày, là thời gian tạm giam - PV) chứ không tính từ thời điểm bị bắt năm 1979 đến năm 2019 được trao quyết định đình chỉ điều tra vụ việc, với tổng số 14.498 ngày, tương đương 40 năm.
Khi các nạn nhân hỏi vì sao không được bồi thường thiệt hại trong hơn 13.000 ngày mang thân phận bị can, ông Danh lý giải do luật quy định và đưa ra giả thiết có thể các nạn nhân được trao quyết định đình chỉ điều tra rồi về trình diện chính quyền địa phương nhưng sau đó vì một số lý do quyết định bị thất lạc.
Trước đó, trong đơn yêu cầu bồi thường, nạn nhân tính thời gian bị bắt giam là 1.386 ngày nếu chiếu theo luật được bồi thường gần 438 triệu đồng; thời gian mang thân phận bị can là 13.112 ngày sẽ được bồi thường hơn 1,65 tỉ đồng... Chỉ riêng hai khoản này cộng lại đã hơn 2 tỉ đồng. Các nạn nhân cho hay thời điểm ra tù (ngày 11.5.1983) đến lúc được trao quyết định đình chỉ vụ án (ngày 4.4.2019) họ vẫn mang thân phận bị can, danh dự của họ bị ảnh hưởng nên cần phải bồi thường thỏa đáng.

Bí mật vụ án oan 40 năm ở Tây Ninh

Phải tính cả thời gian mang thân phận bị can

Không như cách tính ông Thân Văn Danh đưa ra, nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng thời gian tính bồi thường cho những trường hợp trên cần bao gồm hơn 13.000 ngày mang thân phận bị can.
Ông Quách Hữu Thái, Chánh án TAND Q.2 (TP.HCM), cho biết trước khi người dân được minh oan bằng việc nhận các quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can thì những thiệt hại về vật chất (bằng chứng cứ cụ thể) và tinh thần trước đó phải được tính.
“Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được xác định là 5 ngày lương cơ sở cho 1 ngày bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù. Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại không bị bắt, tạm giữ, tạm giam hoặc chấp hành hình phạt không phải là hình phạt tù được xác định là 2 ngày lương cơ sở cho 1 ngày không bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt”, ông Quách Hữu Thái nêu và giải thích thêm “theo khoản 3, điều 22 luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2017, thì khoảng thời gian làm căn cứ xác định thiệt hại được bồi thường được tính từ ngày phát sinh thiệt hại thực tế cho đến khi chấm dứt thiệt hại đó”.
Về giả thiết ông Thân Văn Danh đưa ra “có thể các nạn nhân được trao quyết định đình chỉ điều tra rồi về trình diện chính quyền địa phương nhưng sau đó vì một số lý do quyết định bị thất lạc”, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho hay theo điều 32 luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2017, nhà nước sẽ không bồi thường các thiệt hại nếu xác định thiệt hại đó xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại. “Tuy nhiên, việc 7 người dân không nhận được các quyết định đình chỉ không phải là lỗi của họ. Thân phận bị can của họ chỉ chấm dứt khi họ được nhận các quyết định đó. Còn Viện KSND tỉnh Tây Ninh cho rằng có thể các nạn nhân đã được trao quyết định đình chỉ điều tra nhưng bị thất lạc thì họ phải chứng minh việc cơ quan tố tụng đã trao quyết định vào thời gian nào, ai là người ký nhận các quyết định đó, và nếu gửi bằng đường bưu điện thì phải có giấy tờ liên quan hoặc đã niêm yết tại địa phương”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, luật sư Lê Quang Vũ, Đoàn luật sư TP.HCM, cũng cho rằng hơn 13.000 ngày mang thân phận bị can của các nạn nhân phải được xác định là thiệt hại thực tế và các cơ quan tố tụng phải tính cho người dân. “Nếu giữa các bên không thỏa thuận được với nhau thì 7 người dân có quyền khởi kiện Viện KSND tỉnh Tây Ninh ra tòa án, yêu cầu được bồi thường. Tuy nhiên, việc thỏa thuận bồi thường cần được ưu tiên và cơ quan tiến hành tố tụng nên lắng nghe ý kiến của người bị thiệt hại, phục hồi quyền lợi tốt nhất trên cơ sở luật quy định”, luật sư Vũ nói.

Chỉ trao quyết định đình chỉ điều tra khi cấp trên chỉ đạo làm rõ vụ việc

Liên quan vụ án oan sai, Báo Thanh Niên có loạt bài Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất chỉ ra những sai sót trong “vụ cướp năm chỉ vàng” xảy ra năm 1979 tại nhà máy xay xát ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, H.Trảng Bàng (Tây Ninh). 8 nạn nhân trong một gia đình bị bắt oan đến ngày 11.5.1983 được thả, nhưng chỉ ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng lớn) có quyết định đình chỉ điều tra, những người còn lại mang thân phận bị can suốt gần 40 năm, gia đình chịu cảnh ly tán, tài sản tan hoang. Trong thời gian này, các nạn nhân đã nhiều lần làm đơn đề nghị Viện KSND tỉnh Tây Ninh trích lục quyết định đình chỉ điều ra để làm cơ sở đòi bồi thường nhưng không được chấp nhận.
Sau loạt bài Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất, nhiều cơ quan chức năng, đại biểu Quốc hội... vào cuộc, đề nghị làm rõ oan sai và đặc biệt là sự chỉ đạo làm rõ vụ việc từ Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí, ngày 4.4.2019, Viện KSND tỉnh Tây Ninh mới trao quyết định đình chỉ điều tra cho 7 nạn nhân còn lại.
Trung Hiếu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.