Hơn 24 giờ sau khi vụ nổ kinh hoàng khiến 9 người bị sát thương xảy ra tại huyện Đăk Glei (Kon Tum), các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum vẫn đang tích cực điều trị cho các nạn nhân.
Chiếc đe tử thần
Trao đổi với chúng tôi bên hành lang bệnh viện, anh A Viên (38 tuổi, trú thôn Đăk Nớ, xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei) cho biết trong vụ nổ xảy ra ngày 8.11, 9 người bị thương đều là chị em, họ hàng của anh.
|
Hướng đôi mắt mỏi mệt về phía giường bệnh chị gái, anh A Viên nhớ lại, nhiều năm trước, cha anh là ông A Đang lên rừng nhặt được 1 đầu đạn pháo 105 mm đã tháo thuốc nổ. Thấy phần đuôi đạn bằng phẳng nên ông Đang cắm đầu xuống đất, lấy phần đuôi làm đe. Nhiều năm nay gia đình ông vẫn dùng cái đe này để sửa chữa nông cụ. Mọi người vẫn nghĩ rằng đầu đạn này không thể nổ.
Ngày 7.11 nhà anh A Viên tổ chức lễ thôi nôi cho cháu. Đến sáng 8.11 cả nhà quây quần lại dọn dẹp nhà cửa, rửa chén đũa sau ngày vui của gia đình. Dọn dẹp xong xuôi, những người phụ nữ nhóm lửa sưởi ấm ở bên cạnh quả đạn pháo. Hôm ấy gió lạnh, 7 người phụ nữ và 2 đứa trẻ ngồi túm tụm với nhau.
Bỗng trong bếp lửa phát ra tiếng nổ lớn. Vài mảnh pháo xé không khí rít lên những tiếng ghê rợn. Bụi đất tung lên bầu trời xám xịt. Khói thuốc nổ phủ kín một khoảng trời.
“Mình đang đứng xem người ta tháo rạp thì nghe tiếng nổ lớn. Đất đá văn lên mái tôn rầm rầm, 3 căn nhà liền kề nhau nghiêng ngả. Mình liền chạy về phía phát ra tiếng nổ thì thấy 9 người nằm la liệt dưới đất. Mùi thuốc nổ khét lẹt, khói đen che kín một khoảng không nhìn thấy gì. Mình đánh liều vào cõng từng người ra bên ngoài. Những người còn khỏe thì tự bò ra khỏi hố bom”, anh A Viên nhớ lại.
Sau khi đưa người thân ra ngoài, anh A Viên liền liên hệ với chính quyền địa phương đưa người nhà đi cấp cứu. Cả làng nghe thấy tiếng nổ cũng kéo nhau đến phụ giúp.
Tìm con trong khói lửa
Nằm bất động trên giường bệnh, chị Y Thim (18 tuổi, Đăk Nớ, xã Đăk Nhoong) khẽ rướn đôi mắt nhìn khách. Lâu lâu chị lại nhăn mặt vì cơn đau hành hạ. Sau vụ nổ, chị bị gãy xương chậu, bỏng cánh tay phải.
|
Vẫn chưa hết bàng hoàng, chị Y Thim kể: “Mình vừa mới bế con lại gần bếp lửa thì nghe tiếng nổ rền trời. Lúc đó tất cả mọi thứ trong bếp bay lên. Mình choáng váng ngã xuống đất, mắt cay xè không thấy gì cả, tai ù đi một lúc sau mới hết. Mình nghe con khóc thét nên cố đứng dậy, nhưng chân đau, nặng trịch không thể nhấc lên nổi. Sau đó chừng 5 phút mình mọi người đưa đến bệnh viện cấp cứu. Đến giờ nghĩ lại mình vẫn còn sợ, không nghĩ rằng hai mẹ con còn sống”.
Với vết thương gãy tay trái, bỏng vùng bụng, chị Y Thước (40 tuổi) liên tục chảy nước mắt khi nghĩ đến đứa con nhỏ Y Thị Trâm 22 tháng tuổi của mình. Cháu Trâm là nạn nhân bị nặng nhất trong số 9 nạn nhân của vụ nổ và đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc.
Nhớ lại vụ nổ, chị Thước run run nói: “Hôm qua (8.11), do lạnh quá nên mình địu con trên lưng rồi vào bếp sưởi ấm. Nào ngờ bếp phát nổ, người mình bị văng qua một đoạn. Khi đó, mình vẫn tỉnh nhưng tai mình ù, mắt không nhìn thấy gì nên chỉ biết mò mẫm trong bụi đất tìm con. Lâu lâu mình lại nghe tiếng con khóc ré lên, rồi mình ngất lịm lúc nào không hay. Khi tỉnh lại ở bệnh viện mình hay tin con đang nguy kịch. Giờ mình chỉ muốn được gặp con nhưng chân, tay, bụng và mặt mình đau lắm, không thể cử động được”.
|
Theo thông tin ban đầu, trong số 9 nạn nhân vụ nổ đầu đạn xảy ra ở làng Đăk Nớ, xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei vào ngày 8.11, có 3 nạn nhân đang điều trị tại Trung tâm y tế huyện Đăk Glei, 1 nạn nhân đang điều trị tại bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi. Riêng 5 nạn nhân bị thương nặng được chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cấp cứu.
Đến sáng 9.11, nạn nhân bị thương nặng nhất trong vụ nổ đầu đạn là bé gái Y Thị Trâm, 22 tháng tuổi vẫn đang trong tình trạng hôn mê, sức khỏe rất nguy kịch. Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cho biết cháu Y Thị Trâm bị vết thương sọ não hở, cộng với vết thương vùng hàm mặt.
Về tình hình sức khỏe 4 nạn nhân khác là chị Y Thim (18 tuổi), cháu Y Thu Hà (12 tháng tuổi), chị Y Thước (40 tuổi) và chị Y Hội (26 tuổi) đang được điều trị tại Khoa Ngoại chấn thương của bệnh viện.
Bác sĩ Trần Xuân Hậu, Khoa ngoại chấn thương, cho biết: “Trong 4 ca điều trị tại khoa có bệnh nhân Y Thim bị thương nặng. Cụ thể bệnh nhân này bị đa tổn thương, gãy khung chậu. Ca này hiện tại chúng tôi đã xử lý các vết thương rồi và đang theo dõi một cách chặt chẽ để đánh giá hội chẩn điều trị tiếp theo. Các ca còn lại những vết thương bình thường và bỏng đã được xử lý hiện tại bệnh nhân ổn định”.
Bình luận (0)