Án hành chính: Trước pháp luật, dân và 'quan' đều bình đẳng

Phan Thương
Phan Thương
06/09/2019 15:10 GMT+7

Án hành chính được hiểu nôm na là dân kiện 'quan' và để tòa phán quyết 'quan' thua là rất khó do e dè, nể nang. Nhưng nguyên tắc trước pháp luật , dân và lãnh đạo đều bình đẳng.

Ngày 6.9, Viện KSND (VKS) cấp cao tại TP.HCM  tổ chức hội nghị chuyên đề một số vấn đề về ban hành quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai tại các tỉnh, TP phía Nam thông qua công tác kiểm sát của VKS về giải quyết vụ án hành chính trong 5 năm (1.7.2014 - 31.6.2019).

Tỉ lệ tòa tuyên hủy quyết định hành chính trên 13%

Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Thái, Phó viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP. HCM cho biết phần nhiều các vụ án hành chính trong lĩnh vực đất đai hiện nay do cấp tỉnh xét xử sơ thẩm và tòa án cấp cao xét xử phúc thẩm, vì vậy VKS và TAND cấp cao tại TP. HCM tiếp xúc với loại án này rất nhiều.
Trong 5 năm vừa qua, TAND cấp cao tại TP.HCM đã xét xử hơn 2.300 vụ án hành chính, trong đó có 1.807 vụ khiếu kiện quyết định hành chính (QĐHC) của UBND và Chủ tịch UBND trong lĩnh vực quản lý đất đai. Kết quả xét xử có 236/1.807 vụ hủy QĐHC, chiếm tỷ lệ 13,1%. Nguyên nhân dẫn đến việc tòa tuyên hủy QĐHC, theo VKS, phần lớn do áp dụng pháp luật không đúng. VKS liệt kê hàng loạt vi phạm, chủ yếu vi phạm trong lĩnh vực cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất; vi phạm trong lĩnh vực thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; vi phạm trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại về tranh chấp đất đai; vi phạm trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành. 
Ngoài ra, VKS cũng “vạch” ra nguyên nhân vi phạm, thiếu sót khi ban hành QĐHC dẫn đến tòa án tuyên hủy quyết định. Trong đó, nguyên nhân khách quan là do quy định về thu hồi đất, cơ chế thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn nhiều bất cập; giá đất, giá đền bù thấp so với thực tế. Bên cạnh đó, VKS cấp cao tại TP.HCM chỉ ra nguyên nhân của thực trạng này là do trình độ năng lực, nhận thức và trách nhiệm của lãnh đạo UBND các cấp và các cơ quan tham mưu ban hành QĐHC chưa đảm bảo.

Khiếu kiện, khiếu nại về đất đai luôn "nóng"

Ông Ngô Minh Châu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cũng thừa nhận các khiếu nại, khiếu kiện về QĐHC tăng nhanh là vấn đề nóng, phức tạp nhất trong án hành chính.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu nhận định khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai luôn "nóng" nhất

Ảnh: Phi Sơn

Theo ông Châu, qua rà soát QĐHC tại TP.HCM bị tòa tuyên hủy thì sai phạm chủ yếu do trước đây, việc cấp giấy chứng nhận được thực hiện đại trà; cán bộ chuyên môn thiếu kiểm tra và đo đạc thực tế, dẫn đến sai sót trong quá trình cấp giấy chứng nhận cho người dân và phát sinh khiếu nại, khiếu kiện; người dân không đồng ý với giá bồi thường, hỗ trợ…
Để hạn chế việc QĐHC bị hủy, ông Châu cho rằng nên xây dựng, thực hiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và UBND trong giải quyết vụ án hành chính. 
Là tỉnh thứ 3 có án hành chính bị hủy thấp nhất, ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Sai sót khác có thể không lớn nhưng sai sót trong loại hình này thì hậu quả cực lớn. Vì vậy, chúng tôi cũng đưa bộ phận tham mưu vào việc đánh giá công vụ mỗi năm”.
Để hạn chế việc khiếu nại, khiếu kiện và án hủy thấp, theo ông Vĩnh, cần quan tâm đến giá bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân. "Nếu làm tốt 2 công tác này, phân bổ hợp lý, phù hợp thì tỉ lệ khiếu nại, khiếu kiện bớt “nóng”, ông Vĩnh nói.

Xử lý không tốt, tiềm ẩn án hình sự

 
Còn theo ông Trần Công Phàn, Phó viện trưởng VKS tối cao, dựa vào số liệu cho thấy án hành chính liên quan đến quản lý đất đai luôn tăng; có những năm tăng đột biến. “Nếu xử lý không tốt, không khéo sẽ ảnh hưởng xấu đến tác động xã hội, những điểm “nóng” không tốt, và là tiềm ẩm cho cả những vụ án hình sự”, ông Phàn khẳng định.

Phó viện trưởng VKS tối cao khẳng định trước pháp luật người dân và "quan" là bình đẳng.

Ảnh: Phi Sơn

Ông Phàn nói, các vụ án hành chính được hiểu nôm na là dân kiện "quan" và để tòa án phán quyết "quan" thua là rất khó do e dè, nể nang. “Nhưng nguyên tắc trước pháp luật, dân và lãnh đạo đều bình đẳng”, ông Phàn nhấn mạnh và cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng cùng lãnh đạo UBND các tỉnh cần phối hợp chặt chẽ hơn. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.