Ảnh hưởng dịch Covid-19, doanh nghiệp có được miễn trách nhiệm dân sự trong hợp đồng ?

Phan Thương
Phan Thương
14/04/2020 11:23 GMT+7

Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nếu doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ hợp đồng do dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến sản xuất thì có buộc phải bồi thường?

Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp phải ngưng hoạt động dẫn đến thiệt hại đồng thời ảnh hưởng đến tiến độ trong hợp đồng hợp tác. Trong trường hợp này, nếu 1 bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng do dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến sản xuất thì có buộc phải bồi thường hay không?
Về việc này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, cho biết theo khoản 1 Điều 156 bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Hậu quả pháp lý trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng được quy định tại khoản 2 Điều 351 BLDS rằng bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, căn cứ các quy định nêu trên, một sự kiện được coi là bất khả kháng nếu: xảy ra khách quan, không thể lường trước được, và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Vậy dịch bệnh Covid-19 có được cho là "sự kiện bất khả kháng" hay không? Luật sư Nguyễn Văn Hậu phân tích, ngày 29.1.2020, Bộ Y tế đã ký quyết định bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Theo đó, các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 gồm những bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Theo tình hình hiện nay, dịch bệnh Covid-19 có mức độ lây lan nhanh, thuộc trường hợp khẩn cấp toàn cầu. Đồng thời, dịch bệnh này đã được Thủ tướng công bố tại Quyết định số 173/QĐ-TTg và hiện chưa có thông báo hết dịch.
Đáng lưu ý, luật sư Hậu cho hay, theo tình hình hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều lĩnh vực của nước ta như: dừng các hoạt động du lịch, kinh tế, xuất khẩu…; cách ly xã hội dẫn đến việc người lao động nghỉ làm, học sinh, sinh viên nghỉ học, thầy cô giáo nghỉ dạy… Có thể thấy, những ảnh hưởng đến các hoạt động này là không thể khắc phục được.
“Covid-19 có thể đã đáp ứng đầy đủ cả ba điều kiện cơ bản nêu trên để được xem là một sự kiện bất khả kháng theo quy định của BLDS 2015 đối với các hợp đồng được giao kết trước khi xảy ra dịch Covid-19. Tuy nhiên, cũng cần xác định rõ trong hợp đồng đã ký trước đó các bên có thỏa thuận về điều khoản xác định dịch bệnh là trường hợp bất khả kháng và quy định cách thức giải quyết quyền lợi của các bên hay không? Bên cạnh đó, các bên cần phải xem lại hợp đồng của mình quy định gì về hậu quả khi xảy ra sự kiện bất khả kháng. Bên bị ảnh hưởng có nghĩa vụ thông báo cho bên kia không. Sau đó các bên có quyền được gia hạn hợp đồng cho một khoảng thời gian quy định tại hợp đồng. Hết thời hạn này mà sự kiện bất khả kháng vẫn tồn tại thì một hoặc các bên có quyền chấm dứt hợp đồng hay không?”, luật sư Nguyễn Văn Hậu nêu.
Để đảm bảo sức khỏe cho công nhân và phòng chống dịch bệnh Covid-19, đầu giờ chiều 13.4, UBND TP.HCM đã trao quyết định tạm đình chỉ hoạt động sản xuất trong 2 ngày (14 - 15.4) đối với Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.