Thuế đất tăng hàng chục lần
Tính toán con số trên được PV Thanh Niên thực hiện dựa trên các số liệu Bộ Tài chính cung cấp.
Cụ thể, theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Phạm Đình Thi và tại dự thảo tờ trình của Bộ Tài chính gửi Chính phủ, thuế thu hàng năm trong quá trình sử dụng tài sản chỉ chiếm khoảng 0,036 % GDP và mới chỉ điều tiết đối với đất (qua thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế sử dụng đất nông nghiệp).
Như vậy, với GDP năm 2017 là hơn 5 triệu tỉ đồng, “thuế tài sản” mà người dân phải nộp là khoảng 1.800 tỉ đồng.
|
Tuy nhiên, cũng theo tính toán của Bộ Tài chính, mức thấp nhất ngân sách có thể thu được từ thuế tài sản nếu dự thảo luật Thuế tài sản của Bộ được thông qua là 22.700 tỉ đồng và mức cao nhất là 31.000 tỉ đồng, tương đương tăng từ 1.200 % - 1.700 % so với mức 1.800 tỉ đồng hiện nay. Điều này tương đương với việc người dân sẽ phải đóng thêm từ 20.900 tỉ đồng đến 29.200 tỉ đồng nữa.
Con số tăng chóng mặt như vậy vì sao? Vì Bộ Tài chính đã tăng thuế đất lên cả chục lần. Theo luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010, diện tích đất trong hạn mức chỉ phải đóng mức thuế suất 0,03 %, nay thuế suất đã tăng lên 0,3 % - 0,4% đối với đất ở; từ 0,23 % - 0,3 % với đất sản xuất kinh doanh, 0,39 - 0,52 % đối với đất nhà hàng.
Do vậy, ngay cả khi dự thảo của Bộ Tài chính “hào phóng” đưa những trường hợp phải nộp thuế dưới 50.000 đồng vào diện miễn thuế (hiện nay vài nghìn đồng cũng thu), thì mức thu ngân sách vẫn tăng rất cao, đồng nghĩa với mức đóng góp của người dân tăng chóng mặt.
Trong khi dư luận đang tập trung vào việc đánh thuế căn nhà đầu tiên, mức thuế suất tăng đối với đất chưa thu hút được sự chú ý đáng kể. Tuy nhiên, điểm phát sinh mức đóng góp chính sẽ từ thuế đất, chứ không phải thuế nhà. Theo ông Phạm Đình Thi, trong số 22.700 tỉ đến 31.000 tỉ dự kiến thu được, chỉ có khoảng 700 tỉ đồng từ thuế nhà, còn lại là thuế đất.
Căn hộ chung cư 100 m2 khu Láng Hạ sẽ phải nộp thuế 5,8 triệu/năm
Sau khi đề nghị thu thuế tài sản của Bộ Tài chính đưa ra, khá nhiều người lo ngại việc phải đóng thuế, bởi ở các đô thị lớn, rất ít căn hộ chung cư dưới 700 triệu đồng.
Tin mừng là giá mua nhà không phải giá để tính thuế. Tin không mừng là cho dù như vậy, chủ các căn hộ chung cư vẫn có thể phải nộp thuế, vì ngưỡng 700 triệu đang được nhiều chuyên gia cho là chưa có cơ sở và khá thấp, sẽ “tận thu” đến cả những người nghèo.
Theo lý giải của Bộ Tài chính, giá tính thuế đối với căn hộ chung cư sẽ gồm 2 phần: giá đất + giá nhà. Giá đất sẽ được tính bằng diện tích căn hộ x hệ số 0,2 (là hệ số do Bộ Tài chính đặt ra và chưa lý giải căn cứ - PV) x giá 1 m2 đất do UBND cấp tỉnh công bố tại thời điểm tính thuế. Giá nhà sẽ là diện tích căn hộ x giá 1 m2 nhà xây dựng mới theo từng cấp, hạng nhà do UBND cấp tỉnh quyết định, căn cứ trên suất vốn đầu tư xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành.
Đối với nhà đã qua sử dụng, giá tính thuế sẽ là giá trị nhà tính theo công thức trên x tỷ lệ chất lượng còn lại của nhà do UBND cấp tỉnh ban hành theo thời gian sử dụng nhà tại thời điểm tính thuế (hiện nay, UBND cấp tỉnh đang ban hành tỷ lệ chất lượng còn lại của nhà để tính lệ phí trước bạ đối với nhà).
Để đảm bảo tính ổn định của giá tính thuế, thuận lợi cho người nộp thuế trong việc kê khai thuế, Bộ Tài chính đề nghị quy định giá tính thuế được ổn định 5 năm.
Để dễ hình dung hơn, ví dụ một người sở hữu căn hộ chung cư cao cấp 100 m2 tại Láng Hạ, nơi UBND TP.Hà Nội công bố giá đất áp dụng đến 2019 là 74 triệu đồng/m2, suất vốn đầu tư chung cư trên 20 tầng Bộ Xây dựng ban hành năm 2017 là 10,81 triệu đồng/m2, giá tính thuế của căn hộ sẽ là: 100 x 0,2 x 74 + 100 x 10,81 = 2,561 tỉ đồng. Như vậy, sau khi trừ định mức miễn thuế 700 triệu đồng, số thuế chủ căn hộ phải nộp sẽ là hơn 5,8 triệu đồng/năm.
Cũng cần phải nói là với cách tính này, căn hộ bình dân ở ngách A ngõ B Láng Hạ giá 3 tỉ đồng cũng sẽ phải đóng thuế ngang căn hộ cao cấp mặt đường Láng Hạ 10 tỉ đồng.
Giảm nợ đọng thuế, giảm chi, thay vì chỉ tận thu thuế
“Bộ Tài chính cần đưa ra những lý do thuyết phục hơn về cơ sở đưa ra ngưỡng 700 triệu và thuế suất 0,3 - 0,4 % và phải đánh giá được tác động của chính sách, về ngân sách, tính khả thi, đảm bảo công bằng, tác động đến đời sống của người dân. Căn cứ đưa ra đã phù hợp hay chưa?
Hiện có thể nhìn thấy bất cập là đánh cùng một mức đối với các công trình xây dựng kể cả nó ở vị trí đắc địa hay trong ngõ. Cần đảm bảo nguyên tắc của việc đánh thuế tài sản là phải công khai, minh bạch và công bằng. Tăng thuế chỉ là giải pháp cuối cùng thôi, Bộ Tài chính phải làm rất nhiều giải pháp khác, liên quan đến tận thu thuế, giảm nợ đọng thuế, giảm chi, cơ cấu lại nguồn chi” (TS Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường đào tạo cán bộ BIDV)
|
Bình luận (0)