Bài học cứu hộ thuyền viên tàu Vietship 01

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
12/10/2020 05:59 GMT+7

Từ bài học cứu hộ thuyền viên tàu Vietship 01, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết lâu nay địa phương có tổ chức cứu hộ cứu nạn, nhưng tình huống thực tế quá khác biệt, diễn biến mưa lũ cũng khó lường...

Khi loa phóng thanh của tổ chỉ huy cứu nạn tiền phương thông báo “Trực thăng đã đưa toàn bộ người trên tàu Vietship 01 lên máy bay an toàn. Kết thúc cứu nạn!”, niềm vui vỡ òa đối với hàng nghìn người có mặt trên bờ biển dõi theo công tác cứu hộ từng phút giây.
Lúc đó, đồng hồ chỉ 9 giờ 15 ngày 11.10.

26 giờ đối diện Thần Chết của ngư dân dũng cảm kẹt trên tàu Vietship 01

3 ngày và 30 phút

Như Thanh Niên đã thông tin, tàu Vietship 01 neo ở khu vực cảng Cửa Việt (H.Gio Linh, Quảng Trị) bị nước lũ cuốn trôi ra biển, mắc cạn ở khu vực cách biển Triệu An (H.Triệu Phong) khoảng 1 km. Ban đầu, trên tàu có 12 thuyền viên, sau đó 4 thuyền viên bơi được vào bờ. Trong 2 ngày 9 - 10.10, lực lượng cứu hộ của tỉnh Quảng Trị đã tìm mọi cách để cứu 8 thuyền viên còn lại nhưng bất lực, thậm chí 1 người trong đội cứu hộ đã mắc kẹt lại trên tàu. Đến đêm 10.10, trên nóc tàu chỉ còn 7 thuyền viên và 1 người trong đội cứu hộ. Một thuyền viên bị sóng đánh ra xa, đến chiều 10.10 thi thể được phát hiện ở bãi biển Hải An, H.Hải Lăng (Quảng Trị).

Thủ tướng khen ngợi các lực lượng cứu hộ  

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện khen ngợi các lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ các thuyền viên bị mất tích, mắc kẹt trên vùng biển Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị.
Công điện nêu rõ: Trong những ngày vừa qua, do sóng to, gió lớn, một số thuyền viên bị mất tích và mắc kẹt trên tàu Vietship 01 tại vùng biển cảng Cửa Việt. Ngay sau khi sự cố xảy ra, công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ đã được thực hiện từ phía các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Quảng Trị, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT, Quân khu 4 và toàn thể các lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ của các bộ, ngành, cơ quan, đặc biệt là sự tham gia tích cực, hiệu quả của nhân dân dân địa phương… Đến sáng 11.10, lực lượng đặc công nước và tổ bay trực thăng của Bộ Quốc phòng đã cứu hộ thành công toàn bộ các thuyền viên vị kẹt trên tàu Vietship 01, đưa về bờ an toàn.
Thủ tướng Chính phủ biểu dương, khen ngợi tinh thần dũng cảm, không quản ngại hiểm nguy của các lực lượng tìm kiếm cứu nạn và nhân dân địa phương nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi gặp sự cố trên biển…
TTXVN

Rơi nước mắt trong giây phút cứu được toàn bộ người trên tàu Vietship 01

Đêm 10.10 trở nên rất dài, không chỉ đối với 8 người ướt sũng, lay lắt hy vọng trên con tàu Vietship 01 chìm ngoài biển, mà còn đối với thân nhân và rất nhiều người dân Quảng Trị. Sáng qua 11.10, công tác cứu hộ được triển khai sớm, dù biển động dữ dội, sóng tung đục ngầu. Từ nhiều ngả đường, hàng ngàn người dân đứng tràn từ đồi cát ra bờ biển quan sát lực lượng cứu nạn “dàn trận”.
So với 3 ngày trước, công tác cứu hộ sáng 11.10 diễn ra nhanh hơn, phần nhiều do có thêm lực lượng đặc công nước và trực thăng của quân đội tham gia. Lực lượng “người nhái” xuất kích trước. Khoảng 8 giờ 30, tốp 3 người nhái của Lữ đoàn 126 Hải quân mặc áo phao, lao thẳng ra biển. Họ chìm nổi trên con sóng đục ngầu rồi dần tiếp cận tàu Vietship 01, “cõng” 1 người từ tàu, khoảng 30 phút sau thì dìu nạn nhân vào đến bờ. Một đặc công nước tự tin: “Chúng tôi được huấn luyện và bơi trong điều kiện sóng cấp 6, cấp 7 này là rất bình thường”.
Bài học cứu hộ thuyền viên tàu Vietship 01

Lực lượng đặc công nước cứu hộ đưa người từ tàu Vietship 01 vào bờ

Trong khi đó, lực lượng trực thăng xuất hiện tại hiện trường muộn hơn, vào khoảng 8 giờ 50, nhưng tỏ rõ sự hiệu quả. Chuyến bay đầu tiên mất chừng 10 phút để hoàn thành loạt thao tác thả nhân viên cứu hộ theo dây, kéo người bị nạn lên trực thăng... Các chuyến sau thông suốt hơn. Mỗi lần trở lại, trực thăng cứu hộ chỉ mất 2 phút để cứu người. Chưa hết, vào “cú chót”, trực thăng thậm chí đã cứu cùng lúc 4 người. Tính ra, chưa đầy 20 phút xuất hiện trên hiện trường, trực thăng đã đưa được 6 người mắc kẹt trên tàu vào bờ.
Trong 8 người được cứu, 1 người sức khỏe yếu được chuyển cấp cứu.

Gian nan cứu nạn thuyền viên bám ống khói tàu Vietship 01 sắp chìm

Phải tính đến lực lượng cứu hộ cứu nạn tinh nhuệ, hiện đại hơn

Ngay sau khi kết thúc cuộc cứu nạn, các lực lượng chức năng tham gia ứng cứu và chính quyền tỉnh Quảng Trị đã tổ chức họp ngay tại bãi biển để rút kinh nghiệm.
Theo ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, lâu nay địa phương có tổ chức cứu hộ cứu nạn, nhưng tình huống thực tế quá khác biệt, diễn biến mưa lũ cũng khó lường. Cho nên dù người dân, các cấp chính quyền địa phương đã huy động toàn bộ người, phương tiện sẵn có, đặc biệt là sử dụng kinh nghiệm của các ngư dân ra để ứng cứu thuyền viên nhưng không thực hiện được. Phải đến khi có trực thăng và lực lượng đặc công nước, thì cuộc cứu nạn mới thành công.
“Đây là một bài học kinh nghiệm về công tác chủ động, trang bị thêm các thiết bị cơ sở vật chất, đào tạo cho những lực lượng cứu hộ cứu nạn tinh nhuệ hơn, hiện đại hơn để ứng cứu cho những tình huống sau này”, ông Đồng nói.

Những người hùng thầm lặng

Công lao của lực lượng cứu nạn (đặc biệt là trực thăng quân đội và đặc công nước) trong cuộc giải cứu nghẹt thở này đã rõ. Nhưng với rất nhiều người quan tâm, họ nhận thấy còn có những anh hùng khác, bình dị hơn, đó là những ngư dân địa phương. Họ có thể thiếu thốn phương tiện, nhưng lại dư thừa sự dũng cảm.
Đến sáng 11.10, ngư dân Trần Văn Cường (28 tuổi, trú xã Gio Việt, H.Gio Linh) vẫn đang mắc kẹt trên tàu Vietship 01 khi tham gia cứu hộ hôm 10.10. Chị Trần Thị Vân (chị ruột của ngư dân Cường) không giấu được nỗi lo lắng… Nhưng tất cả vẫn không ngăn được những ngư dân khác tiếp tục lao ra biển để cùng góp sức tìm cách cứu những người bị nạn.
PV Thanh Niên chứng kiến một phụ nữ ôm chặt chồng đang mang sẵn áo phao tỏ ý can ngăn, nhưng rồi chị đã “thất bại”. Người chồng đã nhanh chóng theo lực lượng đặc công nước lao ra biển đón lấy người bị nạn đầu tiên… 
Khi PV Thanh Niên đặt câu hỏi vì sao từ đêm 8.10 chính quyền tỉnh Quảng Trị đã đề nghị ứng cứu bằng trực thăng nhưng đến chập tối 10.10 trực thăng mới đến hiện trường, ông Hà Sỹ Đồng cho biết tại thời điểm địa phương đề xuất (đêm 8.10), đại diện của đơn vị tìm kiếm cứu hộ cứu nạn T.Ư trả lời do thời tiết, do tình hình diễn biến thực tế nên trực thăng chưa đáp ứng được. Phải chờ điều kiện thuận lợi hơn, khi đó mới có thể giúp được, nên việc điều động trực thăng có sự chậm đi. Trong khi đó, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết ngay từ ban đầu tỉnh Quảng Trị đã rất chủ động để đề ra những giải pháp cứu hộ, trong đó tối ưu nhất là trực thăng. “Tuy nhiên, việc điều như thế nào là thẩm quyền của T.Ư, họ còn có nhiều thứ phải cân nhắc”, ông Hưng nói.

Điều kiện khí tượng không đảm bảo cho trực thăng sớm cứu nạn 

Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 11.10, đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), cho biết trong các vụ cứu hộ cứu nạn từ trước đến nay, việc Bộ Quốc phòng điều động máy bay trực thăng thì phải căn cứ vào tình huống thực tế cụ thể, chứ không thể chỉ dựa vào đề nghị từ phía các địa phương. Quyết định bay được hay không, cần có ý kiến của cơ quan chuyên môn, ở đây trực tiếp là Quân chủng Phòng không - Không quân.
“Bộ Quốc phòng sẵn sàng điều động máy bay trực thăng, nhưng quyết định bay thuộc về Quân chủng Phòng không - Không quân. Còn ở thời điểm ấy (ngày 8.10) điều kiện khí tượng, sóng gió khu vực hiện trường quá phức tạp, không đảm bảo an toàn cho máy bay trực thăng bay treo để cứu nạn”, ông Hùng nói.
Cũng theo đại tá Nguyễn Hữu Hùng, khi điều kiện thời tiết thuận lợi, lúc 14 giờ 45 ngày 10.10, Bộ Quốc phòng đã điều máy bay trực thăng EEC-155 B1 cùng kíp bay từ Hà Nội mang lương thực, nước uống và các trang bị cứu sinh vào Quảng Trị để cứu các thuyền viên.
Phan Hậu
Tại bãi biển Triệu An, ngay sau khi kết thúc cứu hộ, thiếu tướng Trần Văn Sơn, Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đánh giá thêm: “Nhiều tình huống trên biển có thể xảy ra, đặc biệt đây là tàu chở hàng. Phát huy các phương tiện mà chúng ta có, thì trực thăng và đặc công nước đã phát huy hiệu quả rất tốt khi cứu nạn trên biển, có sóng cấp 6, cấp 7”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.