Bắt đầu chiến dịch tiêm vắc xin lớn nhất tại TP.HCM

20/06/2021 06:26 GMT+7

Sáng qua 19.6, UBND TP.HCM phối hợp Bộ Y tế khởi động chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 trên địa bàn TP.HCM tại Khu công nghệ cao (TP.Thủ Đức).

Đây là chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 lớn nhất trong 4 đợt dịch, với mục tiêu hết năm 2021 sẽ có 2/3 người dân ở TP.HCM được tiêm vắc xin.

TP.HCM đã bắt đầu chiến dịch tiêm 836.000 liều vắc xin Covid-19

Trước 27.6 tiêm xong 836.000 liều

Theo phân bổ của Chính phủ, có 836.000 liều vắc xin Covid-19 được vận chuyển vào TP.HCM. Trong đó, 786.000 liều dùng tiêm cho các đối tượng thuộc Nghị quyết 21 ngày 26.2.2021 của Chính phủ và 50.000 liều thuộc đối tượng bộ đội, công an trên địa bàn TP.HCM. Đối với kế hoạch tiêm chủng lần này, cùng với các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21, TP.HCM dự kiến thực hiện tiêm chủng miễn phí cho các đối tượng như: người cung cấp dịch vụ thiết yếu, giáo viên, người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, người trên 65 tuổi, công nhân các KCN, KCX... với tổng số lượng khoảng 1 triệu người.
Tiêm vắc xin Covid-19 cho công nhân tại Khu công nghệ cao TP.HCM vào sáng 19.6 ẢNH: ĐỘC LẬP

Tiêm vắc xin Covid-19 cho công nhân tại Khu công nghệ cao TP.HCM vào sáng 19.6

ẢNH: ĐỘC LẬP

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế, TP.HCM huy động tổng lực ngành y tế (cả công và tư), tổ chức các điểm tiêm với số lượng 650 điểm tiêm/ngày, mục tiêu trước 27.6 tiêm xong 836.000 liều vắc xin AstraZeneca đợt này theo phương châm tiêm tới đâu an toàn tới đó.

TP.HCM đã nhận tổng cộng bao nhiêu liều vắc xin Covid-19, đã tiêm cho những ai?

Doanh nghiệp, công nhân yên tâm

Sau lễ khởi động, công nhân của 2 doanh nghiệp (DN) được tiêm đầu tiên gồm Công ty TNHH Nipro VN và Công ty FPT với khoảng 1.000 người. Theo ghi nhận, công tác tổ chức tiêm nhanh gọn, đảm bảo an toàn.
Để rút ngắn thời gian làm các thủ tục hành chính trước khi tiêm, đồng thời giúp đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19, Sở Y tế cũng lưu ý công nhân ăn uống đầy đủ và mặc áo ngắn tay khi đi tiêm; khai báo y tế trong vòng 24 giờ và chụp màn hình kết quả trước khi đến địa điểm tiêm; đem theo giấy tờ tùy thân (CMND/CCCD/hộ chiếu) để xác thực nhân thân, tuân thủ 5K.
Chia sẻ với PV Thanh Niên khi mới tiêm xong, chị Trần Thị Hồng Nhung (công nhân Công ty TNHH Nipro VN) cho hay “sẽ yên tâm hơn trong hoạt động sản xuất”. Ông Yuki Hatakeyama, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Nipro VN, cho biết khi dịch Covid-19 bùng phát, bản thân ông và tổng giám đốc ở Nhật Bản đều lo lắng bởi công ty chuyên sản xuất thiết bị y tế là mặt hàng thiết yếu, nếu công ty phải đóng cửa thì sản phẩm làm ra cũng ít hơn, cuộc sống công nhân sẽ gặp khó khăn. “Bởi vậy, khi nhận được thông báo ngành y tế tổ chức tiêm vắc xin cho toàn bộ công nhân, người lao động, lãnh đạo công ty rất cảm kích, đồng thời đánh giá đây là sự hỗ trợ kịp thời để công nhân an tâm sản xuất. Càng đáng quý hơn khi DN là một trong những công ty đầu tiên trong các KCN, KCX, khu công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM được chọn tiêm chủng cho người lao động”, ông Yuki Hatakeyama nói, và cho biết đang chuẩn bị các thủ tục cần thiết để hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ VN về ủng hộ kinh phí mua vắc xin Covid-19.

TP.HCM ban hành Chỉ thị 10: Cấm chợ tự phát, không tập trung quá 3 người để chống Covid-19

Dù có vắc xin cũng không được chủ quan

Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nhìn nhận chỉ có 5K là chưa đủ để chuyển trạng thái sang phòng chống dịch căn bản, mà cần phải có vắc xin. Ông Bình cho biết nguồn cung vắc xin đang khan hiếm, nhà nước đã nỗ lực tối đa, huy động, vận động từ nhiều nguồn với mục tiêu tiếp cận vắc xin sớm nhất, nhanh nhất và tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên là điểm nóng về dịch bệnh và khu vực có nguy cơ cao.
Đánh giá TP.HCM có vị thế quan trọng và đang là “điểm nóng” của đợt dịch thứ 4 nên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã phân bổ ngay cho TP.HCM, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, động viên của T.Ư với TP.HCM. “Mặc dù có vắc xin nhưng vẫn phải tuyệt đối không chủ quan mà phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo thông điệp 5K”, ông Bình yêu cầu.
Trao đổi thêm với báo chí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết về việc tiêm đại trà, ngành y tế cố gắng để người dân tiếp cận nguồn vắc xin nhanh nhất, nhiều nhất nhưng do vắc xin đang khan hiếm trên phạm vi toàn cầu nên không về kịp thời được. Bộ Y tế đang vận động tích cực, trao đổi, đàm phán với các nhà cung ứng để vắc xin về nhanh nhất với số lượng đảm bảo. Trong tháng 7.2021, khi có thêm lô vắc xin về thì ngành y tế tiếp tục ưu tiên cho TP.HCM để đảm bảo công tác phòng chống dịch và sản xuất, kinh doanh.
Trước nguyện vọng của DN muốn tự nhập vắc xin về tiêm cho nhân viên, ông Long nói Chính phủ và Bộ Y tế luôn tạo điều kiện cho tất cả các địa phương, đơn vị, DN tiếp cận được nguồn vắc xin. Bộ Y tế sẽ đảm bảo vấn đề nhập khẩu, kiểm định và đảm bảo chất lượng vắc xin khi các DN tiếp cận. Trong trường hợp DN tiếp cận được vắc xin nhưng không có khả năng tiêm, thì Bộ Y tế chỉ đạo toàn bộ hệ thống y tế tổ chức tiêm.

Bản tin Covid-19 ngày 19.6: TP.HCM nâng cao biện pháp phòng dịch bệnh

Ông Long cho biết thời gian qua, Bộ Y tế đã trao đổi với TP.HCM lên phương án tiếp cận nguồn vắc xin của Moderna (Mỹ). “Chúng tôi hy vọng TP.HCM sẽ sớm hoàn thành thỏa thuận với Moderna để cung ứng vắc xin”, ông Long nói. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng sẽ có những nguồn vắc xin từ T.Ư bổ sung cho TP.HCM, đảm bảo người dân được tiếp cận vắc xin theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.