'Cô gái tử vong bên vỉa hè Sài Gòn': Thói vô cảm, bao giờ thôi ám ảnh?

28/06/2019 13:00 GMT+7

“Có nên chăng, những người vô cảm thay vì vô tội như hiện nay, cũng cần phải chịu những áp lực không chỉ từ dư luận như ngày xưa, mà còn là của cả luật pháp?”.

Đó là vấn đề được thạc sĩ Văn hóa học Lê Thị Thảo Trang, Giảng viên bộ môn Cơ sở văn hóa Việt Nam (Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM) nêu ra, khi đề cập đến những biểu hiện của thói vô cảm qua “Chuyện đau lòng, cô gái trẻ bất động trong đêm bên vỉa hè Sài Gòn”.
Từ câu chuyện cô gái trẻ bị bỏ mặc tử vong trong đêm trên vỉa hè giao lộ đường Tân Hương - Võ Công Tồn, P.Tân Quý, Q.Tân Phú (TP.HCM) vào rạng sáng 25.6 vừa qua gây xôn xao dư luận, thạc sĩ Lê Thị Thảo Trang cho rằng, một bộ phận người Việt "đang bị khủng hoảng hệ giá trị".

Xưa: Nếu sống thờ ơ và vô cảm, sẽ bị gạt ra khỏi làng...

“Về gốc rễ thì hệ giá trị văn hóa truyền thống của người Việt vốn không như vậy, vốn không bị khủng hoảng hệ giá trị”, Thạc sĩ Lê Thị Thảo Trang nhìn nhận.
Theo phân tích của thạc sĩ Lê Thị Thảo Trang, người Việt xưa chủ yếu sống trong làng xã, mọi người đều biết nhau, nên tính cộng đồng rất được đề cao. Trong làng, “tối lửa, tắt đèn có nhau”, nếu có một ai gặp tai nạn, người nào trong làng đi qua mà không giúp đỡ, ngay lập tức "cơ chế dư luận của cả làng" sẽ gây áp lực, không chỉ đến người đó mà còn là cả gia đình, dòng họ.
Chính việc đó đã điều chỉnh, khiến mỗi cá nhân nếu sống thờ ơ và vô cảm, sẽ bị gạt ra khỏi làng.

Hình ảnh đau lòng về cô gái trẻ một mình nằm bất động bên hè phố ở Q.Tân Phú (TP.HCM). Trong vòng khoảng 11 phút mà hình ảnh clip (trích xuất từ camera gắn cố định) ghi lại, có 5 ô tô con (kể cả 1 chiếc taxi liên quan trực tiếp vụ tai nạn), 1 chiếc xe tải, hơn 32 chiếc xe máy, 1 chiếc xe đạp với hàng chục người đi qua vị trí nạn nhân...

Nay: Một số người chọn cách… mặc kệ

Tuy nhiên, lối sống "chủ nghĩa cá nhân" du nhập đến quá nhanh, chỉ mới khoảng vài chục năm, một bộ phận người Việt ép mình phải thay đổi một cách vội vã, dẫn đến những đứt gãy trong hệ giá trị văn hóa truyền thống. Cơ chế dư luận làng xã rệu rã, mối quan hệ giữa người với người ngày càng trở nên lỏng lẻo...
Một trong những biểu hiện, là ở những thành phố lớn, có những gia đình gần mấy năm trời không hề biết hàng xóm của mình là ai? Có khi chúng ta ngại ngùng khi phải bắt chuyện, hỏi han quan tâm người lạ, dù người lạ đó rất tử tế.
“Điều này (thói vô cảm) hoàn toàn ngược lại với tổ tiên của chúng ta. Dần dà, mọi người trở nên hoài nghi lẫn nhau. Nên đứng trước một tình huống như gặp người bị tai nạn trên đường, thay vì suy nghĩ hỗ trợ, có người lại nghĩ đến những hoài nghi đầu tiên. Rằng, liệu đây có phải là một vụ dàn cảnh hay không, mình có bị liên luỵ gì không nếu giúp đỡ... Và với đà phát triển của chủ nghĩa cá nhân, để khỏi tránh những phiền phức, hệ lụy cho bản thân, một số người chọn cách… mặc kệ”, thạc sĩ Lê Thị Thảo Trang chia sẻ.
Khi con người hoài nghi nhiều hơn, thiếu niềm tin lẫn nhau, kém đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, đề cao tính cá thể, chứ không phải tính cộng đồng, sẽ gây ra nhiều hệ quả xấu trong sự phát triển của cộng đồng, đất nước, chứ không chỉ là một vụ tai nạn thương tâm với một cô gái trẻ chết bên đường 

Thạc sĩ Lê Thị Thảo Trang

Rõ ràng, bên ngoài đời còn rất nhiều những câu chuyện đẹp về sự tương thân tương ái, những “hiệp sĩ giao thông”, những “Lục Vân Tiên” giúp đỡ người hoạn nạn bên đường rất đáng để suy ngẫm. Và những hình mẫu nhân văn ấy, luôn cần lan tỏa, vun đắp mỗi phút giây trong cuộc sống hôm nay.
Tuy nhiên, so với những tin giả, tít giật gân đâm - cướp - giết - hiếp tràn lan trên các mạng xã hội, nó vẫn đang bị người trẻ... bỏ qua.
Bên cạnh đó, có nên chăng, những người vô cảm thay vì vô tội như hiện nay, cũng cần phải chịu những áp lực không chỉ từ dư luận như ngày xưa, mà còn là của cả luật pháp?
Việc giáo dục về ý thức, văn hóa cho mỗi người trẻ cần phải chú trọng ngay từ mỗi gia đình, và cha mẹ nên là người thầy định hướng cho con mình là người biết sống có trách nhiệm, sống nhân ái vì cộng đồng, biết chế ngự và không còn vô cảm với phận người lúc nguy nan.
“Có một số bậc cha mẹ, vì quá lo lắng cho con mình, thường chọn xu hướng tránh né bằng cách nói với con rằng nếu đi ra đường, thấy vụ tai nạn như vậy thì con nhớ chạy đi nhé, đừng dính dáng đến làm gì!”. Ngay từ trong gia đình, chúng ta đã dạy con em mình thói vô cảm, thì làm sao yêu cầu nhà trường hay xã hội phải có những người biết sống vì cộng đồng?”, thạc sĩ Lê Thị Thảo Trang, Giảng viên bộ môn Cơ sở văn hóa Việt Nam, chia sẻ thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.