Bệnh nhân Covid-19 người Nhật tử vong mang chủng virus lần đầu xuất hiện tại Việt Nam

24/02/2021 14:56 GMT+7

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long , kết quả giải trình tự gien cho thấy, chủng virus của bệnh nhân 2229 (bệnh nhân người Nhật tử vong tại Hà Nội) là chủng virus lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.

Sáng 24.2, tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 và các bộ, ngành, địa phương về tình hình kiểm soát dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có báo cáo kết quả giải trình tự gien của bệnh nhân 2229 - bệnh nhân Covid-19 người Nhật tử vong tại Hà Nội.

Bệnh nhân người Nhật tử vong ở Hà Nội nhiễm biến chủng mới của vi rút gây Covid-19

Theo đó, giải trình tự gien cho thấy virus của chùm ca bệnh liên quan đến bệnh nhân này thuộc nhóm lần đầu phát hiện tại Việt Nam và chủng này lưu hành chủ yếu ở Hàn Quốc, Sri Lanka, Đài Loan, Ấn Độ.
Đáng chú ý, theo ông Long, Nhật Bản (nơi xuất phát của bệnh nhân) cũng không có chủng virus này. Đây là chủng viurs có tốc độ lây nhiễm không cao, tuy nhiên mức độ tăng nặng cũng chưa rõ ràng.
Đối với chủng virus lưu hành tại Hải Dương, Bộ y tế xác định là biến chủng SARS-CoV-2 tại Anh, có một mẫu là chủng lưu hành tại Nam Phi; 8 mẫu tại Quảng Ninh cũng là biến chủng tại Anh.
“Mầm bệnh có thể vẫn còn tồn tại trong cộng đồng, do vậy, cần nâng cao cảnh giác trong phòng chống dịch”, theo Bộ trưởng Bộ Y tế.

Thủ tướng chỉ đạo: Không vì có vắc xin Covid-19 mà chủ quan

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội, lãnh đạo Q.Tây Hồ cũng đã thông tin sơ bộ về kết quả giám định pháp y đối với bệnh nhân người Nhật kể trên. Theo đó, báo cáo của Công an Q.Tây Hồ cho hay, trong người bệnh nhân không có độc tố, cũng không có dấu hiệu ngoại lực tác động.
Bệnh nhân có bệnh nền là suy tim và có sử dụng máy thở lúc tử vong. Bệnh nhân có dấu hiệu phổi bị tổn thương. Theo dự kiến, hôm nay sẽ có kết quả giám định chính thức.
Như vậy, cho đến nay vẫn chưa xác định được nguồn lây của bệnh nhân 2229. Trước đó, có 2 luồng nhận định khác nhau: Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng các chuyên gia dịch tễ của Bộ nghiêng về giả thiết bệnh nhân nhiễm virus tại Hà Nội; trong khi các chuyên gia của Sở Y tế Hà Nội lại cho rằng khả năng này là thấp.
Kết quả giải trình tự gien vốn được kỳ vọng sẽ là câu trả lời về nguồn gốc lây nhiễm của bệnh nhân.

Lô vắc xin Covid-19 vừa về Việt Nam trị giá bao nhiêu tiền?

Hà Nội đề nghị được ưu tiên phân bổ vắc xin hoặc được tiếp cận trực tiếp với nguồn vắc xin
Liên quan đến diễn biến dịch tại Hà Nội đến thời điểm này, báo cáo với Thủ tướng, ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cho biết Hà Nội đã 9 ngày không ghi nhận ca bệnh mới. Tuy nhiên, để chung sống an toàn với dịch, Hà Nội vẫn cảnh báo người dân thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của Bộ Y tế.
Trên cơ sở kết quả xét nghiệm của người về từ các ổ dịch trên cả nước, các trường hợp F1, F2 liên quan chùm ca bệnh số 2229, 2234 và 2240, Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát xem xét việc nới lỏng, thu hẹp hoặc dỡ bỏ phong tỏa đối với các khu vực còn phong tỏa nhưng đảm bảo công tác phòng dịch.
Tại cuộc họp này, ông Dũng cũng đã thay mặt Hà Nội kiến nghị Chính phủ có cơ chế để các tỉnh thành có thể trực tiếp tiếp cận nguồn vắc xin tiêm phòng Covid-19. Nếu nguồn vắc xin do Bộ Y tế phân bổ thì đề nghị bộ ưu tiên cho thành phố.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.