Bí thư Thanh Hóa: Còn tồn tại tình trạng 'phát canh thu tô' tại các nông, lâm trường

10/07/2019 17:07 GMT+7

Thực trạng người dân thiếu đất sản xuất trong khi các nông lâm trường quản quá nhiều đất đã làm nóng nghị trường trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND tỉnh Thanh Hóa.

Sáng 10.7, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã chất vấn Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về vấn đề quản lý, sử dụng đất đai tại các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Phiên chất vấn diễn ra trong khuôn khổ của kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa 17, nhiệm kỳ 2016 - 2021 từ ngày 8 - 10.7. 
Thay mặt Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa (phụ trách lĩnh vực nông nghiệp) đã đọc báo cáo giải trình và trả lời chất vấn.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, trước năm 2004, toàn tỉnh có 12 nông trường, quản lý hơn 22.591 ha đất. Đến nay, sau nhiều năm đã sắp xếp, chuyển đổi thành 8 công ty TNHH một thành viên và công ty TNHH hai thành viên.
Về lâm trường, trước năm 2004, Thanh Hóa có 15 lâm trường, quản lý gần 97.000 ha đất rừng. Đến nay, các lâm trường đều đã chuyển thành ban quản lý rừng phòng hộ ở các huyện.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Thanh Hóa, trong quá trình quản lý, sử dụng đất của các nông lâm trường, các ban quản lý rừng phòng hộ đã để xảy ra tình trạng sử dụng đất kém hiệu quả, tranh chấp, xâm canh và để người dân xây dựng trái phép trong đất nông, lâm trường…
Đáng chú ý, thực trạng người dân thiếu đất sản xuất (chủ yếu ở huyện miền núi, nơi tập trung chủ yếu đất nông, lâm trường), thiếu đất ở, trong khi các nông lâm trường quản lý nhiều đất nhưng không hiệu quả cũng được các đại biểu quan tâm, chất vấn.

Toàn tỉnh Thanh Hóa đang có 20.914 hộ dân thiếu đất sản xuất

ẢNH MINH HẢI

Thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, đến tháng 7.2017, toàn tỉnh Thanh Hóa có 20.914 hộ dân đang thiếu đất sản xuất, tương ứng với số đất sản xuất cần để đáp ứng là hơn 39.000 ha. Tình trạng người dân thiếu đất sản xuất đã diễn ra nhiều năm nay, khiến đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Mặc dù vậy, đến nay, UBND tỉnh Thanh Hóa chưa giải quyết được bất cứ trường hợp nào trong số 20.914 hộ thiếu đất sản xuất. Trong phiên chất vấn, có 5 đại biểu đã chất vấn, tập trung vào việc người dân thiếu đất sản xuất; tình trạng sử dụng, quản lý đất kém hiệu quả; tình trạng xâm canh, cho thuê, mượn đất tràn lan... ở các nông lâm trường.
Trả lời chất vấn, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, thừa nhận tình trạng người dân nhiều nơi, đặc biệt là khu vực miền núi đang thiếu đất sản xuất, thiếu đất ở. Đất ở các nông lâm trường giao cho người dân thời hạn đến 50 năm, nhiều hộ dân không còn ở, sinh sống, canh tác nhưng vẫn không có quy định thu hồi lại đất, dẫn đến tình trạng cho thuê, cho mượn lại.

Ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa, cho rằng có tình trạng "phát canh thu tô" tại các nông, lâm trường là do quản lý quá yếu kém

ẢNH MINH HẢI

"UBND tỉnh đã giao cho Ban Dân tộc Thanh Hóa kiểm tra, rà soát, tham mưu rõ việc thiếu đất ở đâu, giải pháp thế nào, nhưng đến nay chưa có phương án khả thi. Thực tế hiện nay rất nhiều hộ gia đình sinh con, sinh cháu đời thứ hai thứ ba nên thiếu đất. Hơn nữa, luật Đất đai lại đang gây vướng, vì người chết không bị cắt đất, người mới sinh ra không được bố trí đất. Các nông, lâm trường giao đất thời hạn 50 năm, nhiều hộ không còn ở đó nữa, nhưng không có chế tài để thu hồi lại đất", ông Quyền trả lời câu hỏi liên quan đến việc thiếu đất sản xuất. 
Sau khi nghe báo cáo giải trình và phần trả lời chất vấn của đại diện UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa, Chủ tọa kỳ họp, cho rằng vẫn còn tình trạng như kiểu "phát canh thu tô" ở các nông lâm trường.
"Diện tích được giao ở một số đơn vị lớn, quá sức quản lý của các đơn vị. Trong khi trình độ, năng lực yếu kém, nên đẻ ra việc cho các công ty, tổ chức thuê lại. Sau đó, các công ty, tổ chức lại cho hộ cá nhân thuê lại, từ đó xảy ra tình trạng các đơn vị, tổ chức ngồi một chỗ thu tài chính trên đất. Nôm na gọi là “phát canh thu tô”, ông Chiến chỉ rõ vấn đề.

Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã bế mạc vào chiều nay, 10.7.

ẢNH MINH HẢI

Đối với thực trạng còn 20.914 hộ gia đình đang thiếu đất sản xuất, ông Chiến cho rằng không thể tìm đâu ra hơn 39.000 ha đất để đảm bảo đáp ứng đất sản xuất cho người dân. Và nếu cứ căn cứ theo nhu cầu như vậy thì "bó tay". Do đó, đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa và các ngành cần có biện pháp căn cơ, nghiên cứu để xây dựng, đưa ra được tiêu chí diện tích cho từng hộ, phù hợp với thực tế mới có thể giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất.
Đến chiều cùng ngày, trước khi bế mạc kỳ họp, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã tiếp thu các ý kiến, vấn đề của cử tri, đại biểu đã nêu. Đối với việc giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở của người dân, thời gian tới, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ chỉ đạo các ngành, các địa phương rà soát lại, xây dựng thành những việc làm cụ thể, sớm đảm bảo đất sản xuất, đất ở cho người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.