Bình Dương, Đồng Nai ngăn dịch lây lan trong công nhân

23/06/2021 06:27 GMT+7

Lập hàng ngàn tổ phòng chống dịch, bố trí người lao động ở lại trong công ty, kiến nghị cấp vắc xin tiêm cho công nhân ... là những biện pháp Bình Dương và Đồng Nai đang cấp tập triển khai để ngăn dịch lây lan trong các công ty, xí nghiệp.

Ngày 22.6, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Bình Dương ghi nhận thêm 33 ca dương tính Covid-19, đều là F1 đang được cách ly tập trung. Trong đó, có 22 ca liên quan Công ty TNHH VN House Wares (P.Bình Chuẩn, TP.Thuận An); 6 ca liên quan Công ty gốm sứ Hiền Hòa Anh (TX.Tân Uyên); 4 ca liên quan Chi nhánh Xí nghiệp xử lý chất thải Bình Dương... Như vậy, tính riêng đợt dịch thứ 4 Bình Dương đã ghi nhận 141 ca dương tính Covid-19 và lây lan ở ít nhất 5 công ty nằm trong khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp.

Bản tin Covid-19 ngày 23.6: TP.HCM chiếm 69% số bệnh nhân; lo ngại biến thể mới nguy hiểm của chủng Delta

Bình Dương đề nghị cấp 500.000 liều vắc xin tiêm cho công nhân

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An (địa bàn có 5 ca F0 và 600 F1 phải đi cách ly tập trung của Công ty TNHH Puku, đóng tại KCN Đồng An 1), cho biết toàn thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Chính quyền phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, Ban Quản lý (BQL) các KCN Bình Dương nhằm nỗ lực cắt đứt các chuỗi lây nhiễm trong công nhân (CN). Các chợ tự phát trong các KCN hoặc khu nhà ở CN đều đã dừng hoạt động.
Theo ông Tâm, CN trong các nhà máy, xí nghiệp, KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn đi làm hằng ngày phải khai báo y tế, thực hiện giãn cách trong quá trình làm việc, sinh hoạt ở công ty… Các doanh nghiệp cũng phải chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị y tế phun khử khuẩn, vệ sinh toàn bộ nhà xưởng, nhà máy xí nghiệp để phòng dịch.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương, cho biết trên địa bàn hiện nay đã thành lập được 5.500 tổ công tác phòng chống Covid-19 trong các công ty. Các tổ này có nhiệm vụ phối hợp với y tế địa phương tuyên truyền, hướng dẫn, theo dõi, giám sát... CN phòng dịch, đồng thời tham gia điều tra dịch tễ, truy vết các F1, F2 liên quan.
Cũng theo ông Chương, mới đây Bình Dương có văn bản khẩn đề nghị Bộ Y tế phân bổ thêm số lượng vắc xin nhiều nhất có thể để tiêm cho CN. Vừa qua Bộ Y tế đã phân bổ 40.000 liều vắc xin cho Bình Dương và đã được tiêm hết. Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục phân bổ thêm 20.000 liều vắc xin cho Bình Dương, tuy nhiên nhu cầu của tỉnh cần ít nhất 500.000 liều để tiêm cho CN. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đang tìm thuê các nhà xưởng bỏ trống, xây nhà xưởng tạm cho CN lưu trú phòng dịch Covid-19.

Công nhân Công ty TNHH Sơn Ocean lưu trú trong những thùng container gắn máy lạnh

ảnh: Công ty TNHH Sơn Ocean cung cấp

Đồng Nai khuyến khích người lao động ở lại công ty

Tại Đồng Nai, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở TP.HCM và Bình Dương, đặc biệt xuất hiện nhiều ca F1 tại một số KCN, UBND tỉnh liên tiếp ra văn bản kêu gọi người lao động (NLĐ) từ địa phương khác đến làm việc tại Đồng Nai tạm thời lưu trú lại. Các công ty có điều kiện cần bố trí cho NLĐ ở lại trong công ty; trường hợp không đủ điều kiện thì yêu cầu NLĐ thuê trọ bên ngoài để ở. Trường hợp bất khả kháng, phải đi về hằng ngày, NLĐ phải cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. UBND tỉnh cũng đề nghị lãnh đạo các công ty, cơ sở sản xuất trên địa bàn trao đổi, thống nhất với tổ chức công đoàn và NLĐ có phương án bố trí CN làm việc phù hợp để phòng chống dịch Covid-19, nhất là người ở các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.
Trao đổi với Thanh Niên chiều 22.6, bà Hoàng Thị Minh Nguyệt, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Sơn Ocean (KCN Long Thành, Đồng Nai), cho biết thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, công ty đã bố trí những thùng container có gắn máy lạnh (30 m2/thùng) làm chỗ ở cho khoảng 60% CN và lãnh đạo (tổng cộng 107 người) ngay tại công ty. “Trước mắt, thời gian ở lại là 21 ngày, tùy theo tình hình diễn biến của dịch bệnh, công ty có thể rút ngắn hoặc kéo dài thêm. Tổng chi phí từ tiền thuê container, nệm, gối, tiền ăn, uống... dự kiến khoảng 800 triệu đồng, công ty sẽ chịu hết”, bà Nguyệt nói. Đối với số CN không lưu trú, công ty yêu cầu tuân thủ 5K và sẽ lấy mẫu xét nghiệm định kỳ.
Ngoài Công ty TNHH Sơn Ocean, hiện UBND tỉnh Đồng Nai cũng cho phép Công ty TNHH dược phẩm Shinpoong Daewoo (KCN Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) và Công ty CP GreenFeed chi nhánh Đồng Nai (KCN Sông Mây, H.Trảng Bom) tổ chức để NLĐ lưu trú trong công ty.

Vắc xin Nanocovax phòng Covid-19 cần điều kiện gì để được cấp phép?

Đà Nẵng thêm 4 ca mắc Covid-19

Ngày 22.6, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch Covid-19 Đà Nẵng cho biết qua tăng cường xét nghiệm, địa phương ghi nhận thêm 4 ca mắc mới trong ngày. Cả 4 trường hợp này đều là F1 của các ca mắc trước đó, liên quan đến bệnh nhân (BN) 12437 và khu vực tam giác phong tỏa quanh nơi ở của các BN. Ở đợt bùng phát dịch giữa tháng 6 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 41 ca mắc mới sau ca mắc là BN 12437 (nhân viên bảo vệ của Công ty nhựa Duy Tân); nguồn lây từ 1 tài xế xe hàng TP.HCM ra Đà Nẵng và ghi nhận dương tính Covid-19 sau đó.
An Dy

Quảng Ngãi cách ly tập trung 74 người về từ TP.HCM

Chiều 22.6, Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi cho biết đến nay đã cách ly tập trung 74 người từ TP.HCM về Quảng Ngãi. Các trường hợp này bay từ TP.HCM về Quảng Ngãi qua sân bay Chu Lai (Quảng Nam), được đưa đi cách ly tập trung theo quy định tại cơ sở 2, Trung tâm y tế H.Bình Sơn và Trường đại học Tài chính kế toán Quảng Ngãi. Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, kể từ 12 giờ 00 ngày 20.6 cách ly tập trung đối với tất cả người về từ TP.HCM và từ 0 giờ ngày 22.6 cách ly tập trung đối với tất cả người về từ Bình Dương.
Sáng 22.6, tỉnh Quảng Ngãi có công văn tạm dừng hoạt động vận tải hành khách từ tỉnh Quảng Ngãi đi Bình Dương và ngược lại, kể từ 12 giờ ngày 22.6; tạm dừng vận tải hành khách từ Quảng Ngãi đi, đến, về từ các khu vực, vùng, địa điểm tại các tỉnh, thành phố trong cả nước đang áp dụng phong tỏa theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian áp dụng kể từ 12 giờ ngày 22.6.
Phạm Anh

Tây Ninh trưng dụng 2 cơ sở y tế thành bệnh viện điều trị

Covid-19. Ngày 22.6, BCĐ phòng, chống dịch bệnh tỉnh Tây Ninh quyết định trưng dụng Trung tâm y tế H.Châu Thành cùng Bệnh viện Lao và bệnh phổi làm nơi điều trị BN Covid-19. Trong đó, Trung tâm y tế H.Châu Thành với 300 giường được chuyển đổi hoàn toàn công năng; Bệnh viện Lao và bệnh phổi có 82 giường được chuyển đổi một phần công năng làm cơ sở cách ly, điều trị các trường hợp tiếp xúc, nghi mắc Covid-19, giữ lại một phần nhân lực và cơ sở điều trị lao kháng thuốc.
Cùng ngày, Thanh tra Sở Y tế tỉnh Tây Ninh xử phạt vi phạm hành chính đối với Trịnh Hữu Quyết (26 tuổi, ngụ Thanh Hóa) và Nguyễn Anh Tuấn (24 tuổi, ngụ Hà Nội) mỗi người 7,5 triệu đồng về hành vi trốn khỏi khu cách ly tập trung. Trước đó, Quyết và Tuấn nhập cảnh từ Campuchia về VN ngày 31.5, được cách ly tập trung tại K71. Sau 3 lần XN đều cho kết quả âm tính Covid-19, đến ngày 20.6 cả hai trốn khỏi khu cách ly tập trung, tới nhà một người quen ở TP.Thuận An (Bình Dương). Sau khi được vận động, ngày 21.6 cả hai tự quay trở lại khu cách ly K71 và khai báo y tế.
Giang Phương

Vĩnh Long phát hiện ca mắc Covid-19 trong cộng đồng

Trưa 22.6, Bộ Y tế công bố 100 ca mắc Covid-19 mới, trong đó tỉnh Vĩnh Long có 4 ca, gồm 1 ca trong cộng đồng và 3 ca được cách ly sau khi nhập cảnh. Ca mắc trong cộng đồng là BN 13549 (nữ, 45 tuổi, ngụ ấp 1, xã Tân Thanh H.Cái Bè, Tiền Giang), được phát hiện khi người này đến khám bệnh tại Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long sáng 21.6. Hiện ngành y tế Vĩnh Long đã xác định F1, F2 liên quan BN 13549 và tiến hành cách ly tập trung, lấy mẫu XN, thông báo kết quả điều tra dịch tễ cho CDC Tiền Giang để phối hợp điều tra, truy vết các F1, F2 cũng như nguồn lây của BN tại địa bàn xã Tân Thanh, H.Cái Bè.
Xuân Phúc

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.