Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 22.6: TP.HCM, Bình Dương thành 'điểm nóng' dịch bệnh
22/06/2021 19:27 GMT+7
Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 22.6.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên , trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Trúc Huỳnh sẽ là người đồng hành cùng quý vị.
Tự động phát
Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay ngày 22.6 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:
"Tâm dịch" dịch chuyển về TP.HCM, Bình Dương
Trong ngày 22.6, Việt Nam ghi nhận thêm 244 ca mắc Covid-19 mới, trong đó: 14 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh; 230 ca ghi nhận trong nước (trong đó 217 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa).
230 ca ghi nhận trong nước gồm: TP.HCM: 136 (ca), Bình Dương: 33 (ca), Bắc Giang: 31 (ca), Bắc Ninh (10 ca), Tiền Giang (5 ca), Đà Nẵng (4 ca), Nghệ An (2 ca), Hà Tĩnh (2 ca), Hưng Yên (2 ca), Hà Nội (1 ca), Long An (1 ca), Vĩnh Long (1 ca) Đồng Nai (1 ca), Gia Lai (1 ca).
Như vậy, TP.HCM (136 ca) và Bình Dương (33 ca) trở thành 2 địa phương ghi nhận nhiều ca bệnh nhất trong ngày, vượt qua cả tâm dịch những ngày trước là Bắc Giang (31 ca).
Trong ngày 22.6, Bộ Y tế cho biết có 93 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Kiến nghị cấp phép khẩn cấp cho vắc xin Nanocovax
Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen (Nanogen) vừa có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ xin cấp phép khẩn cấp cho vắc xin Nanocovax.
Thư gửi Thủ tướng của Nanogen viết: "Trong tình hình dịch bệnh đang cản trở sự phát triển kinh tế của nước ta và thế giới, Công ty chúng tôi đã nghiên cứu và sản xuất vắc xin Nanocovax phòng Covid-19. Vắc xin đã chứng minh được những thành công bước đầu, dựa trên các báo cáo giữa kỳ của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đã được Hội đồng đạo đức Bộ Y tế đánh giá tốt và đã thông qua đề cương nghiên cứu, triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên quy mô 13.000 người".
Chi tiết hơn, Nanogen cho biết "dựa trên các kết quả thử nghiệm lâm sàng, khả năng sinh miễn dịch của vắc xin Nanocovax đạt 99,4%. Nếu so sánh với các loại vắc xin khác trên thế giới là không hề thua kém và có phần cao hơn. Dù vậy, giá bán dự kiến hiện thấp nhất thế giới, chỉ với 120.000 đồng/liều".
Nanogen cho biết, "đến nay công suất sản xuất của nhà máy ước đạt 8 - 12 triệu liều/tháng. Ngoài ra, công ty cũng đang hoàn thiện, mở rộng hệ thống kho lạnh với sức chứa 10 triệu liều cũng như đội ngũ xe lạnh (2 8oC) vận hành đạt chuẩn quốc tế". “Dựa trên kế hoạch và năng lực hiện tại, công ty dự kiến cung cấp đủ 50 triệu liều đến tháng 12.2021 và 100 triệu liều vào năm 2022”, đại diện Nanogen khẳng định.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng bí thư “toàn hệ thống chính trị tập trung cao nhất cho công tác phòng chống dịch”, Công ty Nanogen cho biết quyết tâm đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất để cung cấp đủ vắc xin để Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng vào quý 2/2022.
“Chúng tôi rất mong nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Chính phủ để vắc xin Nanocovax sớm được cấp phép khẩn cấp có điều kiện, tương tự như các loại vắc xin của Nga, Trung Quốc và Ấn Độ”, thư gửi Chính phủ của Nanogen ghi.
Trước đó, ngày 11.6, Bộ Y tế đã quyết định phê duyệt đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vắc xin Nanocovax phòng Covid-19. Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Học viện Quân y, Viện Pasteur TP.HCM, tỉnh Hưng Yên, Long An, Tiền Giang… cho 13.000 người từ 18 tuổi trở lên nhằm đánh giá tính an toàn, đáp ứng miễn dịch và hiệu lực bảo vệ của vắc xin (bao gồm 1.000 đối tượng để đánh giá giữa kỳ tính an toàn và sinh miễn dịch). Nguồn kinh phí tự tính gần 94,5 tỉ đồng.
Nanogen hiện là một trong 4 đơn vị nghiên cứu và sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 của Việt Nam.
169 bệnh nhân nặng, nguy kịch; 13 trường hợp can thiệp ECMO
Theo thống kê của Tiểu ban Điều trị thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, trong số các bệnh nhân đang điều trị hiện có 169 bệnh nhân nặng, nguy kịch và 13 trường hợp can thiệp ECMO.
Theo đó, trong số hơn 7.000 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị tại 97 cơ sở y tế trên cả nước; số bệnh nhân tập trung nhiều nhất vẫn tại các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến của Bắc Giang, riêng tại cơ sở thu dung, điều trị ban đầu Covid-19 Bắc Giang là hơn 800 người; tại Bệnh viện Dã chiến số 2 Bắc Giang (Cơ sở 2 BVĐK tỉnh) là gần 600 người…
Theo thống kê của Tiểu ban điều trị, trong số các bệnh nhân đang điều trị hiện có 120 trường hợp nặng, thở mask oxy, gọng kính; 35 trường hơp nặng, nguy kịch, thở máy xâm nhập; 17 bệnh nhân thở oxy dòng cao HFNC và 13 trường hợp can thiệp ECMO.
Trong số các trường hợp can thiệp ECMO, nhiều nhất tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM (4 ca); tiếp đến là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư (3 ca); Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang (3 ca), Bệnh viện Phổi Bắc Giang, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh và Bệnh viện Chợ Rẫy mỗi đơn vị có 1 ca can thiệp ECMO.
Thông báo khẩn về kỳ thi tốt nghiệp THPT
Ngày 22.6, Sở GD- ĐT TP.HCM phát thông báo khẩn đến trưởng các điểm thi và hiệu trưởng các trường THPT có học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Sở GD- ĐT TP.HCM yêu cầu trưởng các điểm thi, hiệu trưởng các trường có học sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT thực hiện theo những nội dung sau:
Các trường học tuyên truyền chủ trương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp của Bộ GD-ĐT để tạo ra sự đồng thuận trong phụ huynh và học sinh. Quán triệt thí sinh, giáo viên tham gia coi thi, chấm thi nghiêm túc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch và hạn chế đi lại những nơi không cần thiết.
Phối hợp với Bưu điện Thành phố và Hệ thống bưu điện các quận, huyện trong Gửi phiếu báo danh sách cho học sinh trước ngày 27.6.
Thông tin cho phụ huynh, học sinh về việc nộp hồ sơ minh chứng đối với trường hợp thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 không thể dự thi vào các ngày 7 - 8.7, sẽ tham dự đợt 2 do ở nơi bị phong tỏa hoặc thuộc nhóm F0, F1, F2 theo phân loại của ngành y tế. Hồ sơ bao gồm: Đơn xin tham gia dự thi đợt 2 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và minh chứng (Quyết định, Công văn thực hiện phong tỏa).
Không tổ chức sinh hoạt nội quy, dặn dò tập trung mà thông tin cho thí sinh các nội dung liên quan như số báo danh, điểm thi, phòng thi, giờ thi, nội quy thi ... qua mail, cổng thông tin điện tử hoặc tin nhắn.
Các trường THPT thông tin cho thí sinh phương án bảo đảm an toàn khi vào điểm thi như: Đeo khẩu trang toàn bộ thời gian, rửa tay sát trùng trước khi vào điểm thi, phòng thi; Chú ý đi đúng hàng và đảm bảo giãn cách khi đo nhiệt độ, di chuyển thẳng lên phòng thi; Không tụ tập, trao đổi trước và sau khi thi, về ngay khi thi xong.
Thí sinh luôn kiểm tra và bảo đảm sức khỏe, đo thân nhiệt trước khi đi thi, khai báo y tế tại nhà trước các buổi thi và khai báo các trường hợp sốt, ho cho trưởng điểm thi để xử lý phù hợp. Tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh thực hiện đeo khẩu trang khi đưa thí sinh đi thi, ra về ngay sau khi đưa và đón học sinh đi thi, tránh tụ tập đông người trước điểm thi.
Bệnh viện đa khoa Sài Gòn phát hiện 5 ca F0 đến khám một ngày
Sáng 22.6, Bệnh viện đa khoa Sài Gòn thông báo tạm ngưng nhận bệnh vì ngày 21.6, bệnh viện có 5 ca F0 (nhiễm Covid-19) đến khám bệnh và được bệnh viện được phân luồng, sàng lọc, cách ly từ đầu. Bệnh viện đa khoa Sài Gòn (Q.1, TP.HCM) đã chuyển 5 bệnh nhân Covid-19 đến Bệnh viện dã chiến Củ Chi.Bệnh nhân thứ nhất là nam (59 tuổi, ngụ Q.1). Ngày 21.6, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện đa khoa Sài Gòn vì sốt, đau họng, đã uống 2 viên Paradol. Chưa ghi nhận yếu tố dịch tễ liên quan ca bệnh.
Bệnh nhân thứ 2 là nam (48 tuổi, ngụ Q.1). Ngày 21.6, bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa Sài Gòn khám vì sốt, ho. Bệnh nhân từng có tiếp xúc F0 .
Bệnh nhân thứ 3 là nam (30 tuổi, ngụ Q.1). Ngày 21.6, bệnh nhân đi khám để thay băng nhọt thái dương. Bệnh nhân có đau họng, không sốt.
|
Bệnh nhân thứ 4 là nam (21 tuổi ngụ Q.Bình Thạnh). Trước đó 2 ngày, khi đi khám bệnh, bệnh nhân đột ngột đau họng mức độ vừa, tự uống thuốc nhưng không đỡ nên đến khám tại Bệnh viện đa khoa Sài Gòn. Theo ghi nhận dịch tễ ban đầu, bệnh nhân ở khu vực phong tỏa, ngồi gần 1 ca dương tính với Covid-19 bằng phương pháp kiểm tra nhanh. Và 3 - 4 tuần trước nữa, bệnh nhân có đi chụp X-quang ở 1 phòng khám tại Q.3.
Bệnh nhân thứ 5 cũng là nam (57 tuổi, ngụ Q.7). Ngày 21.6, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện đa khoa Sài Gòn, bị đột ngột đau họng đã 3 ngày, ho không đàm, không sốt, không khó thở… Bệnh nhân từng ngồi chung phòng 1 bệnh nhân test dương tính, mỗi sáng chở vợ đi chợ Bình Điền, cách 1 ngày đi thăm mẹ 1 lần…
Tất cả 5 bệnh nhân đều được phân loại, khám sàng lọc, cách ly ngay từ đầu. Có 2 bệnh nhân được test nhanh và cho kết quả dương tính với Covid-19. Sau đó, kết quả xét nghiệm RT-PCR đều khẳng định 5 bệnh nhân nhiễm Covid-19 nên đã chuyển Bệnh viện dã chiến Củ Chi.
Hiện Bệnh viện đa khoa Sài Gòn tạm ngưng hoạt động khám bệnh ngoại trú, rà soát lại các quy trình đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19.
Nơm nớp lo âu vì xét nghiệm mẫu gộp dương tính Covid-19
Xét nghiệm mẫu gộp là gom nhiều mẫu để xét nghiệm một lần, nếu phát hiện dương tính thì sẽ xét nghiệm riêng lẻ từng mẫu để tìm ra ai là người dương tính Covid-19. Hình thức này đã được nhiều nước phát triển trên thế giới áp dụng nhằm xét nghiệm đại trà được nhiều mẫu nhất. Kể từ khi Việt Nam áp dụng hình thức này thì sẽ có những người phải xét nghiệm đến 2 lần, một lần lấy mẫu gộp và một lần riêng lẻ.
Trong thời gian qua, Q.Bình Tân xuất hiện nhiều ca dương tính với Covid-19. Trước tình hình đó, Q.Bình Tân đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) xét nghiệm tầm soát tại nhiều khu vực. Nhiều người trong số này sau khi xét nghiệm lần đầu đã phải quay lại lấy mẫu lần thứ hai do mẫu gộp dương tính.
Tâm trạng chung là nơm nớp lo âu vì những người lần thứ hai phải lấy mẫu hoàn toàn có thể đã dương tính Covid-19. Thậm chí, nhiều người chuẩn bị sẵn quần áo ở nhà, nếu kết quả xét nghiệm lần thứ hai dương tính, họ sẵn sàng đi cách ly ngay.
Đi mua miếng chả lụa, bị phạt 1 triệu đồng
Sau 2 ngày áp dụng Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM, nhiều chợ tự phát trên địa bàn TP.HCM đã ngưng hoạt động theo tinh thần chống dịch Covid-19 chung. Các địa phương cũng cử lực lượng túc trực tuyên truyền, kéo loa phát thanh nhắc nhở người dân trên địa bàn hạn chế ra ngoài và không tụ tập quá 3 người.
Chợ tự phát trên đường Phạm Văn Bạch (thuộc P.12, Q.Gò Vấp) từ lâu đã là nơi có lượng tiểu thương buôn bán đông đúc vào xế chiều. Sau khi có chỉ đạo của UBND TP.HCM về việc tạm ngưng chợ tự phát, UBND P.12 đã cử lực lượng đến nhắc nhở người dân thực hiện đúng quy định nếu không sẽ xử lý nghiêm.
Trong 2 ngày đầu, tổ công tác đã nhắc nhở hàng chục trường hợp, xử phạt hàng loạt điểm buôn bán tự phát và xử phạt cả người đến chợ mua thực phẩm. Đáng chú ý, chiều 21.6, khi tổ công tác đang triển khai kiểm tra xử lý các điểm buôn bán tự phát trên đường Phạm Văn Bạch. Lúc này một thanh niên 23 tuổi (quê Hải Phòng) đến mua hàng hóa tại chợ tự phát mua ít chả lụa và thực phẩm thì bị bắt gặp và lập biên bản. Tổ công tác đã lập biên bản xử phạt lỗi không đảm bảo công tác phòng chống dịch với số tiền 1 triệu đồng.
Thành phố Hà Tĩnh ngừng giãn cách xã hội
Tối 21.6, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh này, đã ký quyết định về việc kết thúc thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ tại TP.Hà Tĩnh kể từ 0 giờ ngày 22.6.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu UBND TP.Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Các cuộc họp, hội nghị khi được Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của tỉnh cho phép tổ chức thì không được quá 20 người một phòng; không tập trung từ 15 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Mọi người thực hiện giữ khoảng cách tối thiểu 2 m tại các điểm công cộng.
Tỉnh cho phép các cơ sở kinh doanh, thương mại, dịch vụ (bán buôn, bán lẻ, xổ số kiến thiết, khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn, quán cà phê...), khu di tích, điểm công cộng... tại TP.Hà Tĩnh cùng 12 huyện, thị xã được hoạt động trở lại, nhưng phải trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến, bố trí nước rửa tay sát khuẩn tại cơ sở và đảm bảo giãn cách khi tiếp xúc.
|
Các nhà máy, cơ sở sản xuất, công trường xây dựng trong tỉnh tiếp tục được duy trì. Vận tải hành khách công cộng liên tỉnh, nội tỉnh đến các điểm không có dịch được hoạt động trở lại, song phải tuân thủ quy định chống dịch.
Hoạt động lễ hội, tôn giáo, thể thao, sự kiện tập trung đông người chưa được tổ chức. Cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, dễ bị lây nhiễm như khu vui chơi giải trí, rạp chiếu phim, karaoke, vũ trường, massage... tiếp tục dừng hoạt động.
Những người “đến sớm về muộn” trong chiến dịch tiêm vắc xin
Những ngày qua, TP.HCM đang cấp tốc thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay. Gần 1 triệu người được tiêm, bao gồm những người ở tuyến đầu chống dịch, người trên 65 tuổi, công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, người yếu thế trong xã hội…
Để thực hiện chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn này, lực lượng quan trọng nhất quyết định sự thành công, an toàn trong tiêm chủng là đội ngũ nhân viên y tế. Những nhân viên y tế ở các bệnh viện luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ khi có sự điều động của Sở Y tế TP.HCM.
Hơn 5.000 nhân viên y tế đã được điều động đến hơn 1.000 điểm tiêm chủng trên địa bàn TP.HCM. Tại các điểm tiêm, mỗi người có nhiệm vụ khác nhau từ đọc sinh hiệu, tư vấn khám sàng lọc, tiêm vắc xin, theo dõi sau tiêm với mục tiêu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người được tiêm chủng.
Đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng đang ngày đêm thầm lặng tư vấn, tiêm chủng để hiện thực hóa mục tiêu hoàn thành chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay của TP.HCM trước ngày 27.6.2021.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 22.6 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Covid-19
bản tin Covid-19
bản tin covid-19 mới nhất
tin tức Covid-19
trực tiếp Covid-19
tình hình covid-19 hôm nay
tiêm vắc xin Covid-19
Covid-19 ngày 22/6
Bản tin Covid-19 hôm nay
Bản tin Tình Hình Covid-19 Hôm Nay
Bình luận (0)