Chưa phát hiện cán bộ góp vốn xây chùa để kinh doanh
Trả lời chất vấn của các đại biểu sáng 6.6 về có hay không việc “quan chức góp vốn xây chùa để kinh doanh”, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, theo các báo cáo thì chưa phát hiện hành vi trên.
“Có ý kiến hỏi có kinh doanh chùa hay không? Thưa Quốc hội, theo quy định của pháp luật Việt Nam và Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì không có kinh doanh chùa. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, Bộ Nội vụ chưa phát hiện hành vi kinh doanh chùa để trục lợi”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định.
|
Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận tình trạng một số cá nhân có lợi dụng cơ sở thừa tự Phật giáo, niềm tin của phật tử để hoạt động mê tín dị đoan, để trục lợi, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Về đề nghị làm rõ việc có hay không một số cán bộ góp tiền xây chùa để kinh doanh của đại biểu, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng dẫn “theo báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ” thì “hiện chưa phát hiện cán bộ, công chức nào góp tiền xây chùa để kinh doanh trục lợi”.
Theo Bộ trưởng, khoản 3 điều 56 luật Tín ngưỡng - Tôn giáo quy định cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo được thành lập theo tập quán, do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp... “Thời gian qua, việc xây dựng các cơ sở thừa tự tôn giáo là do người dân và doanh nghiệp đóng góp”, Bộ trưởng nói thêm.
Bên cạnh Bộ trưởng Tân, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng đã lên tiếng về vấn đề này và cũng khẳng định “không có chùa BOT”.
“Là một đại biểu Quốc hội, một tu sĩ Phật giáo, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tôi xin trân trọng báo cáo trước Quốc hội và cử tri cả nước rằng tất cả các chùa trên phạm vi cả nước đều do Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo các địa phương cùng nhân dân địa phương xây dựng và quản lý. Không có chùa nào nằm ngoài hệ thống này, đặc biệt khẳng định không có một chùa nào có sự góp vốn đầu tư xây dựng từ những cá nhân, công chức, tập thể với mục đích kinh doanh mà đại biểu nêu bằng một cụm từ rất mới, rất lạ là chùa BOT”, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói.
Tuy nhiên, cũng như Bộ trưởng Tân, ông cũng “nói thêm” là mặc dù rất ít, nhưng cũng có những con sâu làm rầu nồi canh.
Những hiện tượng sai lệch giáo luật của một số nhà tu hành tại các chùa, ứng xử chưa phù hợp với phật tử đến lễ chùa, đều đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhắc nhở, xử lý, kỷ luật nghiêm khắc theo Hiến chương và nội quy của Giáo hội.
“Giáo hội Phật giáo Việt Nam không dung túng, bao che cho một người tu hành nào, đặc biệt là các chức sắc, khi vi phạm Giáo luật”, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nhấn mạnh.
Xin Chính phủ nói rõ ai sở hữu chùa, vì nhân dân lúng túng
|
Ngay sau đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đã giơ biển tranh luận.
“Ở đây có các vị lãnh đạo quản lý nhà nước về tôn giáo cũng như đại diện của tôn giáo, tôi xin nói thật, gia đình tôi mấy đời theo đạo Phật, rất tôn trọng các tôn giáo, các hoạt động tâm linh, tín ngưỡng chân chính”, đại biểu chia sẻ, nhưng vẫn có mấy câu hỏi “đề nghị Chính phủ cho biết luôn, vì nhân dân lúng túng”.
“Bây giờ các chùa ai sở hữu? Những người sở hữu chùa làm gì để đảm bảo họ không vụ lợi cá nhân, và nếu có thì chúng ta có biện pháp gì để quản lý? Kinh nghiệm quốc tế thế nào trong việc quản lý vấn đề này?”, đại biểu đặt câu hỏi
Theo đại biểu, truyền thống của chúng ta là ai cũng có thể tới các cơ sở tôn giáo, thực hành tín ngưỡng và những cá nhân, tổ chức bỏ tiền ủng hộ, xây chùa cũng không phải vì mục tiêu vụ lợi.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ trả lời rõ: chúng ta quản lý sở hữu công trình tâm linh như thế nào? Các nguồn thu quản lý như thế nào để đảm bảo hoạt động tâm linh một cách chân chính và đảm bảo quyền của người dân đến các cơ sở tâm linh này mà không bị “chặt chém”?
Bình luận (0)