Đền chùa chứ đâu phải trung tâm thương mại

22/02/2019 08:00 GMT+7

Việc đặt hòm công đức tràn lan ở nhiều đền chùa hiện nay chẳng khác gì một kiểu tận thu, buộc người viếng đền chùa phải móc túi mà không dám kêu than. Chốn thiêng liêng vô hình trung bị biến thành trung tâm thương mại.

Cứ xong Tết Nguyên đán, thiên hạ lại nô nức vào mùa lễ hội. Ấy là đang nói ở xứ ta. Một nước hằng năm có tới hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ thì dùng chữ “nô nức” vẫn còn hơi nhẹ. Nhưng lễ hội, sự cúng bái, bản thân nó không phải là cái tội. Nếu xấu, nó đã không tồn tại.
Gắn liền với lễ hội, cầu cúng là “cơ sở vật chất” - đền chùa. Những hoạt động tín ngưỡng thu hút con người phần lớn được tổ chức ở đền chùa, tức ở nơi thờ thánh, thần, phật. Từ ngàn xưa, người ta đã đi chùa, đi đền để cầu xin ơn trên phù hộ, xin những điều may mắn, tốt đẹp, cả vật chất lẫn tình cảm, tinh thần. Viếng đền chùa, cầu cúng là điều không thể thiếu trong đời sống của số đông con dân nước Việt này.
Theo thời gian, đền chùa được xây mới ngày càng nhiều, càng to, hoành tráng. Có nhiều chùa tuy mới lập hoặc tôn tạo từ nền móng cũ nhưng đã chen vào hàng kỷ lục, thu hút đông đảo khách thập phương. Nhiều chùa cũ cũng được tô điểm trùng tu lại, thêm tượng thêm bát hương, mở hẳn những dịch vụ mà xưa nay chỉ lặng lẽ ngấm ngầm. Không nói ra thì ai cũng rõ, gần như có cuộc đua công khai giữa các cơ sở thờ tự để giành thật nhiều con nhang đệ tử về mình. Nhiều “khách” tức là sẽ nhiều tiền. Chả trách dư luận xã hội không ít eo xèo về chuyện “buôn thần bán thánh”, chốn linh thiêng thành trung tâm thương mại. Trong khói hương sực nức mùi tiền.
Thôi, tạm gác không bàn sâu những chuyện liên quan đến tiền bạc nơi đền thánh, chùa chiền đã và đang diễn ra, như cúng dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh (còn gọi là tổ đình) ở thủ đô, hay phát (bán) ấn ở đền Trần (tại Nam Định và Thái Bình), bán sớ ở chùa Hương (Hà Nội), mùi tiền năm sau nặng hơn năm trước khiến thiên hạ phải kêu rêu. Ngay chính một số nhà sư cũng đã phải lên tiếng về dịch vụ tràn lan nơi cửa Phật, cho rằng đã bị lợi dụng, bị làm xằng làm bậy bởi không có trong giáo lý nhà Phật. Những vấn đề hệ trọng ấy, xin để dành dịp khác. Trong bài này, chúng tôi chỉ đề cập đến một thực tế mà ai cũng thấy đang tồn tại chốn đền chùa. Đó là hòm công đức.
Chỉ cần nghe cái tên “hòm công đức” là ai cũng nghĩ đây là việc thiện, làm điều thiện, thể hiện sự biết ơn. Cho tức là nhận. Những đồng tiền, dù ít dù nhiều, bỏ vào “hòm” được xem như một cách đóng góp, bày tỏ thiện tâm. Hòm ấy để ghi nhận công đức của con người, những người viếng thăm, cúng lễ nơi đền thánh, chùa chiền. Công đức bao nhiêu, tùy khả năng, tùy tấm lòng, không có bất cứ sự ràng buộc, o ép nào. Ngôi đền hoặc ngôi chùa được xem như chỗ để gửi gắm lòng tin, ơn nghĩa, nơi thu nhận những đóng góp thiện lành. Hòm công đức đặt ở chùa đền, thiết nghĩ chẳng có nơi nào hợp hơn.
Ấy nhưng, trên thực tế, hòm công đức đang làm gợn lên những suy nghĩ không hay. Điều dễ thấy nhất là ở hầu hết đền chùa trên nước này, hòm công đức bị lạm phát, lạm dụng tới mức khó chịu. Nhiều ngôi chùa, nhiều ngôi đền, chỉ cần bước qua ngưỡng cửa là đụng ngay cả loạt hòm công đức. Những hòm công đức giăng giăng mọi lối, mọi bệ tượng, ban thờ.
 Bỏ tiền công đức chỗ này, chẳng nhẽ không bỏ tiền công đức chỗ kia. Không bỏ không cúng thì áy náy, băn khoăn, lo ngại. Nhỡ ra… Sau một phen viếng chùa cúng đền, không ít người mang về tâm trạng nặng nề. Hoặc phải công đức khá nhiều tiền, hoặc ôm mối lo bị trừng phạt. Đời sống tâm linh vốn đã khó hiểu, tới chùa tới đền tưởng được giải thoát, thông tỏ phần nào, hóa ra không hẳn thế.
Có người bảo rằng sự đặt hòm công đức tràn lan như thế chẳng khác gì một kiểu tận thu, buộc người viếng đền chùa phải móc túi mà không dám kêu than. Chốn thiêng liêng vô hình trung bị biến thành trung tâm thương mại. Tín ngưỡng được đem ra kinh doanh, bán buôn, thành món hàng siêu lợi nhuận. Tiền bạc chen vào nơi cửa phật. Tiền làm biến ảo chốn đền thiêng. Nơi lẽ ra chỉ có tín ngưỡng, đức tin, thiện tâm, từ bi, hỉ xả, khuyên con người khát khao sống tốt sống lành, rửa lỗi cho con người thì lại chỉ thấy đồng tiền bay lượn, dưới vỏ bọc hiền lành “hòm công đức”.
đền-chùa
Cây gạo cổ thụ trong sân đền, chùa Mõ Ảnh: Nguyễn Thông
Dư luận thường khắt khe với những hành vi đậm đặc mùi tiền của ai đó nơi cửa phật, đền thánh, chẳng hạn rải tiền khắp chỗ này chỗ nọ, mài tiền lên tường đền, nhét tiền vào tay tượng… nhưng lại dễ dãi với sự tận thu bằng hòm công đức. Cứ cho rằng đó là chủ trương của ban quản lý, của thủ từ, của sư trụ trì, nhưng cớ sao các cấp có trách nhiệm cao hơn, chẳng hạn Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (một dạng cơ quan chủ quản chùa) lại không có ý kiến gì với các chùa. Sự thả lỏng, bỏ mặc chả khác gì sự tiếp tay, dung túng.
Đừng để hòm công đức thành nỗi e ngại cho người tới đền chùa. Đừng biến chùa đền thành trung tâm thương mại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.