Bức xúc nạn lấn chiếm vỉa hè

04/11/2020 05:27 GMT+7

Bản tin ngắn về vụ tai nạn giao thông ở TP.HCM liên quan xe ba gác tông chết một người đàn ông đi bộ dưới lòng đường đã dấy lên mối lo ngại về nạn lấn chiếm vỉa hè và “hung thần”... xe ba gác.

Theo nội dung đăng trên Thanh Niên điện tử, khoảng 16 giờ ngày 2.11, xe ba gác máy BS 60R1-7234 lưu thông trên đường Liên Ấp 6-2 (hướng từ đường Quách Điêu về đường Kênh Trung Ương, H.Bình Chánh, TP.HCM) đã va chạm với một người đàn ông (62 tuổi, quê Đồng Tháp) đang đi bộ dưới lòng đường, sau đó lao lên tông gãy cột biển báo giao thông và bảng quảng cáo của một tiệm thuốc tây trên vỉa hè mới dừng lại. Tai nạn làm người đi bộ tử vong tại chỗ.

Đi bộ dưới lòng đường, người đàn ông bị xe ba gác máy tông chết thương tâm

Vỉa hè không còn chỗ để đi

Đọc bản tin, nhiều bạn đọc (BĐ) đã “tố” đoạn đường nơi xảy ra tai nạn vỉa hè bị hàng quán chiếm dụng tràn lan làm nơi để xe máy, bày bàn ghế... BĐ Tuan Phan phản ánh: “Tôi là dân địa phương ở khu vực này 30 năm nay. Con đường này mới được làm lại vài tháng, vỉa hè được làm sạch sẽ tinh tươm. Những tưởng là mình có được vỉa hè sạch đẹp để đi bộ tập thể dục nhưng chỉ sau khi hoàn thành một ngày thì toàn bộ vỉa hè đã bị lấn chiếm để bán hàng, đặt bảng hiệu. Sáng sớm còn bán tràn ra cả lòng đường; mấy bà nội trợ thì cứ tấp xe vô, có khi hai xe máy tấp dàn hàng ngang luôn để mua đồ ăn, gây tình trạng kẹt xe mỗi ngày. Tai nạn thương tâm trên xảy ra khi chú này (nạn nhân - PV) phải lội bộ xuống lòng đường vì vỉa hè không còn lối đi...”.
Chốt lại, BĐ Tuan Phan cho rằng: “Nguyên nhân gốc rễ vấn đề, theo tôi, vẫn ở chỗ lấn chiếm vỉa hè... Mong Báo Thanh Niên là cầu nối để nêu lên tình trạng này”.
Cùng nỗi bức xúc, BĐ Phan Lan viết: “Tôi đi bộ lâu nay mà nơm nớp lo sợ bị tông, vì vỉa hè không còn chỗ để đi - ngay cả lòng đường cũng bị ngang nhiên chiếm dụng; cả nhà văn hóa phường cũng chiếm để xe; xe cộ đậu dưới lòng đường...”. Trong khi đó, một BĐ chỉ rõ: “Vỉa hè, đường, thuộc sở hữu toàn dân; văn bản pháp luật, quy định đã rõ ràng. Ấy vậy mà nhiều nhà cứ “hè nhau” lấn, chất, xếp bàn, tủ, kệ buôn bán cứ như thuộc nhà mình.
Xe đi ngang đậu lại (trong phạm vi được phép đậu xe), người đi ngang ghé lại trên vỉa hè thì chủ nhà ra nhắc đi chỗ khác, đuổi, thậm chí hăm he, chửi bới. Chuyện xấu này hiện diện ở khắp nơi, từ trung tâm TP đến hang cùng ngõ hẻm. Nhà nước mà không giải quyết rốt ráo vấn đề lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường này trên phạm vi toàn quốc thì vấn nạn này sẽ là “khối ung thư tiềm ẩn, di căn”. Vì thế sẽ không thể giải quyết rốt ráo được bài toán giao thông đô thị”.

Cần xử lý ba gác chạy ẩu

Ngoài nạn lấn chiếm vỉa hè, nhiều BĐ cũng cho rằng một số người điều khiển xe ba gác “chạy rất ẩu không nhường nhịn nhau; gặp chỗ kẹt xe vẫn cố chen vào bít hết đường, mặc dù biết rằng xe không qua lọt”.
“Xe ba gác là nỗi ám ảnh với người đi đường: chở hàng cồng kềnh như tôn, sắt thép... rất nguy hiểm. CSGT bắt cứ bắt, họ chạy vẫn chạy và mỗi khi bị bắt thì thường mang cái nghèo ra để xin”, BĐ Dung Nano nêu ý kiến. Còn BĐ Phương Lê bức xúc gọi phương tiện này là “hung thần đường phố” vì “đã có nhiều vụ tai nạn liên quan các loại phương tiện này rồi, nhiều khi đường cấm họ cũng chạy vào bất chấp luật lệ”.
“Đề nghị các cơ quan chức năng kiểm soát lại phương tiện ba gác máy, vì nhiều xe cũ kỹ, chạy tốc độ cao, bất chấp luật giao thông, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ”, BĐ Nguyen Phuc ý kiến.
Luật không nghiêm, cứ đánh trống bỏ dùi mãi, nên tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn đâu vào đấy. Vẫn còn vấn nạn này thì tình trạng người đi bộ phải xuống lòng đường và gặp tai nạn sẽ vẫn xảy ra. Chính quyền địa phương hãy chứng tỏ khả năng quản lý của mình mới mong giảm thiểu tai nạn kiểu này.
Ngô Thế Hùng
Đây là hậu quả lấn chiếm vỉa hè, lề đường kinh doanh mua bán mà chính quyền địa phương không quan tâm giải tỏa.
Nam Doan
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.