‘Cả nước như cơ thể sống, không thể vì chỗ bị bệnh mà cắt rời tất cả’

Mai Hà
Mai Hà
25/07/2021 13:13 GMT+7

Nhắc lại nhiều văn bản chống dịch của một số địa phương gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội cho rằng, quyết liệt chống dịch nhưng không nên cực đoán, thái quá.

Rút ngắn thời gian họp thêm 3 ngày để chống dịch, lần đầu tiên Quốc hội (QH) thảo luận trực tiếp tại hội trường vào ngày chủ nhật. Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục là điểm nóng được nhiều đại biểu QH tập trung thảo luận tại hội trường sáng nay, 25.7. Đa số đều đồng thuận với Nghị quyết riêng về phòng, chống Covid-19, trong đó trao cho Chính phủ quyền chủ động được thực hiện các giải pháp đặc biệt, chưa có trong luật.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) cho rằng, quyết liệt phòng chống dịch nhưng không áp dụng biện pháp thái quá, cực đoan. Theo đại biểu này, nhiều địa phương đã áp dụng các biện pháp mới, tích cực, không để “mất giờ vàng” trong chống dịch.
Tuy nhiên, đã xuất hiện nhiều văn bản thái quá của các địa phương gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Có địa phương không cho xe chở nông sản đi qua, dù có giấy xét nghiệm an toàn dịch. Nhiều doanh nghiệp phản ánh thông chốt kiểm soát dịch qua nhiều tỉnh, nhưng đến địa phương cần giao hàng thì phải quay đầu ra, vì mỗi tỉnh mỗi quy định.
“Cả nước như một cơ thể sống quan hệ tuần hoàn chặt chẽ, không thể vì những chỗ bị bệnh mà cắt rời hết tất cả. Vấn đề đặt ra là làm sao cách ly mà không tách rời, không làm đứt gãy nền kinh tế”, ĐB Thuỷ nêu.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cũng đánh giá cao việc Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời, đặc biệt là công điện ngày 15.6 của Chính phủ cũng đã nêu “một số nơi áp dụng chống dịch cực đoan, làm đứt gãy nền kinh tế”. Thủ tướng cũng đã giao cho từng Bộ trưởng rà soát, xử lý ngay.
Cũng theo bà Thuỷ, việc xử lý nghiêm các vi phạm chống dịch vừa qua đã khắc phục tâm lý coi thường, “nhờn” quy định. Trong đó có cả các biện pháp mạnh như xử lý kỷ luật Đảng và công vụ như vụ cách chức Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Hacinco tại Hà Nội hay rút khỏi danh sách ứng cử HĐND tại Hà Nam...
“Trước đây với việc công khai chi tiết lịch trình của bệnh nhân khiến nhiều người bệnh trở thành tâm điểm của sự thêu dệt, suy diễn, thậm chí bị ném đá trên mạng xã hội, gây tổn thương và ảnh hưởng rất nặng nề đến cuộc sống của gia đình họ. Đây không phải là cách để chúng ta cùng nhau vượt qua đại dịch”, ĐB Thuỷ nêu.
Tuy nhiên, sau 2 tháng thực hiện quyết định không công khai danh tính, lịch trình chi tiết người bệnh của Bộ Y tế, người bệnh đã an tâm cung cấp thông tin để từ đó truy vết kịp thời, đồng thời bảo vệ quyền riêng tư, tránh tổn thương cho người bệnh.

Chính phủ đề xuất biện pháp chống dịch Covid-19 như trong tình trạng khẩn cấp

Covid-19 là phép thử với ý thức công dân

ĐB Thuỷ cũng nhắc lại sự chấp nhận gian khổ, hy sinh của lực lượng tuyến đầu chống dịch, sự sẻ chia chi viện của các địa phương, sự sẻ chia, chi viện kip thời giữa các địa phương, của người dân từ cụ già đến em nhỏ góp vào quỹ chống dịch…
Nhiều hình ảnh có tính lay động rất lớn như những chiến sĩ áo xanh từ công an, bộ đội ngày đêm bám chốt, canh gác nghiêm ngặt từng mét biên cương để chặn nguồn lây. Hay hình ảnh hàng chục nghìn nhân viên y tế đã, đang phải gồng mình trong bộ đồ bảo hộ kín mít, dưới cái nắng như thiêu như đốt ngày hè và những bữa cơm ăn muộn, ăn vội, ăn bữa trưa khi đã quá giờ chiều, thậm chí còn ngủ gục bên hộp cơm đang ăn dở…
“Covid-19 đã thực sự trở thành phép thử đối với tinh thần kỷ luật, ý thức trách nhiệm công dân”, ĐB Thuỷ nói và cho rằng, những khó khăn của nền kinh tế trong đại dịch đang ngấm ngày càng sau vào từng người lao động, từng doanh nghiệp.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cũng kiến nghị trong triển khai gói hỗ trợ an sinh, Chính phủ cần giao các bộ hữu quan triển khai phần mềm thống kê liên thông để giúp cho việc rà soát chính xác, nhanh chóng các đối tượng thụ hưởng, tránh việc bỏ sót, trùng lắp hoặc tiêu cực có thể xảy ra. Bên cạnh đó, Chính phủ giao các bộ ngành rà soát, đánh giá sức chống chịu của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, để có những giải pháp căn cơ trong thời gian tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.