Các dự án Bộ Công an là bước tiến mới trong tiến trình quản trị quốc gia

Thái Sơn
Thái Sơn
22/06/2021 14:23 GMT+7

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính , các dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân đi vào vận hành sẽ là một bước tiến trong tiến trình đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại.

Sáng 22.6, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức hội nghị tổng kết dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGDC), dự án Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân (CCCD) và Lễ công bố vận hành chính thức kể từ ngày 1.7. Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Tập đoàn  VNPT chủ trì về công nghệ này sẽ là cơ sở quan trọng để kiến tạo phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số trên cơ sở công dân số.
Tới dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc Bộ Công an đã đưa 2 dự án về đích trước hạn trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid -19. Có được kết quả này, theo Thủ tướng, là nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Công an, sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ công an, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, sự ủng hộ tích cực của người dân.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết,  trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra sâu rộng, tác động toàn diện và sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, việc đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ là một xu thế tất yếu. Chính vì thế, Đảng và Nhà nước đã hoạch định, ban hành nhiều chủ trương, đường lối để xác định dữ liệu về dân cư, đất đai, doanh nghiệp là những dữ liệu trụ cột, cốt lõi cần phải hoàn thành, đưa vào khai thác sớm để dẫn dắt, liên kết, thống nhất toàn bộ dữ liệu trong cơ quan nhà nước về các ngành, lĩnh vực. 
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, các dự án CSDLQGDC và CCCD có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với công tác quản lý Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đổi mới cách thức quản ly nhà nước về dân cư cũng như trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của Bộ Công an. Theo đó, góp phần thay đổi phương thức quản lý dân cư từ thủ công sang hiện đại; quản lý dân cư thông qua mã định danh cá nhân; khắc phục tình trạng thiếu thống nhất trong quản lý thông tin cơ bản của công dân giữa các ngành, các cấp; tiết kiệm thời gian, công sức, cơ sở vật chất trong xây dựng và vận hành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dịch vụ công trực tuyến.
Đồng thời, các dự án trên góp phần đổi mới công tác quản lý con người, quản lý nhà nước về an ninh trật tự theo hướng hiện đại, hỗ trợ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, vì sự bình yên, an toàn, an dân.
"Việc Bộ Công an công bố chính thức Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân đi vào hoạt động là điểm nhấn quan trọng, là một bước tiến trong tiến trình đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và khu vực. Đây là sự kiện quan trọng góp phần khẳng định những nỗ lực trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia", Thủ tướng nói.
Báo cáo tại hội nghị, trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết đến nay  toàn quốc đã thu thập và đồng bộ vào hệ thống CSDLQG về dân cư hơn 102 triệu phiếu DC01 (phiếu thu thập thông tin dân cư) từ các nguồn thông tin. Bộ đã chỉ đạo công an các địa phương rà soát, “làm sạch” dữ liệu trên hệ thống phần mềm và củng cố hồ sơ sổ sách, tàng thư hồ sơ hộ khẩu được hơn 98 triệu nhân khẩu (đạt 95,8%).
Trên cơ sở dữ liệu dân cư được làm sạch, đến ngày 18.6, Bộ Công an đã tiến hành cấp đồng loạt hơn 98 triệu số định danh cho công dân trên toàn quốc đang có trên hệ thống. Đây là cơ sở quan trọng để xác lập danh tính điện tử của công dân, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Bên cạnh đó, thông qua việc triển khai 2 dự án đã gắn với công tác phòng chống tội phạm.
Đến nay, Bộ Công an đã tiến hành chạy thử nghiệm kết nối tích hợp dịch vụ chia sẻ với Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, UBND các địa phương Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế...
Với quan điểm xuyên suốt trong triển khai 2 dự án là hiện đại, đồng bộ và tránh lãng phí, bảo đảm khách quan, đúng quy định pháp luật về chi tiêu ngân sách, không để thất thoát tài sản nhà nước, Bộ Công an cho biết đã chủ động đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc giám sát ngay từ đầu với nguyên tắc làm xong đến đâu kiểm toán đến đó.
Về kết quả dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, với sự quyết tâm của toàn lực lượng nên chỉ trong thời gian ngắn, từ 1.3 đến nay, toàn quốc đã thu nhận được trên 54 triệu/50 triệu hồ sơ cấp thẻ CCCD, đạt tỷ lệ 108%, Bộ Công an cũng đã nghiên cứu, xây dựng việc cấp CCCD cho nhân khẩu tạm trú, theo đó, công dân không cần phải quay về nơi thường trú để làm CCCD, rút ngắn được thời gian di chuyển cho công dân.
Về việc in và trả thẻ CCCD, Bộ Công an đã chỉ đạo các nhà thầu chuẩn bị nhân lực, phương tiện bảo đảm công suất in và trả 500.000 thẻ/ngày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.