Cần có chế tài với cán bộ 'ngâm' hồ sơ của doanh nghiệp

Chí Hiếu
Chí Hiếu
20/11/2020 06:05 GMT+7

Vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm nhất là quy định cứng về thời gian cho trình tự, thủ tục cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư.

Một trong những vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm nhất tại hội thảo lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của luật Đầu tư là quy định cứng về thời gian cho trình tự, thủ tục cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư.
Hội thảo do Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT - đơn vị chủ trì soạn thảo nghị định) tổ chức ngày 19.11.

“Đừng để doanh nghiệp phải nộp hồ sơ trong vô vọng”

Luật sư Trần Thị Thanh Huyền (Văn phòng luật sư NHQuang và cộng sự) dẫn điều 34 dự thảo quy định trình tự, thủ tục cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trực tuyến qua hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư cho rằng đây là tiến bộ, ứng dụng công nghệ thông tin để cải cách thủ tục. Tuy nhiên, theo bà Huyền, việc chưa có quy định thời gian cụ thể thực hiện thủ tục tại cơ quan cấp giấy chứng nhận như: Trong bao lâu thì cơ quan đăng ký đầu tư gửi thông báo cho nhà đầu tư để hoàn thiện hồ sơ trên hệ thống? Thời hạn bao nhiêu ngày để nhà đầu tư được xác nhận hồ sơ hợp lệ và trong thời hạn mấy ngày từ khi nhà đầu tư nộp hồ sơ bản giấy thì sẽ được cấp giấy chứng nhận đầu tư?
“Nếu không có quy định rõ về thời gian thì tức là không có căn cứ rõ ràng để thực hiện. Đừng để doanh nghiệp phải nộp hồ sơ trong vô vọng”, bà Huyền nói và dẫn câu chuyện về dự án xin xây trường đại học 30 ha tại Hà Đông từ trước khi Hà Tây nhập vào Hà Nội. Bà Huyền cho hay, do điều chỉnh quy hoạch phân khu, nên sau khi sáp nhập vào Hà Nội, chủ dự án đã làm thủ tục thay đổi chấp thuận chủ trương đầu tư. "Họ cho rằng mặc dù ý kiến của liên ngành đã rất có cơ sở song Ban Cán sự Đảng UBND TP.Hà Nội chỉ chấp thuận dự án 14 ha cho trường đại học, khiến họ kiến nghị lên đến Thủ tướng", vị luật sư kể.
Còn luật sư Trần Thị Ngân (Công ty luật TNHH Bizlink) dẫn chứng, doanh nghiệp mà bà làm tư vấn pháp luật chỉ đăng ký thay đổi tên người sử dụng đất thôi nhưng đã “hơn 1 năm rồi vẫn chưa được”. Tương tự, bà Hoàng Hải Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam, cho rằng nếu có con số thống kê thì đa số vụ việc bị cơ quan cấp giấy chứng nhận kéo dài. “Nhất là với hồ sơ thủ tục điều chỉnh dự án thì việc đúng hạn là “rất hãn hữu”. Cho nên chúng tôi kiến nghị không chỉ bổ sung quy định có số ngày cụ thể phải xử lý mà cần có cả chế tài đối với cán bộ thực thi thủ tục. Bên cạnh đó cần minh bạch trong xử lý thủ tục hành chính vì hầu hết vụ việc chậm trễ thì cán bộ đều có lý do”, bà Hải Anh đề xuất.

Dẫn chiếu ngược

Trong khi đó, ông Trần Văn Hà, Giám đốc Công ty tư vấn Quang Minh, với kinh nghiệm hơn 20 năm làm tư vấn cho các công ty nước ngoài phải thốt lên rằng “thủ tục để thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư chẳng khác nào ma trận”. Ông Hà kể, doanh nghiệp hay nghe câu “chúng tôi không phản đối dự án” của các bên thẩm định nhưng cuối cùng dự án vẫn không được chấp thuận mà không hiểu lý do vì sao! “Đến khi có luật Đầu tư, điều 33 quy định căn cứ thẩm định quan trọng nhất là “phù hợp quy hoạch” và giao Chính phủ hướng dẫn. Tuy nhiên, tôi đọc dự thảo nghị định thì thấy lại dẫn chiếu ngược là “căn cứ quy định của luật” mà không có hướng dẫn như thế nào là phù hợp, thế nào thì không phù hợp”, ông Hà nói.
Tương tự, đối với dự án không thuộc diện bắt buộc có bước thẩm định chủ trương đầu tư thì dự thảo nghị định cũng dẫn chiếu ngược lại luật “phải phù hợp với quy hoạch”. Điều này, ông Hà cho rằng tức lại phải thẩm định xem nó có phù hợp hay không phù hợp. “Nếu không có tiêu chí rõ ràng, không quy định trách nhiệm của cơ quan thẩm định thì nguy cơ tạo ra cơ chế xin cho”, ông Hà cảnh báo.
Giải trình vấn đề này, ông Hoàng Phương, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH-ĐT, cơ quan soạn thảo nghị định), thừa nhận rằng có nhiều địa phương quan điểm dự án phù hợp với quy hoạch là tên dự án đó phải có trong quy hoạch. “Nhưng thực tế, nhiều loại quy hoạch chỉ ghi nhận các dự án quan trọng, chứ không phải toàn bộ dự án phải có tên. Theo quan điểm cá nhân tôi, phù hợp với quy hoạch không hẳn là dự án phải có tên trong quy hoạch mà là phù hợp với định hướng bố trí không gian, nguồn lực”, ông Phương nói. Dù vậy, vị này thừa nhận, nội dung này chưa có cách tiếp cận thống nhất ngay cả trong các đơn vị của bộ lẫn các bộ khác. “Không chỉ với dự thảo nghị định mà cả từ khi xây dựng luật, nhiều bộ đã có đề xuất nên có quy định, định nghĩa giải thích thế nào là phù hợp quy hoạch. Đây là điều chúng tôi còn trăn trở”, ông Phương chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.