Theo thông tin của Thanh Niên, ứng dụng tra cứu thông tin về đất đai có tên DNAI.LIS do Sở TN-MT Đồng Nai xây dựng được đưa vào hoạt động từ năm 2015 thông qua Google Play và App Store. Đến tháng 6.2021, ứng dụng này được nâng cấp với 2 loại tài khoản người dùng. Loại miễn phí có thể xem được các thông tin về thửa đất. Còn tài khoản đóng phí, với mức giá chưa bằng 1 ly trà đá (2.005 đồng), người dùng được xem thêm thông tin chuyên sâu về nguồn gốc sử dụng, diện tích, loại đất, tình trạng thửa đất có bị ngăn chặn, thế chấp hay không...
Đánh giá cao tính minh bạch
Nhiều bạn đọc (BĐ) sau khi tải và cài đặt trên điện thoại thông minh để sử dụng DNAI.LIS đã đưa ra nhiều ý kiến khá tích cực, đặc biệt là tính công khai, minh bạch thông tin lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. “Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai xảy ra nhiều vụ việc doanh nghiệp gian dối lừa đảo khách hàng, thậm chí có nhiều vụ đã bị cơ quan điều tra khởi tố, xử lý vì các dự án “ma”. Một phần là do những chiêu lừa quá tinh vi, nhưng một phần cũng do khách hàng, người dân thiếu thông tin về dự án. Do vậy, dù còn cần phải cải tiến nhiều hơn về kỹ thuật, nhưng việc làm của Sở TN-MT Đồng Nai rất kịp thời vì giúp người dân có thể tra cứu thông tin về thửa đất, nguồn gốc đất mà mình quan tâm”, BĐ Tô Phong đánh giá.
“Rất đúng, hay, thiết thực cho người dân. Về lâu dài, đơn vị chủ quản phần mềm cần có giải pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn hành vi trích xuất, sử dụng trái phép dữ liệu thông tin về đất đai của một số đơn vị, cá nhân khác. Tôi sử dụng điện thoại hệ điều hành Android. Khi vào Google Play, gõ tên phần mềm để cài đặt, thì thấy khá nhiều phần mềm “nhái” khác. Do vậy, đơn vị phát triển phần mềm nên tăng cường hơn nữa tính nhận diện của phần mềm”, BĐ Hùng góp ý.
Nghiên cứu triển khai diện rộng
Nhiều BĐ cũng khá ngạc nhiên, khi biết phần mềm tra cứu thông tin về đất đai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do chính Sở TN-MT của tỉnh này phát triển. Thậm chí BĐ Lap Tien cho rằng tính đến thời điểm này chưa thấy địa phương nào có ứng dụng tốt, rõ ràng như DNAI.LIS của Đồng Nai. Theo BĐ này, hiện đa số tỉnh, thành tuy công bố thông tin quy hoạch nhưng thông qua website, nên khá bất tiện khi có việc cần phải truy cứu. “Việc đóng phí để biết thêm những thông tin mang tính chuyên sâu hơn là chính đáng vì nhà nước có nguồn thu và có thể dùng nguồn thu này để tiếp tục hoàn thiện, cải tiến ứng dụng. Cần nhân rộng phần mềm tương tự do chính cơ quan chức năng của tỉnh, thành xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu về tra cứu thông tin của người dân trên cả nước”, BĐ Lap Tien viết.
“Thông qua thông tin trên báo chí có thể thấy không chỉ ở Đồng Nai mà nhiều địa phương cũng xảy ra tình trạng dự án “ma”. Có người gom hết tiền bạc tích lũy mua đất dự án, hoặc giao dịch cá nhân, chỉ vì không nắm được thông tin về thửa đất đã phải ôm hận, phá sản. Vì thế, cần thiết phải có những phần mềm do cơ quan chức năng cung cấp để người dân tin tưởng hơn với những thông tin mà người dân tra cứu được”, BĐ Phương Vân đề xuất. BĐ Lai Cuong cũng đồng tình: “Cứ phải như thế thì người dùng và người làm sản phẩm cùng phấn khởi. Người dùng được sử dụng sản phẩm tốt, người làm ra có kinh phí để nâng cao chất lượng dịch vụ. Nếu tất cả các ngành cùng triển khai được thì thật tốt. Bao năm nay, một số dịch vụ công, người dân phải nhờ đến “cò” vừa tốn kém, vừa rủi ro”.
Tôi đánh giá cao phần mềm này của Sở TN-MT Đồng Nai không phải ở khía cạnh kỹ thuật mà vì cơ quan chức năng tỉnh này đã mạnh dạn áp dụng công nghệ, tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân khi cần tra cứu thông tin về đất đai trên địa bàn.
Phương Vân
Cải cách hành chính một cách thực chất phải bắt đầu từ những bước sơ khởi như phần mềm mà Đồng Nai đã thực hiện. Nên điện tử hóa các thủ tục hành chính bằng cách thực hiện qua phần mềm, ứng dụng, cổng thông tin điện tử... Chỉ có như vậy mới hạn chế được tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt...
P.S.G
|
Bình luận (0)