Trong quá trình điều tra, PV Thanh Niên ghi nhận có tình trạng cán bộ UBND P.Tân Tạo (Q.Bình Tân, TP.HCM) đến kiểm tra hoạt động của một trong 3 công ty môi giới việc làm "đểu", nhưng sau đó ra về và công ty này vẫn tiếp tục hoạt động ì xèo.
Hai lần kiểm tra nhưng vẫn hoạt động ì xèo
|
Trong các ngày 6, 7 và sáng 8.5, PV ghi nhận có hàng trăm lao động tiếp tục đến Công ty Sài Gòn Group đóng tiền xin làm nhân viên bán hàng tại các siêu thị.
Sáng 8.5, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Ngô Phan Duy Hiệp, Phó chủ tịch UBND P.Tân Tạo, cho biết ngày 1.4 phường có nhận tin báo của người dân về việc Công ty Sài Gòn Group hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội nên xuống kiểm tra. Đoàn xuống tới nơi thì công ty đã đóng cửa, ngưng hoạt động, nên lập biên bản ghi nhận. Liên quan đến cuộc kiểm tra ngày 5.5 của hai cán bộ P.Tân Tạo, ông Hiệp xác nhận “có” và gọi cán bộ tên Út phụ trách lao động việc làm của phường lên hỏi. Ông Út nói sáng 5.5 có nhận được tin báo của người dân về việc nhiều người xin việc tập trung đông trước Công ty Sài Gòn Group gây mất trật tự nên xuống kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, đại diện công ty có xuất trình giấy phép đăng ký kinh doanh. Sau đó, công ty có bổ sung hợp đồng cung ứng lao động cho một công ty bảo vệ tại Q.12.
Ngày 12.5, PV Thanh Niên liên lạc và đề nghị cung cấp nội dung biên bản làm việc ngày 5.5 giữa Công ty Sài Gòn Group và cán bộ P.Tân Tạo cùng các thông tin: công ty này quảng cáo tuyển nhân viên siêu thị thì cán bộ phường có kiểm tra hợp đồng cung cấp lao động giữa công ty này với các hệ thống siêu thị? Phường có kiểm tra các giấy tờ pháp lý liên quan đến hoạt động tư vấn, môi giới việc làm? Có hay không P.Tân Tạo kiểm tra qua loa, chưa làm hết chức năng, qua đó tiếp tay cho Công ty Sài Gòn Group...? Tuy nhiên, ông Ngô Phan Duy Hiệp từ chối trả lời trực tiếp mà yêu cầu Báo gửi văn bản rồi sẽ trả lời sau.
|
Tìm cách né tránh để không trả lại tiền
Trong khi chính quyền cơ sở có những dấu hiệu chưa làm hết trách nhiệm, nhiều người lao động nghèo vẫn tiếp tục bị “sập bẫy” mà các công ty môi giới “đểu” giăng ra. Tiếp xúc với PV, em P.T.T (17 tuổi, quê Đồng Tháp, tạm trú Q.Thủ Đức, TP.HCM) cho hay do gia đình khó khăn sau mùa dịch nên phải lên TP tìm việc làm. Thấy Công ty Sài Gòn Group đăng thông tin tuyển nhân viên cửa hàng tiện lợi ở Q.Gò Vấp, lương 6 triệu, sau đó sẽ tăng 7,5 triệu đồng nên T. đã liên hệ. “Lúc đầu cũng sợ bị lừa nhưng thấy nhiều người đóng như mình nên em đóng theo, họ hẹn ngày 5.5 liên hệ công việc. Đến ngày hẹn, em điện hai nhân viên của công ty nhưng họ đều đánh trống lảng”, T. ấm ức nói.
Sáng 6.5, chúng tôi theo T. đến trụ sở của Công ty Sài Gòn Group đòi lại số tiền đã đóng. Đến nơi, T. được đưa ngay lên lầu 2 gặp nhân viên giải quyết. T. được đề nghị chuyển về làm bảo vệ ở Gò Vấp nhưng lương thua xa mức thỏa thuận khi đóng tiền nên em không đồng ý, yêu cầu trả lại 700.000 đồng đóng trước đó thì nhân viên Sài Gòn Group hứa sẽ chuyển trả lại tiền cho T. bằng hình thức chuyển khoản. Khi ra cổng, thấy có nhiều người lớn tuổi đòi được tiền nên T. thắc mắc và được một phụ nữ trung niên “mách”: “Con phải làm căng lên thì nó mới trả chứ hẹn không biết đến khi nào”. Nghe vậy, T. quay lại công ty đòi tiền mặt. Sau hồi tranh cãi lớn tiếng, nhân viên công ty chấp nhận trả T. 50% số tiền đã đóng (tức 350.000 đồng), còn lại sẽ chuyển khoản sau 10 ngày. Ngay sau T., một nữ nạn nhân khác bức xúc: “Không phải, không phải công việc ban đầu như đăng ký, đồ lừa đảo, trả lại tiền ngay”.
Theo PV ghi nhận, ngày 6.5 có rất đông người đến Công ty Sài Gòn Group xin việc lẫn đòi lại tiền. Đa phần là lao động phổ thông từ các tỉnh, thành khác đến. “Tôi đóng 800.000 đồng, hơn 1 tháng không có việc, đến đòi tiền thì hẹn mấy lần rồi. Biết tôi đòi tiền là có mấy thanh niên lạ mặt đến đe dọa, đuổi tôi ra khỏi công ty. Bọn nó lừa đảo chứ giới thiệu việc làm gì”, chị Hòa (tạm trú Q.Gò Vấp) bức xúc.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Công ty dịch vụ đầu tư Thống Nhất (gọi tắt Công ty Thống Nhất, số 22 đường số 13, khu dân cư Phong Phú, H.Bình Chánh). Chị Trần Thị Lam (quê Phú Yên) kể ngày 7.4 đến Công ty Thống Nhất xin việc làm tại siêu thị (như quảng cáo trên Facebook) và được yêu cầu đóng 800.000 đồng, hẹn ngày 14.4 đi làm tại siêu thị Co.opMart Thủ Đức. Đến ngày hẹn, chị Lam nhiều lần gọi cho quản lý tên Lộc để được sắp xếp công việc nhưng không được; gọi tới công ty hỏi thì được chỉ vòng vo qua nhiều người, sau đó chặn luôn số điện thoại của chị. Nghi ngờ bị lừa, chị Lam đến siêu thị Co.opMart Q.Thủ Đức hỏi mới biết nơi đây không tuyển nhân viên, nên vội chạy đến Công ty Thống Nhất hỏi cho rõ. Tại đây, nhân viên công ty viện lý do trong mùa dịch nên... chờ để bố trí công việc sau. Chờ mãi, hết cách ly xã hội vẫn không thấy công ty gọi đi làm, ngày 8.5 chị Lam lên công ty đòi lại tiền thì nhân viên hứa hẹn sẽ trả lại tiền sau 10 ngày với hình thức... chuyển khoản. “Không phải mình tôi, mà rất nhiều người ở xa đến Công ty Thống Nhất đòi tiền lại. Nhân viên viện rất nhiều lý do không trả tiền cho chúng tôi. Nhiều người mất việc vì lý do “dịch bệnh”, ở xa bị công ty hẹn chạy đi chạy lại để đòi lại 800.000 đồng nên họ chấp nhận bỏ luôn”, chị Lam bức xúc.
Dấu hiệu lừa đảo có tổ chứcTheo luật sư Nguyễn Hải Nam, Đoàn luật sư Bình Phước, điều 7 Nghị định 03/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của bộ luật Lao động về việc làm quy định người sử dụng lao động chi trả các chi phí cho việc tuyển lao động và được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh; trường hợp tuyển lao động thông qua tổ chức dịch vụ việc làm thì người sử dụng lao động phải thanh toán tiền phí dịch vụ việc làm về tuyển lao động cho tổ chức dịch vụ việc làm theo quy định của pháp luật. Như vậy, pháp luật nghiêm cấm hành vi thu tiền người lao động ứng tuyển việc làm dưới mọi hình thức. Việc thu tiền người lao động ứng tuyển việc làm dù là tiền phí hay tiền cọc cũng đều là vi phạm pháp luật.
Trong sự việc mà PV Thanh Niên điều tra, phản ánh, có cơ sở để cho rằng đơn vị tuyển dụng chỉ lợi dụng danh nghĩa của doanh nghiệp khác tuyển dụng lao động, nhằm tạo lòng tin cho người lao động để thu tiền trái pháp luật, sau đó tìm lý do để thoái thác trách nhiệm trả lại tiền; trên thực tế không hề có công việc làm cho người lao động. Nếu đúng như vậy thì rõ ràng hành vi của các công ty tuyển dụng đã có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với tình tiết phạm tội có tổ chức. Hành vi này rất cần được điều tra, xử lý nghiêm.
|
Bình luận (0)